Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức; các Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh; đại diện các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương thuộc lĩnh vực có liên quan.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng nêu rõ, theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13.6.2022 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Phòng thủ dân sự sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Tư (tháng 10.2022) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm (tháng 5.2023). Tọa đàm được tổ chức để có thêm cơ sở phục vụ thẩm tra sơ bộ dự án Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ Mười bốn (tháng 8.2022).
Đầu tháng 7.2022, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tổ chức 4 Đoàn khảo sát tại một số tỉnh đại diện cho các vùng miền trên cả nước gồm: Bến Tre, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thái Nguyên và nghiên cứu báo cáo của các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Lào Cai gửi đến.
Qua nghiên cứu và khảo sát cho thấy, ngoài kết quả các địa phương đạt được cũng bộc lộ tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng thủ dân sự cần tiếp tục quan tâm, tháo gỡ, trong đó có việc nghiên cứu, xây dựng các quy định của dự thảo Luật bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng cũng như tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi trong thực hiện.
Các đại biểu dự Tọa đàm cho rằng, thực tế thời gian qua những thảm họa, sự cố xảy ra rất đa dạng, ở mọi lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Mặc dù một số văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, tuy nhiên các văn bản này chỉ áp dụng cho việc phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố cho từng lĩnh vực cụ thể, riêng lẻ, thiếu vắng các quy định có tính nguyên tắc ở tầm luật liên quan đến phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố để áp dụng thống nhất.
Thực tế thời gian gần đây khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong 2 năm liên tiếp, vấn đề mất an toàn, an ninh trên không gian mạng, xung đột giữa một số quốc gia trên thế giới đã đặt ra các thách thức về an ninh năng lượng và an ninh lương thực… Trong thời gian tới, tình hình thế giới, khi vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định.
Đồng thời, công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố, nhất là sự suy thoái môi trường, bão lụt, lũ quét trái mùa, dịch bệnh nguy hiểm, mất an toàn các hệ thống mạng máy tính dẫn đế lộ lọt thông tin về cơ sở dữ liệu cá nhân và có thể gây ra những thiệt hại khôn lường về người và tài sản nếu không thực hiện tốt công tác phòng thủ dân sự. Những vấn đề thực tiễn này đòi hỏi phải hoàn thiện đầy đủ cơ sở pháp lý để có thể chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa, bảo đảm an ninh, an toàn cho đất nước khi có tình huống xảy ra, đáp ứng yêu cầu bảo vệ đất nước trong tình hình mới. Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Phòng thủ dân sự là hết sức cấp thiết.
Tại tọa đàm, các đại biểu thảo luận về: phạm vi điều chỉnh; các loại thảm họa, sự cố và tiêu chí phân loại thảm họa, sự cố thành 4 cấp độ từ thấp đến cao; tiêu chí, cách phân loại các công trình phòng thủ dân sự; cơ quan chỉ đạo, chỉ huy; quy định các lực lượng tham gia phòng thủ dân sự; chế độ, chính sách đối với các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự...