Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV:

Đại biểu Quốc hội có nhiều “không gian” hơn để đóng góp ý kiến

- Chủ Nhật, 25/06/2023, 16:51 - Chia sẻ

Đánh giá về kết quả của Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu Quốc hội bày tỏ ấn tượng về phiên chất vấn và trả lời chất vấn, với các câu hỏi và trả lời ngắn gọn, cụ thể và rõ ràng, nhận được sự ủng hộ của cử tri khi theo dõi truyền hình trực tiếp. Các đại biểu Quốc hội cũng ngày càng có nhiều không gian hơn để đóng góp ý kiến vào từng nội dung của Kỳ họp.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam):
Đánh giá cao công tác giám sát tại Kỳ họp

Đại biểu Quốc hội có nhiều “không gian” hơn để đóng góp ý kiến
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Hà Nam)

Tại Kỳ họp này, tôi rất quan tâm và đã cùng các đại biểu Quốc hội khác cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện chính sách pháp về y tế cơ sở và y tế dự phòng”. Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và đã tham gia hoạt động giám sát của Quốc hội trong các ngày từ 17 đến 19.6, khi trực tiếp chất vấn một số thành viên Chính phủ.

Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên các phương tiện thông tin đại chúng, là hoạt động được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm đúng, trúng từ thực tiễn hiện nay làm cơ sở để quyết định lựa chọn các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2024, nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc với mục tiêu kiến tạo, phát triển và đồng hành cùng Chính phủ.

Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tại Kỳ họp thứ Năm này, Quốc hội đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó nổi bật là xem xét, đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây đó còn đang tồn tại những điểm nghẽn, vướng mắc trong mọi mặt từ cuộc sống của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Theo các báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng của nước ta giảm với tốc độ lao dốc từ 13,7% vào quý III, xuống còn 5,9% vào quý IV năm 2022 và chỉ còn 3,3% vào quý I năm 2023. Hầu hết các doanh nghiệp ở quy mô khác nhau, ngành nghề khác nhau đều rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu vốn, thiếu đơn hàng, đình hoãn sản xuất dẫn đến người lao động mất việc làm, không có thu nhập…

Có ý kiến chuyên gia cho rằng, vừa qua nền kinh tế của nước ta gặp 2 cú sốc, đầu tiên là cú sốc về dịch bệnh Covid-19, cú sốc thứ hai là giảm “cầu” từ bên ngoài. Nhưng theo tôi, có thêm một cú sốc khác được tạo nên bởi chính nội tại của chúng ta, đó là sự đứt gãy niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào kết quả cải cách hành chính, trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của một bộ phận không nhỏ công chức và về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp hiện nay.

Trong bối cảnh đó, tại Kỳ họp, nhiều vị đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội cần có những giám sát chuyên đề về kết quả cải cách hành chính của Chính phủ; trách nhiệm thực thi, đạo đức công vụ của công chức và về sự vận hành của bộ máy chính quyền ở các cấp hiện nay để chỉ ra các tồn tại hạn chế, đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan, cái nào thuộc về quy định của pháp luật, cái nào thuộc về khâu tổ chức thực hiện, trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân nào. Từ đó đề xuất các giải pháp xác đáng, khả thi trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn để khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế, tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn, vướng mắc cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp cũng như cho nhân dân.  

Đại biểu Quốc hội Rơ Châm H′Phik (Gia Lai):
Chuẩn bị kỹ lưỡng, phân bổ thời gian hợp lý

Đại biểu Quốc hội có nhiều “không gian” hơn để đóng góp ý kiến
Đại biểu Quốc hội Rơ Châm H′Phik (Gia Lai) phát biểu trên hội trường

Kỳ họp thứ Năm diễn ra trong 23 ngày và được chia làm hai đợt, việc chia thời gian như vậy là rất phù hợp. Vì tại Kỳ họp lần này, Quốc hội phải thông qua 8 dự án luật và 17 nghị quyết quan trọng, cho ý kiến lần thứ hai về Luật Đất đai (sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật. Do đó việc giãn thời gian sẽ giúp Ban soạn thảo có điều kiện nghiên cứu và rà soát lại, để các luật được chặt chẽ và khả thi hơn khi được ban hành. Bên cạnh đó, việc sắp xếp thời gian thảo luận tại các tổ cũng rất hợp lý, giúp các đại biểu Quốc hội có thể tham gia ý kiến vào tất cả các luật.

Về phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các câu chất vấn của các đại biểu Quốc hội cũng như câu trả lời của các Bộ trưởng, trưởng ngành, thành viên Chính phủ đều ngắn gọn, cụ thể và rõ ràng, nhận được sự ủng hộ của cử tri khi theo dõi truyền hình trực tiếp. Điều các đại biểu Quốc hội chúng tôi cảm nhận rõ nhất là ngày càng có nhiều không gian hơn để đóng góp ý kiến vào từng nội dung của Kỳ họp.

"Tôi mong rằng Kỳ họp tiếp theo sẽ kế thừa được tinh thần của Kỳ họp lần này. Đối với những nội dung cần phải có thời gian thì cần phải được bố trí phù hợp, nhất là liên quan đến những nội dung mang tính thực tiễn."

Bên cạnh đó, công tác điều hành của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội hết sức khoa học, tập trung trực diện vào các vấn đề và nhất là những điểm then chốt, cốt lõi của vấn đề, đồng thời cũng hết sức linh hoạt để tạo điều kiện cho nhiều đại biểu được bày tỏ ý kiến tại hội trường. Hầu như tất cả các nội dung, đặc biệt là liên quan đến nội dung chất vấn đều được đoàn Chủ tịch theo dõi sát sao và không bỏ sót bất kỳ một nội dung nào. Khi các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời câu hỏi của các đại biểu đặt ra, đôi khi bị bỏ sót lại một số câu do số lượng câu hỏi chất vấn quá nhiều thì đều được Đoàn Chủ tịch, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội "rà soát" và “nhắc nhở” các Bộ trưởng trả lời đầy đủ.

Có thể khẳng định, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khoá XV đã thành công tốt đẹp và với những kết quả đã đạt được, tôi tin tưởng rằng hoạt động của Quốc hội nhất định sẽ ngày càng có chất lượng cao hơn, dân chủ hơn, sáng tạo, quyết liệt và thiết thực hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lê Tùng - Xuân Tùng (ghi)
#