Xử lý từ gốc...

- Thứ Sáu, 12/03/2021, 08:19 - Chia sẻ
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của UBND TP Hà Nội mới đây, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết, liên ngành thành phố đã khảo sát và đưa ra phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc nhằm cải thiện chất lượng nước.

Theo ông Thắng, phương án này không chỉ giúp bổ cập nước cho sông Tô Lịch mà cho cả sông Nhuệ. Về lâu dài, thành phố sẽ triển khai dự án nâng cấp, xây dựng mới cống Liên Mạc nhằm bảo đảm tưới tiêu cho nông nghiệp và bổ cập nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ.

Sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điều quan trọng nữa là sông hiện không có nguồn. Nước bổ cập chủ yếu là nước thải và nước mưa. Bởi vậy, giải pháp này cần được tính đến bên cạnh giải pháp thành phố đang triển khai là xây dựng hệ thống cống gom nước thải dọc sông về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Thực tế, ý tưởng này được đề xuất lần đầu tiên bởi các chuyên gia quy hoạch của Liên Xô trong Đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển Hà Nội năm 1981. Theo Đồ án này, ngoài nước mưa, nước bổ cập được lấy từ sông Nhuệ bằng trạm bơm sau cống Liên Mạc dẫn về hồ lắng ở khu vực Phú Thượng, Nhật Tân. Sau khi lắng đọng để loại bỏ phù sa, bùn cặn, nước trong sẽ chảy vào hồ Tây tạo sự luân chuyển nước rồi đưa vào sông Tô Lịch và các dòng sông trong khu vực nội thành...

Nhiều ý kiến đánh giá đây là giải pháp có tính khả thi cao, tiết kiệm chi phí, đồng thời đạt mục tiêu bổ cập nước cho hồ Tây trong mùa khô và pha loãng, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch. Tuy nhiên một số ý kiến đề nghị phải xem xét, tính toán lại. Cụ thể với 8 trạm bơm lưu động, về mặt lý thuyết đã cho thấy chưa thực sự lâu dài. Hơn nữa, việc lắp đặt trạm bơm có thể gây tốn kém và không phải giải pháp căn cơ, bền vững. Ý tưởng này tốt nhưng về kinh phí và hiệu quả thì có thể không hợp lý. Hơn nữa, nếu bổ cập nước thì không cần máy bơm mà có thể mở cửa từ hồ Tây sang sông Tô Lịch... 

Cần nhắc lại rằng, để giải quyết tình trạng ô nhiễm tại sông Tô Lịch đã có nhiều giải pháp được đưa ra, thế nhưng tất cả đều không "trọn vẹn". Giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch tất nhiên không thể trong một sớm một chiều và chỉ với những giải pháp đơn lẻ. Như ý kiến của Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hà Nội Lê Thanh Nam, đây chỉ là một trong nhiều giải pháp đồng bộ mà thành phố sẽ thực hiện nhằm cải thiện môi trường sông Tô Lịch...

Chọn lựa phương án nào là trách nhiệm của các cơ quan chức năng của thành phố. Nhưng có điều chắc chắn rằng đó phải là giải pháp tổng thể và không thể cứ mãi loay hoay với phương án này, phương án kia hoặc "xới xáo" lên rồi để đó.

Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với hồ Tây. Và một dòng sông đúng nghĩa thì phải có dòng chảy, có đầu nguồn, có cuối nguồn. Nên để giải quyết ô nhiễm sông Tô Lịch phải bắt đầu từ gốc của vấn đề là nguồn thải và tạo dòng chảy.

Linh Trang