Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương xác nhận điều này tại Hội thảo Lộ trình hiện thực hóa điện gió ngoài khơi tại Việt Nam - Hướng đến mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và cam kết Net Zero diễn ra sáng 9.6.
Hội thảo do Viện Năng lượng, Bộ Công thương phối hợp với Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu (GWEC) tổ chức.
Tiềm năng điện gió ngoài khơi lên tới 160GW
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bùi Quốc Hùng cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao - Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế.
Với vai trò một ngành cơ sở hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế, ngành điện lực xác định phải đi trước một bước trong đầu tư phát triển, bảo đảm đáp ứng đủ điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Theo xu thế tất yếu, ngành cần ưu tiên phát triển theo hướng sản xuất sạch hơn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định cần phát triển đột phá đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, nêu rõ: “Thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác...”.
Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: Ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện. Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch.
Tại Hội nghị COP26 tháng 11.2021, Việt Nam đã cam kết bằng nỗ lực trong nước và với sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” (Net Zero) vào năm 2050.
Nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng lớn này, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã được Bộ Công thương xây dựng với các quan điểm, mục tiêu nhất quán thể hiện sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch truyền thống như nhiệt điện đốt than sang các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, thủy điện tích năng.
Hiện, dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được hoàn thiện, thông qua bởi Hội đồng thẩm định và đã trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4.2022, chờ phê duyệt. Trong đó, quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo được chú trọng.
Cụ thể, tổng tỷ trọng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trong hệ thống điện quốc gia năm 2030 đạt xấp xỉ 22%. Đặc biệt, điện gió ngoài khơi được dự kiến quy hoạch phát triển khoảng 7GW đến năm 2030; 16GW vào năm 2035 và hơn 36GW vào năm 2045.
Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công thương Trần Kỳ Phúc thông tin, kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Việt Nam có tiềm năng gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với gần 400GW.
Nguồn điện gió ngoài khơi được quy hoạch phát triển với quy mô lớn do có tiềm năng kỹ thuật tương đối tốt trên phạm vi các vùng lãnh hải của cả nước. Theo đánh giá có thể lên đến trên 160GW, tuy nhiên Việt Nam chưa có kinh nghiệm với lĩnh vực này.
Do tính chất đặc thù về kỹ thuật và công nghệ, quy mô đầu tư lớn, quy trình và thủ tục đầu tư phức tạp, việc hiện thực hóa lượng công suất dự kiến quy hoạch 7GW đến năm 2030 thực sự là thách thức rất lớn, đại diện Bộ Công thương xác nhận.
Nên có cơ chế chuyển tiếp trước khi đấu thầu
Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch SEA Taskforce, GWEC cho rằng, suất đầu tư của dự án điện gió ngoài khơi rất lớn. Do đó, Việt Nam cần phải có quy trình rõ ràng, mức giá phù hợp để thu hút nhà đầu tư. Đồng thời, cũng cần tính toán cân nhắc đến chuỗi cung ứng, phát triển hạ tầng cảng biển.
Bình luận về mục tiêu 7GW đến năm 2030, ông Mark Hutchinson cho rằng, cần có cơ chế chuyển đổi cho 4GW đầu tiên, sau đó thực hiện cơ chế đấu thầu với 3GW còn lại. “Nếu chuyển thẳng sang cơ chế đấu thầu thì mục tiêu này sẽ khó đạt được”, ông Mark Hutchinson nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia này, do suất đầu tư của dự án điện gió ngoài khơi lên tới cả tỷ USD nên cần có sự tài trợ vốn của cả ngân hàng quốc tế, vì ngân hàng trong nước có giới hạn về cung cấp vốn. Muốn thu hút ngân hàng quốc tế, Việt Nam cần có sự rõ ràng trong hợp đồng mua bán điện. Trong hợp đồng, cần giải quyết các vấn đề về tiết giảm công suất, mức giá điện, ông Mark Hutchinson đề xuất.
Song song với đó, Việt Nam cũng cần tính đến việc nghẽn lưới bởi công suất điện mặt trời và điện gió đến năm 2030 là khá lớn. Xây dựng hệ thống truyền tải cần huy động sự tham gia của tư nhân để giảm gánh nặng chi phí đầu tư đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, phải có cơ chế cụ thể, rõ ràng.
Ông Stuart Livesey, Giám đốc COP Vietnam Count – CEO dẫn kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy, chính quyền đã xây dựng lộ trình các dự án để tạo niềm tin cho nhà đầu tư và nhà cung cấp trong nước về tài chính, kỹ thuật, trang thiết bị. Từ năm 2015, Đài Loan đã ban hành 36 điểm tiềm năng và có kế hoạch phát triển, chi phí nghiên cứu này do phía Chính phủ thực hiện.
Lộ trình của Đài Loan là đi từ việc thí điểm để doanh nghiệp chứng minh năng lực qua những dự án quy mô nhỏ, sau đó rút kinh nghiệm để làm những dự án lớn. Trong giai đoạn thí điểm, Chính phủ chia giá FIT theo các mốc thời gian, nhằm khuyến khích doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án để được hưởng giá FIT cao hơn. Đồng thời, khuyến khích nhà cung cấp nội địa. “Nếu muốn hàm lượng nội địa hóa cao thì phải có mức giá hấp dẫn với nhà đầu tư”, ông Stuart Livesey đúc kết. Hiện, Đài Loan đã giảm dần giá FIT để chuyển sang đấu giá.
Từ kinh nghiệm trên, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam không nhất thiết phải tuân theo đúng lộ trình mà Đài Loan đã áp dụng. Việc phát triển chuỗi cung ứng dù tốt nhưng Việt Nam “nên cân nhắc cho giai đoạn sau”.
Điều quan trọng, ông Stuart Livesey đề xuất, Việt Nam cần bảo đảm chính sách linh hoạt để cho phép dự án được lựa chọn công nghệ mới nhất vì thực tế công nghệ thay đổi liên tục. Nhà đầu tư cũng phải có tầm nhìn xa để dự báo về công nghệ.
Với Việt Nam, dự án điện gió ngoài khơi không thể chỉ làm trong 5 năm mà cần 6 - 8 năm. Do đó, nếu chỉ lập kế hoạch 5 năm là xong thì sẽ thất bại. Chính phủ cần phải lưu ý vấn đề này để cụ thể hóa mục tiêu đề ra, ông Stuart Livesey lưu ý.