Đánh giá an toàn và đăng ký sản phẩm “ngốn tiền” nhất
- Xu hướng chung về sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trên thế giới hiện nay là gì, thưa ông?
- Hiện nay, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật có xu hướng tập trung vào việc tối ưu hóa cơ chế tác động của các sản phẩm hiện có như cải thiện hồ sơ, ưu tiên giảm lượng dùng; đồng thời phát triển các cơ chế tác động mới, ít độc và thân thiện hơn với môi trường. Bên cạnh đó, có một số xu hướng nổi bật khác như: tăng cường tập trung vào công nghệ phối chế, cụ thể là các loại thuốc sinh học, thuốc phun bằng thiết bị không người lái (drone) và tích hợp vào hệ thống nông nghiệp chính xác; cải thiện cơ chế kháng và nghiên cứu phát triển các loại thuốc sinh học và sản phẩm lai (hybrid products).
Là hiệp hội ngành đại diện cho những tập đoàn và công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp khoa học thực vật, trong đó có các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, hàng năm các công ty thành viên của Croplife luôn dành một khoản đầu tư đáng kể cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để cập nhật và giới thiệu những giải pháp bảo vệ thực vật tiên tiến, hiệu quả hơn, an toàn hơn và với giá thành hợp lý hơn. Trong đó, riêng chi phí đầu tư vào các hoạt động R&D thuốc bảo vệ thực vật sinh học đã tăng từ 16 triệu USD lên 26 triệu USD, tức là tăng 62,5%.
- Để đưa một hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật mới ra thị trường cần bao nhiêu thời gian và chi phí thưa ông?
- Theo một báo cáo phát hành tháng 2 năm nay của AgBio Investor, khi tiến hành khảo sát với 5 tập đoàn về thuốc bảo vệ thực vật hàng đầu thế giới - cũng là những thành viên của CropLife, để đưa một hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật mới ra thị trường, chúng tôi cần trung bình 301 triệu USD và mất 12,3 năm. Nghĩa là nếu một sản phẩm thuốc hiện nay trong giai đoạn phát triển thì nó sẽ được giới thiệu ra thị trường vào khoảng năm 2036.
Con số này đã tăng lên đáng kể so với giai đoạn khảo sát trước đó. Xét riêng về chi phí thì hiện tại đã tăng 25 lần so với mức đầu tư của 20 năm trước là dưới 200 triệu USD.
Bên cạnh đó, thời gian và chi phí dành cho các bước đánh giá an toàn và đăng ký chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng thời gian và chi phí để giới thiệu một hoạt chất bảo vệ thực vật mới. Cụ thể, việc đăng ký sản phẩm tiêu tốn khoảng 42 triệu USD, chiếm khoảng 13,9% tổng chi phí trong giai đoạn 2014 - 2019, cho thấy phần chi phí dành cho đăng ký luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi phí để đưa một sản phẩm ra thị trường theo suốt lịch sử của nghiên cứu này. Nhìn chung, chi phí đăng ký đã tăng hơn 3 năm so với năm 1995.
Ngoài ra, theo nghiên cứu trong giai đoạn 2010 - 2014, chi phí trung bình cho việc tổng hợp và lên công thức thuốc thuộc hoạt động R&D đã tăng khoảng 31,6% lên 64 triệu USD, khiến đây trở thành công đoạn chiếm tỷ lệ đầu tư chi phí cao nhất trong giai đoạn R&D một sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật mới. Tiếp theo là giai đoạn thử nghiệm đồng ruộng tăng 23,9%, ở mức khoảng 58 triệu USD.
Cơ chế quản lý khuyến khích đổi mới và sử dụng có trách nhiệm sẽ giúp tối đa hóa lợi ích của công nghệ
- Những con số này cho thấy điều gì, thưa ông?
- Một trong những trọng tâm hoạt động của CropLife là thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và giới thiệu những đổi mới này tới tay bà con nông dân một cách kịp thời, hiệu quả và có trách nhiệm để cùng hướng tới mục tiêu chung là bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững. Những số liệu nói trên đã minh chứng cho cam kết của CropLife và các thành viên trong việc không ngừng đổi mới để đưa ra thị trường những giải pháp tiên tiến, hiệu quả và phù hợp nhất, cũng như mức độ đầu tư của chúng tôi cho các hoạt động R&D trong lĩnh vực bảo vệ thực vật đang ngày một tăng lên.
- Theo ông, những con số này có hàm ý gì với việc thúc đẩy phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam?
- Việc tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc như vậy cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật một cách phù hợp, khoa học và trách nhiệm nhằm tối ưu hóa hiệu lực của các sản phẩm đã được phê duyệt, hạn chế khả năng hình thành tính kháng từ đó kéo dài tuổi thọ và vòng đời sản phẩm.
Đặc biệt, các nhà quản lý phải có các giải pháp để rút ngắn thời gian đưa các công nghệ mới này tới tay bà con nông dân để thêm công cụ giúp họ phòng trừ và quản lý dịch hại một cách an toàn, hiệu quả. Chúng tôi cũng ủng hộ một cơ chế chính sách khoa học, cởi mở hơn về quản lý và đăng ký các giải pháp bảo vệ thực vật, đặc biệt là các sản phẩm bảo vệ thực vật tiên tiến. Điều này hoàn toàn phù hợp với định hướng ứng dụng đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp của Chính phủ, tạo động lực cho quá trình nghiên cứu và phát triển của các công ty như các thành viên CropLife. Quan trọng hơn là bà con sẽ được nhanh chóng tiếp cận các thành quả khoa học kỹ thuật, bảo vệ được mùa màng và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Như vậy không có nghĩa là chúng ta đốt cháy giai đoạn, chúng ta vẫn làm bài bản các nghiên cứu, các khảo nghiệm nhưng rút ngắn thời gian trong quá trình duyệt hồ sơ. Đặc biệt, các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học rất cần cơ chế này, cần có quy trình xét duyệt riêng.
Ngoài ra, hiện nay, việc đăng ký các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật mới, nhất là thuốc sinh học, có một số khó khăn do quy định của các nước chưa bắt kịp, ví dụ chưa xây dựng kịp các tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc đăng ký. Thúc đẩy việc hài hòa hóa tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về thuốc bảo vệ thực vật giữa các nước trong cùng khu vực ASEAN có thể giúp giải quyết vấn đề này.
- Xin cảm ơn ông!