Thử thách chưa từng có với nền kinh tế
Ngày 2.4.2025, Tổng thống Donald Trump chính thức công bố chính sách thuế quan mới, áp dụng mức thuế cơ bản 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ có hiệu lực từ 5.4. Ngoài mức thuế cơ bản trên, đối với nhóm 60 quốc gia mà Hoa Kỳ cho rằng có sự mất cân bằng thương mại, Chính phủ của Donald Trump áp mức thuế đối ứng. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia phải chịu mức thuế cao nhất, lên đến 46%. Mức áp thuế này tương đương 50% của mức rào cản thương mại 90% mà phía Hoa Kỳ đã tính toán, dựa trên tỷ lệ thâm hụt thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ trên tổng giá trị Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam.
Cần lưu ý, đây không đơn thuần là thuế quan (bởi mức thuế suất hàng hóa của Hoa Kỳ xuất vào Việt Nam chỉ khoảng 15%), mà còn tính tới việc thao túng tiền tệ, các rào cản phi thuế quan như tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục hải quan… mà Hoa Kỳ cho rằng các quốc gia đang áp lên hàng hóa của họ. Quyết định này đặt ra một thử thách chưa từng có đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt đối với mục tiêu 8% tăng trưởng năm 2025.

Tác động của chính sách thuế đối ứng này đối với nền kinh tế là rất lớn, bởi nó hướng tới thay đổi hoàn toàn cấu trúc của thương mại toàn cầu, ít nhất là trong 5 năm tới. Đối với Việt Nam, mức thuế 46% trong kịch bản xấu nhất sẽ tác động nhiều mặt tới nền kinh tế. Nếu kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ không đổi, khoảng 120 tỷ USD/năm, chúng ta sẽ phải chịu mức thuế trong kịch bản xấu nhất là 55 tỷ USD xấp xỉ 12% GDP 2024.
Đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực như dệt may, điện tử, thép - những ngành vốn đã mỏng về biên lợi nhuận và phụ thuộc lớn vào khả năng cạnh tranh giá, thì mức thuế mới sẽ khiến sản phẩm sang Mỹ sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn đáng kể, buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc lại toàn bộ chiến lược xuất khẩu, và thậm chí là dừng xuất khẩu sang thị trường này. Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được dự báo cũng sẽ có chuyển động, nhất là doanh nghiệp có ý định đầu tư vào Việt Nam sẽ chờ để quan sát thêm diễn biến.
Tuy nhiên, lợi thế chi phí lao động thấp, môi trường đầu tư đầy hứa hẹn cùng với những cải cách đầy quyết liệt của Đảng, Chính phủ sẽ giúp chúng ta giữ vững là điểm sáng trong thu hút đầu tư.
Khẩn trương đối thoại, chủ động giảm thặng dư thương mại
Trong bối cảnh này, Việt Nam cần chủ động giảm bớt thặng dư thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại với hàng hóa của Hoa Kỳ.
Hiện, chúng ta đã chủ động điều chỉnh thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng từ Hoa Kỳ như khí hóa lỏng, ethanol, ô tô, nông sản, trái cây, gỗ (Nghị định 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi kèm theo Nghị định 26/2023/NĐ-CP). Chúng ta cần khẩn trương chủ động thiết lập các kênh đối thoại với phía Mỹ để làm rõ tiêu chí tính thuế cũng như cơ sở pháp lý cho mức thuế 46%, trước khi chính sách này có hiệu lực vào ngày 9.4. Việc đàm phán nhằm điều chỉnh mức thuế về mức hợp lý hơn là rất cần thiết và cấp bách.
Cần nhấn mạnh rằng, dù có thể đàm phán thành công, nhưng mức thuế tối thiểu 10% sẽ vẫn áp lên tất cả các mặt hàng xuất vào Hoa Kỳ. Điều này ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME); Việt Nam phải tính đến các gói hỗ trợ cho các đối tượng này.
Chính phủ có thể tạm thời giảm một số loại thuế nội địa, hoãn thu hoặc giãn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời thiết kế gói tín dụng ưu đãi riêng, tương tự như Hàn Quốc đã thực hiện rất hiệu quả năm 1997.
Tìm hướng đi mới
Nhìn về phía tích cực, đây là một "cơ hội" để Việt Nam bắt nhịp chuyển mình. Câu hỏi cần đặt ra lúc này là: Việt Nam có thể - và nên - làm gì để chuyển mình từ một quốc gia gia công giá rẻ thành một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao, ít phụ thuộc hơn vào một vài thị trường đơn lẻ? Câu trả lời nằm ở tận dụng thời điểm này để tái cấu trúc mô hình tăng trưởng; không thể mãi trông chờ vào lợi thế chi phí lao động rẻ hay ưu đãi thuế (và hy sinh vấn đề môi trường). Đây là thời điểm để huy động mọi nguồn lực, kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, phát triển sản phẩm có thương hiệu riêng, và xây dựng chuỗi giá trị nội địa có khả năng tự chủ hơn.
Một điểm sáng đáng chú ý là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đang tham gia như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra những cánh cửa thị trường rộng lớn. Số liệu cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong năm 2024 đã tăng tới 20%, cho thấy tiềm năng của những thị trường phi truyền thống nếu được khai thác đúng hướng. Cùng với đó, thị trường nội địa với 100 triệu dân, vốn chưa được tận dụng tối đa nguồn lực phải là bệ đỡ vững chắc nếu biết cách thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phát triển thương hiệu Việt và tạo ra niềm tin nơi người tiêu dùng trong nước.
Nhìn rộng hơn, lịch sử kinh tế thế giới đã nhiều lần cho thấy những cú sốc lớn thường là bước ngoặt dẫn tới sự phát triển mạnh mẽ hơn. Nhật Bản trong những năm 1980, Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, hay Trung Quốc với cải cách sâu rộng sau những lần bị áp lực từ phương Tây - tất cả đều đã biến nghịch cảnh thành động lực phát triển.
Việt Nam hôm nay cũng đang đứng trước một thời điểm như vậy. Nếu biết tận dụng, chúng ta không chỉ vượt qua thử thách trước mắt mà còn có thể vươn lên một tầm cao mới, không phải bằng cách tiếp tục chạy đua về giá rẻ mà bằng năng lực thực sự, bằng khoa học công nghệ, chất lượng và đổi mới sáng tạo.