Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

Cần quy định cụ thể về xác định giá đất

- Thứ Sáu, 09/06/2023, 20:55 - Chia sẻ

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, dự thảo Luật đã có nhiều quy định được bổ sung trên cơ sở ý kiến của cử tri và Nhân dân. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, việc xác định giá đất để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là rất khó, dễ dẫn đến phát sinh khiếu kiện, điểm nóng. Do vậy, đề nghị cần có quy định cụ thể đối với nội dung này để bảo đảm triển khai khi luật có hiệu lực thi hành.

Tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở

Phát biểu tại thảo luận tổ, ĐBQH Đặng Bích Ngọc đánh giá cao hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, dự thảo Luật đã có nhiều quy định được bổ sung trên cơ sở ý kiến của cử tri và Nhân dân, có sự sàng lọc, đánh giá tương đối sâu sắc về từng nhóm vấn đề.

Giải quyết căn cơ những vướng mắc ngay tại cơ sở -0
ĐBQH Đặng Bích Ngọc phát biểu tại tổ thảo luận sáng 9.6

Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc để triển khai việc lấy ý kiến; MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị xã hội đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến, tổ chức phản biện xã hội với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Thông qua hệ thống truyền thông việc lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được triển khai một cách rộng khắp, xuống tận cơ sở, tạo được sự đồng thuận, phấn khởi trong Nhân dân. Cùng với đó, người dân được tham gia đóng góp ý kiến, các vướng mắc từ cơ sở cũng đã được giải quyết.

Đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ trong việc tổng hợp, lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã kịp thời cập nhật rất nhanh những ý kiến của cử tri và Nhân dân cả nước vào dự thảo Luật để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ Năm này.

Liên quan đến việc thu hồi, trưng dụng đất vì mục đích quốc phòng an ninh, đại biểu Ngọc cho biết: Nội dung này được quy định và liệt kê rất kỹ tại Điều 79, 80 của dự thảo Luật, song đại biểu cho rằng việc liệt kê quá kỹ sẽ dễ dẫn đến không đầy đủ và trở thành quy định cứng nhắc, như vậy sẽ rất khó khăn trong quá trình vận dụng triển khai thực hiện khi Luật có hiệu lực. Từ những dẫn chứng và phân tích thực tế, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định phù hợp để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, đối với việc thu hồi đất ở các khu vực có dự án thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh và đất thu hồi đối với các dự án do doanh nghiệp tự thỏa thuận, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng: việc xác định giá đất để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở đây là rất khó, dễ dẫn đến phát sinh khiếu kiện, điểm nóng. Do vậy, đề nghị cần có quy định cụ thể đối với nội dung này để bảo đảm triển khai khi luật có hiệu lực thi hành. Bởi thực tế hiện nay ở nhiều địa phương, các dự án treo còn tồn tại rất nhiều. Do vậy, việc quy định về thu hồi đối với các dự án có vi phạm, không phát huy hiệu quả hoặc không bảo đảm theo điều kiện được cấp phép ban đầu cần quy định cụ thể và có cơ chế để các địa phương thu hồi đất phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp

Trăn trở đối với những tồn tại, vướng mắc, bất cập liên quan đến đất nông, lâm trường từ nhiều năm qua cho đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết căn cơ, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết: Người dân rất mong chờ Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ sớm giải quyết được những bất cập này. Hiện nay, diện tích đất do các nông lâm trường quản lý là rất lớn, tuy nhiên hiệu quả còn rất hạn chế. Vì vậy, cần có cơ chế giao lại cho địa phương để có phương án sử dụng hiệu quả nguồn đất nông, lâm trường này nhằm tiếp tục thu hút đầu tư, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, dự thảo Luật cần quy định cụ thể, chi tiết để giải quyết căn cơ những vướng mắc trong thực tế hiện nay- đại biểu đề nghị.

Liên quan đến thực hiện tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đại biểu cho biết: theo quy định thì “nơi tái định cư nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi cũ”, nhưng để xác định được thế nào là bằng, thế nào là tốt hơn là rất khó. Vì liên quan đến nhiều vấn đề như phong tục tập quán, sinh kế... chẳng hạn ở nơi ở cũ của người dân có thể không đẹp, hạ tầng không tốt, nhưng ở đó người dân có đất rộng để sản xuất, có cái mưu sinh tốt hơn, nhưng khi về nơi ở mới có thể các vị trí đất đẹp hơn, thế nhưng lại không phù hợp với phong tục tập quán canh tác của người dân... Chính vì vậy, để xác định thế nào là hơn thì cũng rất khó, do đó cần phải có những quy định rất cụ thể để triển khai.

“Tôi mong muốn quy định trong dự thảo Luật cần cân nhắc để làm sao tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân nhưng cũng tạo điều kiện tốt nhất để chính quyền các cấp thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và bảo đảm thực hiện các chủ trương, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả”- đại biểu Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh.

Giải quyết căn cơ những vướng mắc ngay tại cơ sở -0
ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận 

Liên quan đến vấn đề lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu, ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà cho biết: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có một nội dung rất đổi mới đó là liên quan đến việc đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất. Việc đấu giá quyền sử dụng đất là rất phù hợp, tuy nhiên đại biểu băn khoăn về quy định lựa chọn nhà đầu tư quyền sử dụng đất hiện dự thảo quy định chưa rõ ràng, đối tượng hẹp. Theo đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ hơn quy định liên quan về đấu giá, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư để đưa vào dự thảo Luật và phải bảo đảm tiêu chí, điều kiện cụ thể, không bị chồng lấn, trùng lắp.

Trần Tâm
#