Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp TS. Lê Hải Đường chủ trì hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để khuyến khích khởi nghiệp một cách quy mô, trong những năm qua, Việt Nam đã và đang xây dựng, phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp, hướng tới mục tiêu “Quốc gia khởi nghiệp, Doanh nghiệp khởi nghiệp”, với trung tâm là khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18.5.2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được coi là văn bản đầu tiên, cũng là nền tảng cho hệ thống chính sách đối với khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như nhiều văn bản dưới luật đã thể hiện rõ chủ trương, chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng chỉ rõ, quy định về hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được quy định trong các văn bản pháp luật khác nhau nên còn thiếu tính hệ thống, khó theo dõi, khó nắm bắt đối với chủ thể được hỗ trợ. Mặc dù một số chính sách được ban hành từ nhiều năm trước, nhưng khi thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc; việc hướng dẫn các quy định pháp luật của các bộ, ngành và cơ quan liên quan còn triển khai chậm, thiếu tính khả thi...
Để thúc đẩy phát triển khởi nghiệp sáng tạo, các đại biểu đề xuất, giải pháp then chốt là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, cần xây dựng cơ sở pháp lý riêng về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Trong đó, đưa ra những định nghĩa cụ thể cho các thuật ngữ “khởi nghiệp”, “doanh nghiệp khởi nghiệp”, “khởi nghiệp sáng tạo”; quy định chi tiết, thống nhất các tiêu chí xác định và phân loại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đồng thời tổng hợp những giải pháp, chính sách đặc thù hỗ trợ (về thủ tục, vốn…) hoạt động khởi nghiệp sáng tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, tránh tình trạng thiếu nhất quán, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.
Một số ý kiến đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút gọn thời gian, đơn giản hóa quy trình, giảm thiểu chi phí thông qua cơ chế “một cửa”, kết hợp với giải pháp chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khởi nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và phát triển bền vững. Đặc biệt, cần giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính thực thi và thúc đẩy thực thi các giải pháp hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, cần phân công rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn về đào tạo, bồi dưỡng hướng đến hoàn thiện trình độ, năng lực, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức có thẩm quyền thực thi pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bổ sung các chế tài xử phạt mang tính răn đe nghiêm khắc với hành vi nhũng nhiễu, đùn đẩy trách nhiệm trong quá trình xử lý, giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.