Cần ban hành chính sách riêng về nghèo đô thị

- Thứ Tư, 30/04/2014, 08:31 - Chia sẻ
Là một trong những thành phố với quy mô dân số lớn, TP Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề nghèo đô thị. Tuy nhiên, tình hình tăng dân số cơ học ở thành phố đang phát sinh bộ phận người nghèo nhập cư chưa có điều kiện theo dõi, quản lý. Bên cạnh đó, thành phố mới chỉ tập trung chủ yếu vào các chính sách và các giải pháp hỗ trợ chăm lo giảm nghèo chứ chưa xác định tăng hộ khá một cách cụ thể…

Nguồn: ITN

Từ năm 2009 - 2015, TP Hồ Chí Minh đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 3 trước thời hạn là hai năm, với tốc độ giảm nghèo bình quân 1,6%/năm. Số hộ nghèo trên địa bàn thành phố tuy đã vượt chuẩn nghèo thành phố là trên 12 triệu đồng/người/năm nhưng giá trị thực tế thu nhập đã và đang bị giảm sút. Trong 5 năm qua, tỷ lệ trượt giá 40% làm cho mức thu nhập của hộ nghèo tính vào đầu năm 2009 so với thời điểm hiện nay chỉ còn khoảng 7,2 triệu đồng/người/năm.
 
Theo báo cáo đánh giá nghèo đô thị tại TP Hồ Chí Minh của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cho thấy, một trong những yếu tố đánh giá vấn đề nghèo đô thị là nhà ở, thu nhập và chi tiêu. Tính trung bình không gian sống các hộ gia đình tại TP Hồ Chí Minh đạt 17,7m2/người, nhưng khoảng 62% dân di cư đang sống trong tình trạng chật chội; 64% dân di cư phải đi thuê nơi ở so với 8% của dân thường trú. Người dân di cư chi ít hơn cho giáo dục và y tế vì số lượng người dân di cư trẻ hơn và ít con nhưng họ lại chi tiêu nhiều hơn vào việc phải thuê nhà. Theo khảo sát cho thấy, 3/5 số người dân di cư gửi tiền về quê và trung bình số tiền gửi này chiếm 1/6 chi tiêu của họ.
 
Còn theo nghiên cứu đánh giá tác động các chính sách giảm nghèo của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2009- 2013 của Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo TP Hồ Chí Minh cho thấy, khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ nhà ở còn hạn chế vì 57,4% số hộ nghèo, 80,3% hộ cận nghèo không phải là đối tượng hưởng lợi chính sách. Cộng thêm với đó là những rào cản về pháp lý cũng là nguyên nhân hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Số hộ nghèo di cư hoàn toàn không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ nhà ở của chính quyền địa phương.
 
Phó giám đốc Sở LĐ, TB và XH TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Xê cho rằng, một trong những tồn tại vấn đề giảm nghèo ở đô thị tại TP Hồ Chí Minh là tình hình tăng dân số cơ học trong thành phố đang phát sinh bộ phận người nghèo nhập cư nhưng chương trình giảm nghèo thành phố chưa có điều kiện theo dõi quản lý và hỗ trợ trực tiếp do không có chỗ ở ổn định. Ngoài ra, chưa có cơ chế phối hợp các nguồn vốn ưu đãi cho người nghèo trên địa bàn thành phố để thực hiện đồng bộ, do vậy chưa bảo đảm cân đối hợp lý các nguồn vốn theo đúng nhu cầu sử dụng của các đối tượng. Bên cạnh đó, thành phố mới tập trung chủ yếu vào các chính sách và các giải pháp hỗ trợ chăm lo giảm nghèo chứ chưa thực hiện mục tiêu tăng hộ khá một cách cụ thể, chưa xây dựng tiêu chí hộ khá để xác định đối tượng cụ thể.
 
Từ trước đến nay chúng ta vẫn quan tâm đến xóa đói giảm nghèo khu vực nông thôn nên vấn đề nghèo đô thị còn mờ nhạt. Thực tế cho thấy, nghèo đô thị khó có điều kiện được hỗ trợ như vấn đề nhà ở, thu nhập thấp, tình trạng thất nghiệp… đặc biệt là tỷ lệ trượt giá theo hàng năm. Mặt khác, tâm lý bản thân những người nghèo khi được nhận được chính sách hỗ trợ lại không muốn thoát nghèo. Chánh văn phòng quốc gia giảm nghèo, Bộ LĐ, TB và XH Ngô Trường Thi cho rằng, cần nghiên cứu, ban hành chính sách riêng về nghèo đô thị.
 
Giảm nghèo đô thị, giảm nghèo đa chiều đang đặt ra nhiều thách thức mới đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành tại địa phương đi cùng với những chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo hiệu quả, phù hợp với từng địa phương để từ đó tạo điều kiện cho các hộ nghèo đô thị vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vi Hoa