Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc là giải thưởng có ý nghĩa được trao cho tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Từ năm 2018, giải thưởng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hàng năm nhằm kịp thời tôn vinh những đóng góp quý báu, động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia phát triển văn hóa đọc tại bộ, ngành, địa phương, các vùng miền và trong cộng đồng.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định, qua 5 năm tổ chức, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã vinh danh 121 tập thể, cá nhân tiêu biểu trên toàn quốc có những đóng góp tích cực, nổi bật cho phát triển văn hóa đọc.
"Điều đặc biệt có ý nghĩa và đáng trân trọng là nhiều tập thể, cá nhân sau khi nhận giải thưởng vẫn tiếp tục bền bỉ, tâm huyết, luôn đổi mới tìm tòi cách làm hay, sáng tạo để tiếp tục phục vụ người đọc và đóng góp cho sự phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI được thực hiện theo Quy chế mới, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2023. Theo đó, các tập thể, cá nhân có thời gian tổ chức, tham gia tổ chức hoặc đóng góp cho phát triển văn hóa đọc tối thiểu 3 năm liên tục và chưa được tặng giải thưởng trong khoảng thời gian 3 năm tính đến năm đề nghị xét tặng, tổ chức được các mô hình hoạt động văn hóa đọc hiệu quả, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Cá nhân đề nghị xét tặng giải thưởng phải có ít nhất một sáng kiến hoặc đề xuất mô hình, cách làm hay được triển khai áp dụng rộng rãi, góp phần phát triển văn hóa đọc tại địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn việc xét tặng giải thưởng phát triển văn hóa đọc từ tháng 11.2023 và nhận được 78 hồ sơ của các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng, trong đó có 36 hồ sơ tập thể và 42 hồ sơ cá nhân.
Vụ trưởng Vụ Thư viện Kiều Thúy Nga cho biết, cơ bản các tập thể, cá nhân cố gắng bám sát các tiêu chí của quy chế và hướng dẫn của Bộ, chú trọng đánh giá thành tích của tập thể, cá nhân thông qua các số liệu, thông tin thể hiện tính hiệu quả, thiết thực của hoạt động khuyến đọc; các sáng kiến đề xuất mô hình cũng được đánh giá thông qua việc triển khai thực tiễn; các dịch vụ, sản phẩm thông tin - thư viện được minh chứng bằng hình ảnh, thước phim cụ thể.
Theo bà Kiều Thúy Nga, hệ thống thư viện công cộng vẫn giữ vai trò chủ lực trong phát triển văn hóa đọc với nhiều sự thay đổi đáng ghi nhận. Các sản phẩm, dịch vụ thông tin - thư viện đã bám sát, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người sử dụng, phục vụ từ đối tượng bạn đọc phổ thông, đa dạng đến các nhu cầu nghiên cứu chuyên biệt đòi hỏi chất lượng cao; các hoạt động khuyến đọc đã chuyển từ phong trào bề nổi nhằm nâng cao nhận thức của xã hội sang các hoạt động gắn với việc trang bị kỹ năng thông tin và trải nghiệm cho người sử dụng.
Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo với những phương thức hoạt động mới hướng tới xây dựng môi trường đọc ngay tại cơ sở, phục vụ trực tiếp cho người sử dụng như: “đem sách đến người đọc” thông qua mô hình xe ô tô thư viện lưu động, mô hình thư viện xanh, thư viện lớp học, tủ sách phụ huynh trong cơ sở giáo dục; mô hình thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang; mô hình tủ sách yêu thương, thư viện miễn phí, thư viện xã phục vụ cộng đồng…
Các hoạt động phát triển văn hóa đọc hướng tới nhiều đối tượng yếu thế (người khuyết tật, trẻ em, trẻ mầm non, người dân tộc thiểu số, người ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, biên giới, hải đảo…) và tiếp tục ghi nhận sự đồng hành của các tổ chức, đoàn thể như người cao tuổi, đoàn thanh niên, cựu giáo chức, cộng đồng người dân tham gia quản lý, vận hành thư viện tại cơ sở.
Tuy nhiên, giải thưởng năm nay còn thiếu vắng khối thư viện đại học, thư viện chuyên ngành - lực lượng tiên phong trong thời kỳ chuyển đổi số, vắng sự đồng hành của các nhà xuất bản, các tổ chức, doanh nghiệp, các liên hiệp, hội...