Đến năm 2025, sẽ có thêm 73 mã số vùng trồng
Trước đây, các nước như: Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đưa ra yêu cầu về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói với nông sản nhập khẩu từ Việt Nam; từ năm 2023, thị trường lớn Trung Quốc đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe, yêu cầu từ vùng trồng đến cơ sở đóng gói đều phải được cấp mã số mới đủ chuẩn xuất khẩu vào các thị trường này.
Từ rất sớm, tỉnh Đồng Nai đã phối hợp cùng các địa phương và đơn vị liên quan thực hiện triển khai hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo Văn bản số 1776/BNN-BVTV ngày 23.3.2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói xuất khẩu cho những cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 140 mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand… với tổng diện tích hơn 25.000ha. Riêng thị trường Trung Quốc có 103 vùng trồng với tổng diện tích hơn 25,2 nghìn ha các loại cây ăn quả như xoài, sầu riêng, chuối, chôm chôm, thanh long, mít…
Đồng Nai đang đứng đầu về diện tích cũng như chất lượng với 2 loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu lớn là sầu riêng và chuối. Toàn tỉnh đã có 11 vùng trồng cây sầu riêng với diện tích 820ha được cấp mã vùng trồng. Vụ mùa năm 2023 vừa qua, nông dân trồng sầu riêng thu lợi nhuận cao hơn từ 15 - 20.000 đồng/kg so với mọi năm.
Định hướng đến năm 2025, tỉnh sẽ có thêm 73 mã số vùng trồng nông sản với tổng diện tích hơn 6.448ha. Trong đó, tiếp tục xây dựng thêm 22 mã số vùng trồng cho cây bưởi với diện tích gần 1.700ha; 21 mã vùng trồng sầu riêng với hơn 1.500ha; 7 mã số vùng trồng chuối với diện tích hơn 1.500ha, 4 mã số vùng trồng thanh long với diện tích 460ha.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ tập trung hình thành liên kết chuỗi sản phẩm từ vùng trồng, nhà đóng gói, nhà xuất khẩu, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường mối liên kết với các vùng trồng, các cơ sở đóng gói để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói để tránh việc mạo danh mã số, đưa sản phẩm từ ngoài vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói chưa có mã số vùng trồng vào chuỗi sản phẩm và kiểm soát khâu xuất khẩu, cũng như các hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng mã số.
Tuân thủ quy trình, bảo đảm chất lượng
Bà Hoàng Thị Mỹ Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hòa Hạnh (xã Bàu Trâm, TP. Long Khánh) chia sẻ, hiện công ty có 3 nhà máy đóng gói, sơ chế sầu riêng xuất khẩu. Trong đó, chỉ tính riêng nhà máy ở TP. Long Khánh 1 năm đã tiến hành thu mua khoảng 90.000 tấn sầu riêng. Doanh nghiệp đã xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên để hướng dẫn người dân làm mã số vùng trồng nhằm bảo đảm sản lượng sầu riêng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khó tính khác.
Mã số vùng trồng là chứng nhận mã số định danh cho vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất không những giúp truy xuất nguồn gốc nông sản mà còn thông tin chính xác, cụ thể quy trình sản xuất của nông sản đó. Dưới góc độ người nông dân, mã số vùng trồng là giấy thông hành để một sản phẩm nông sản có thể nhập khẩu chính ngạch vào thị trường.
Với hơn 6.000ha, huyện Trảng Bom là địa phương có diện tích chuối lớn nhất tỉnh. Chuối ở đây chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo yêu cầu của đối tác, các cơ quan quản lý nhà nước đã hỗ trợ chủ thể là cá nhân, HTX, doanh nghiệp xây dựng được 22 mã số vùng trồng và 32 mã số cơ sở đóng gói.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam. Thị trường này ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm nhập chính ngạch, trong đó có yêu cầu mã số vùng trồng, mã số đóng gói. Từ giữa năm 2023 cho đến nay, do đối tác ở thị trường Trung Quốc yêu cầu khắt khe về mặt quản lý chất lượng mã vùng trồng, huyện ủy, UBND huyện Trảng Bom đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất, hướng dẫn nhà vườn đặt bẫy côn trùng, quan tâm phòng trị sâu bệnh. Đối với mã số đóng gói, cơ sở phải đầu tư bồn rửa, thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật bảo đảm làm sạch sinh vật gây hại trên hàng hóa trước khi xuất khẩu, đóng gói đúng quy trình.
Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Trảng Bom cho hay, cơ sở có 1 mã số vùng trồng và đóng gói nhưng chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Do đó, HTX đang nâng cấp 1 mã số vùng trồng, thực hiện thêm 1 mã số vùng trồng mới. Thời gian tới, HTX sẽ giám sát chặt chẽ các nhà vườn về 3 tiêu chí: chất lượng, sản lượng và kiểm soát sâu bệnh. Sản phẩm không đạt các tiêu chí sẽ không đóng gói xuất khẩu.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, mã số vùng trồng cũng như tiêu chuẩn GAP, không phải được cấp rồi là xong, mà phải duy trì thực hiện để giữ mã số. Sản xuất, thu hoạch, đóng gói phải tuân thủ quy trình, bảo đảm chất lượng; ông Phi cho rằng, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu để tránh tình trạng vi phạm, dẫn đến nguy cơ mất thị trường. Các địa phương cũng cần quan tâm phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong tổ chức các chuỗi liên kết sản xuất an toàn. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản Đồng Nai để có thể cạnh tranh tốt trên thị trường về cả giá bán và chất lượng.
Năm 2024, toàn tỉnh còn có 34 vùng trồng đã nộp hồ sơ đang chờ phê duyệt với diện tích 977ha. Trên địa bàn tỉnh đã có 10 cơ sở được cấp mã đóng gói xuất khẩu, 2 cơ sở đang chờ xem xét phê duyệt.