|
Khép lại hội nghị cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo Eurozone, trong đó có Đức, Pháp - những nước lâu nay theo đuổi một đường lối cứng rắn trong vấn đề cứu trợ những nước thành viên yếu kém như Hy Lạp, Ireland…, đã đạt thỏa thuận trên nguyên tắc về “Hiệp ước dành cho đồng euro”. Tất cả các khía cạnh được đề cập trong hiệp ước hướng tới mục tiêu tăng cường điều phối chính sách nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện khả năng quản lý tài chính công trong Eurozone.
Các nước cũng nhất trí tăng khả năng cho vay của Quỹ ổín định tài chính châu âu (EFSF - quỹ cho vay ngắn hạn) và cho phép quỹ này có thể được sử dụng để mua trực tiếp trái phiếu chính phủ trong một số trường hợp khẩn cấp. Và điều kiện đi kèm là các nước vay nợ phải áp dụng các biện pháp “thắt lưng buộc bụng”. Các chi tiết liên quan gói giải pháp toàn diện cho vấn đề nợ công sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh 27 nước thành viên Liên minh châu âu (EU), dự kiến diễn ra trong các ngày 24 - 25.3 tới.
Tuy chỉ được nhìn nhận như là một động thái “dọn đường” để hội nghị thượng đỉnh EU tìm kiếm gói giải pháp toàn diện cho vấn đề nợ công, hội nghị Eurozone với thỏa thuận trên đã phần nào thu hẹp được bất đồng giữa các nước lớn và nước nhỏ. Sự điều chỉnh lớn nhất có lẽ là từ phía Đức, nước hiện là nhà đóng góp lớn nhất cho EFSF và có nhiều ảnh hưởng trong mọi quyết định tài chính của EU. Berlin từng tuyên bố sẽ chỉ ủng hộ các quyền hạn mới của quỹ này như được phép mua trái phiếu chính phủ trên thị trường mở…khi các nước được thể chế này cứu trợ thực hiện các cam kết thúc đẩy nền kinh tế trở nên cạnh tranh hơn. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người vốn phản đối việc tăng các quyền hạn cho EFSF, đã có sự xuống nước khi đặt điều kiện Eurozone phải biến các quy định của EU về thâm hụt ngân sách nhà nước (3% GDP) và nợ công (60% GDP) thành luật quốc gia để đổi lấy việc Berlin đồng ý mở rộng quy mô các quỹ cứu trợ vỡ nợ.
Mặc dù không quá lạc quan rằng thỏa thuận này đồng nghĩa với việc cuộc khủng hoảng sẽ dần đi về hồi kết trong khi các chính phủ lâu nay vốn bị coi là lép vế tiếp tục phải đối mặt với nhiều năm khắc khổ, thị trường vẫn hy vọng rằng EU đang có sự chuẩn bị tốt hơn cho một cuộc khủng hoảng nợ mới. Khi sự ngạc nhiên qua đi, các chuyên gia bắt đầu đi tìm căn nguyên của những thay đổi này. Theo giới phân tích, những điều chỉnh trong lập trường của các nhà lãnh đạo Eurozone là cần thiết trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công tại châu âu ngày càng hoành hành và thêm vào đó là những tác hại tiêu cực của trận động đất kinh hoàng tại Nhật Bản đối với nền kinh tế thế giới nói chung và châu âu nói riêng, bồi thêm một cú mạnh nữa vào cơ thể ốm yếu của Eurozone. Điều chỉnh là cần thiết để châu âu ở phạm vi rộng và Eurozone trong phạm vi hẹp cần thêm thời gian và sự gắn kết để giải quyết các thách thức nội tại.
Sau Hy Lạp, Ireland - hai nước phải viện tới gói cứu trợ của EU và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), giờ đây “con bệnh” mang tên nợ công đã lây sang Bồ Đào Nha và quốc gia này khó lòng tránh khỏi vết xe đổ của hai nước kia. Chính phủ trung tả của Thủ tướng Jose Socrate đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ khi các đảng phái tranh cãi về những biện pháp thắt chặt chi tiêu của chính phủ. Trong khi đó, lạm phát trong Eurozone đang tăng mạnh, thể hiện qua việc giá các hàng hóa đều tăng. Theo ước tính mới nhất của Văn phòng thống kê EU (Eurostat), lạm phát ở khu vực này lên tới 2,4% trong tháng Hai vừa qua, mức cao nhất trong hơn 2 năm qua. Thêm vào đó là những hệ lụy tiêu cực từ thảm họa động đất-sóng thần tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Chính phủ các nước châu âu không khỏi bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của vụ thiên tai này tới nền kinh tế thế giới vốn chỉ mới vừa bước vào quá trình phục hồi sau suy thoái.
Rõ ràng, quá nhiều thách thức đang đặt ra cho nền kinh tế châu âu và kinh tế thế giới nói chung. Vì thế, điều chỉnh lập trường và xích lại với nhau là tất yếu!