Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ:

Quy định điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là phù hợp và cần thiết

- Thứ Tư, 22/05/2024, 20:12 - Chia sẻ

Chiều 22.5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phát biểu tại hội trường, về quy định điểm của giấy phép lái xe tại Điều 58 dự thảo Luật, ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) cho rằng, quy định điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là phù hợp và cần thiết. 

Quy định điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là phù hợp và cần thiết -0
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Bắc Ninh) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Theo đại biểu, tình hình trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp; trình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông diễn ra rất phổ biến; trong khi công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế, không ít học viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sát hạch và được cấp giấy phép lái xe nhưng không đủ tự tin để lái xe ra đường do kỹ năng chưa thành thục, chưa nắm được các quy định của pháp luật, nhất là các quy tắc khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các quy định còn nhiều điểm chưa phù hợp mà chưa được sửa đổi, đơn cử như Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ quy định các hành vi vi phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về TTATGT thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn.

Đại biểu cho rằng, khi bị tước giấy phép người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân, đặc biệt đối với người điều khiển phương tiện mà lái xe là một nghề thì khi bị tước giấy phép đến 2 năm thì coi như mất nghề. Bên cạnh đó, việc tước giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, mà vẫn chưa quản lý được cả quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, hệ thống điểm phạt đã được quốc tế áp dụng cách đây 50 năm, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe được quy định trong dự thảo Luật là biện pháp quản lý Nhà nước, vừa có tính giáo dục răn đe, giúp cho lái xe chú ý hơn, cẩn thận hơn, chấp hành tốt hơn. Ngoài ra, giúp cơ quan Nhà nước quản lý được người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, từ đó vừa nâng cao quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, vừa nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Đại biểu Trần Thị Vân nhấn mạnh, điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là quy định mới và lần đầu tiên được đề xuất trong dự thảo Luật. Để đảm bảo khi Luật thông qua được triển khai có hiệu quả, đại biểu đề nghị Chính phủ ban hành các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm và trừ bao nhiêu điểm cụ thể đối với từng lỗi vi phạm. Về thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm phải đảm bảo đơn giản, phù hợp, tránh thiệt hại cho người dân theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hệ thống dữ liệu. 

Theo đó, người lái xe sẽ nhận được thông báo trừ điểm của cơ quan xử phạt, hệ thống dữ liệu sẽ tự động trừ điểm hoặc phục hồi điểm sau một năm. Điều này sẽ không phát sinh tiêu cực, không chồng chéo với các hình thức xử phạt hành chính khác do không có sự tiếp xúc giữa người có thẩm quyền xử phạt và người vi phạm.

Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, đây là giải pháp quản lý công khai, minh bạch, hiện đại, quản lý được cả quá trình chấp hành pháp luật của lái xe thay vì quản lý từng hành vi đơn lẻ và hướng tới xây dựng thói quen, văn hóa tham gia giao thông thay vì tình trạng chấp hành giao thông một cách đối phó như hiện nay.

Hoàng Nga
#