Lần đầu tiên ngành thuế cán mốc thu ngân sách nhà nước đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, tuy còn có những khó khăn nhất định nhưng nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự chỉ đạo thường xuyên của Bộ Tài chính, các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền; sự phối hợp tích cực của các Bộ, ban, ngành, sự nỗ lực vượt khó để phát triển sản xuất kinh doanh và nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật thuế của doanh nghiệp, người dân, cùng với sự nỗ lực của cán bộ, công chức toàn ngành thuế nên công tác thuế năm 2024 đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, công tác thuế năm 2024 đưa toàn ngành về đích với tổng số thu ước đạt 1.732.000 tỷ đồng (tính đến ngày 18.12.2024), đạt 116,5% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 1.440.413 tỷ đồng; có 60/63 địa phương đã hoàn thành vượt mức dự toán thu năm 2024.
Với quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN để tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ Tướng Chính phủ, toàn ngành thuế vẫn đang nỗ lực triển khai thực hiện thu quyết liệt trong những ngày cuối năm 2024. Theo đó ước thực hiện cả năm 2024, tổng thu do cơ quan thuế quản lý vượt khoảng 245.588 tỷ đồng so với dự toán, bằng 113,7% so với thực hiện năm 2023. Có 19/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán. Có 16/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so cùng kỳ; 61/64 Cục Thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2024.
Thu nợ năm 2024 được 61.227 tỷ đồng, tăng 33,2% so với 2023. Tỷ lệ tổng tiền thuế nợ trên tổng thu NSNN năm 2024 là 11,3%, trong đó tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng thu năm 2024 là 7,8%. Đã ban hành 58.687 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng số tiền thuế nợ là 80.512 tỷ đồng, qua đó đã thu được 4.289 tỷ đồng của 6.648 người nộp thuế.
Bên cạnh đó, thu thuế thương mại điện tử khoảng 116 nghìn tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử với số thuế đã khai, nộp trực tiếp qua cổng là 8.687 tỷ đồng, bằng 126% số thu cùng kỳ năm 2023, đạt 174% dự toán.
Tự động hóa công tác quản lý nợ
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định năm 2024 ngành thuế đã hoàn thành tốt rất nhiều nhiệm vụ. Trong đó thu ngân sách cả năm lần đầu tiên đạt hơn 1,73 triệu tỉ đồng.
Chỉ đạo các nhiệm vụ cần triển khai trong năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu ngành thuế thực hiện đồng bộ các chức năng quản lý thuế, tổ chức công tác thu hiệu quả, quản lý chặt chẽ các nguồn thu và nhận diện được nguồn thu mới, nguồn thu tiềm năng, phát hiện kịp thời những khu vực còn thất thu để có giải pháp quản lý, khai thác tăng thu, chống thất thu.
Nhận định tình trạng mua bán, gian lận hoá đơn trái phép đang là vấn đề nhức nhối, do đó, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh với những trường hợp vi phạm để mang tính răn đe. Chỉ ra thực trạng này, Bộ trưởng yêu cầu ngành thuế trong thời gian tới tăng cường thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các cơ quan chức năng để trao đổi thông tin quản lý và đặc biệt là phối hợp với các cơ quan công an trong hoạt động xác minh, điều tra, khởi tố các trường hợp vi phạm để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho người nộp thuế tuân thủ theo đúng quy định pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số, xử lý dữ liệu tập trung đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đối tượng quản lý của hệ thống thuế ngày càng tăng, bộ máy ngày càng tinh gọn. Do đó, trong năm 2025, ngành thuế cần tiếp tục tập trung cao độ để đẩy nhanh thực hiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xử lý cơ sở dữ liệu lớn (Big Data). Trong mọi khâu, mọi bước của quy trình quản lý, đẩy nhanh thực hiện hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động; tự động hoá công tác quản lý nợ; ứng dụng AI trong thanh - kiểm tra; phân tích dữ liệu thương mại điện tử cũng như quản lý hoá đơn đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số và hội nhập quốc tế.
Liên quan đến việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh đây là chủ trương đã được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đưa ra và Tổng Bí thư Tô Lâm đã có nhiều thông điệp quan trọng. Do đó, Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới, toàn ngành thuế phải khẩn trương hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng cho tổ chức bộ máy mới vận hành trơn tru sau khi tinh gọn với yêu cầu đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng tinh thần Ban Chỉ đạo Trung ương, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan thuế.
Cùng với đó, ngành thuế tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật thuế phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới và yêu cầu quản lý; chủ động nắm bắt vướng mắc của người nộp thuế để kịp thời hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đúng phương châm “lấy người dân và doanh làm trung tâm phục vụ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành: Không được để “khoảng trống” ảnh hưởng tới việc phục vụ người dân, doanh nghiệp
Trên tinh thần phát huy những thành tích đã đạt được trong năm 2024, toàn ngành thuế tiếp tục nỗ lực vượt khó khăn, thách thức, cùng chung sức đồng lòng triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ công tác thuế năm 2025, trong đó tập trung triển khai thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt đảm bảo thời hạn, chất lượng, trọng tâm là thanh tra, kiểm tra trong các ngành, lĩnh vực có dư địa thu lớn, có rủi ro cao sót lọt nguồn thu. Triển khai triệt để, quyết liệt các biện pháp quản lý đôn đốc, thu hồi, cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy trình, quy định, trên cơ sở đánh giá phân tích, phân loại kỹ lưỡng các khoản nợ và có phương án hỗ trợ tháo gỡ, xử lý nợ tại các địa bàn có số nợ thuế lớn, tăng cao. Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng cho tổ chức bộ máy mới vận hành trơn tru sau khi sắp xếp tinh gọn, không được để khoảng trống ảnh hưởng tới việc phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên quán triệt công chức nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của cơ quan, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.
Toàn ngành thuế tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế theo thông lệ quốc tế hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế; kịp thời nắm bắt các vướng mắc của người nộp thuế để giải đáp, tháo gỡ. Tập trung, quyết liệt đẩy mạnh triển khai toàn diện nhiệm vụ cải cách, hiện đại hóa, chuyển đổi số trong công tác thuế, coi đây là nhiệm vụ sống còn của cơ quan thuế các cấp nhằm xây dựng ngành Thuế hiện đại. Ứng dụng triệt để CSDL lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML) vào các mặt công tác quản lý thuế. Cùng với đó, rà soát, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, sắc thuế để tổ chức thu đúng, thu đủ. Đấu tranh quyết liệt đối với các hành vi gian lận, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người nộp thuế.
Cũng tại hội nghị, Tổng cục Thuế đã tổ chức nghi lễ kích hoạt chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho hộ cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế từ thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Việc đưa Cổng thông tin điện tử vào triển khai là một bước đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của công tác thuế, đáp ứng kịp thời và hiệu quả nhu cầu của nền kinh tế số, đồng thời khẳng định quyết tâm của ngành thuế trong việc thúc đẩy sự minh bạch, thuận tiện và hiện đại hóa công tác quản lý thuế. Đây không chỉ là một bước tiến mang tính đột phá trong công tác quản lý thuế, mà còn đánh dấu sự nỗ lực không ngừng của ngành thuế trong việc thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số.
Song song với đó, Cổng thông tin điện tử không chỉ mang đến giải pháp tối ưu, hiện đại hóa quy trình quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên môi trường số, mà còn góp phần xây dựng một hệ sinh thái thương mại điện tử minh bạch, công bằng và bền vững - nơi mọi cá nhân, doanh nghiệp có thể hoạt động kinh doanh với sự thuận tiện và hiệu quả cao nhất.