Luật Dược cần khơi thông việc tiếp cận thuốc của Nhân dân
Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược của Ủy ban Xã hội nêu rõ, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi 44/116 điều của Luật hiện hành; bổ sung 3 Điều; bãi bỏ 6 điểm, 1 khoản; nội dung sửa đổi, bổ sung thuộc quy định của 11/14 chương.
Trong bối cảnh Chính phủ chưa thể sửa đổi toàn diện Luật Dược hiện hành để giải quyết dứt điểm tất cả những vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược để giải quyết ngay một số vướng mắc, tồn tại ảnh hưởng đến việc tiếp cận thuốc của Nhân dân. Những nội dung mang tính chiến lược, chưa rõ, cần được tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá kỹ lưỡng trước khi luật hóa.
Thảo luận về dự thảo Luật, ĐBQH Lê Văn Cường (Thanh Hóa) đánh giá, so với 5 chính sách đã trình Quốc hội thông qua tại hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật ban đầu, đến nay, nội dung các chính sách đã được bổ sung, mở rộng với nhiều nội dung thay đổi, cắt giảm về trình tự, thủ tục hồ sơ, phân cấp thẩm quyền mạnh mẽ tạo sự chủ động cho địa phương, cơ sở. Trong đó có nhiều nội dung được luật hóa thông qua những kiểm nghiệm từ thực tiễn phòng chống dịch nhưng cũng có những nội dung mới phát sinh cần phải có những tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa mới bảo đảm tính khả thi, tính hiệu lực trong quản lý nhà nước.
Trên tinh thần chung là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính nhưng theo ĐBQH Lê Văn Cường, phải bảo đảm chất lượng thuốc, cần rà soát, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng hơn nữa những nội dung chính sách được sửa đổi, bổ sung, mở rộng liên quan trực tiếp tói việc mở rộng quyền kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài; gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; phân cấp thu hồi thuốc; thông tin quảng cáo thuốc… bảo đảm trình tự, thủ tục, hồ sơ sau khi cắt giảm vừa đơn giản nhưng cũng có thể xác định trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân, tổ chức liên quan.
Còn theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), việc thay thế giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm (CPP) trong trường hợp khẩn cấp là một cải tiến cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên cần phải xác định rõ ràng về các loại giấy tờ thay thế và quy trình kiểm tra để bảo đảm chất lượng sản phẩm nhập khẩu.
Liên quan đến chính sách phát triển công nghiệp dược, ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, dự thảo Luật có nêu nhiều chính sách ưu đãi bổ sung tuy nhiên cần đánh giá làm rõ sự cần thiết, cơ sở đề xuất các chính sách ưu đãi thuế. Về cấp đăng ký lưu hành thuốc, ĐBQH Trần Thị Hiền chưa tán thành với quy định cắt bỏ hồ sơ, thủ tục hành chính, chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm. Đại biểu đề nghị đánh giá tác động, phân tích ưu điểm của chính sách, khẳng định tính khả thi về bảo đảm chất lượng, hiệu quả lưu hành thuốc và vai trò quản lý nhà nước.
Di sản văn hóa phải được coi là nguồn lực để phát triển
Về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, như Cương lĩnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chủ trương, đường lối tại các văn bản khác của Đảng.
Dự thảo Luật kế thừa nhiều chính sách tại Luật Di sản văn hóa hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các chính sách còn dàn trải, hỗ trợ cho nhiều đối tượng thụ hưởng, được quy định tại một số điều, khoản trong dự thảo Luật. Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng và sự tham gia của cộng đồng, người dân; phù hợp với yêu cầu thực tế và tính đặc thù trong bảo vệ, phát huy giá trị từng loại hình di sản văn hóa.
Tập trung rà soát các chính sách, nhất là chính sách về đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực… để bảo đảm cụ thể, minh bạch, hiệu quả và khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Các ý kiến tại Tổ đã thảo luận về các vấn đề như chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa; sở hữu di sản văn hóa; khu vực bảo vệ của di tích; dự án đầu tư, xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ di tích; quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; hợp tác công tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quỹ bảo tồn di sản văn hóa.
Thảo luận về dự thảo Luật, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đánh giá cao về những điểm mới trong dự thảo luật nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh hiện đại, tận dụng tối đa các tiến bộ công nghệ và hợp tác quốc tế. Những cải tiến này sẽ tạo nên cơ sở pháp lý mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa của đất nước.
Tuy nhiên, ĐBQH Thạch Phước Bình đề nghị, cần cụ thể hóa phạm vi điều chỉnh để bao gồm cả các yếu tố văn hóa đang có nguy cơ mai một so dự thay đổi xã hội và công nghiệp hóa. Điều này cần làm rõ hơn trong luật về bảo việc bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cùng với việc quy định chi tiết về các hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, cần bổ sung nguyên tắc về công nghệ hiện đại trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cũng như các nguyên tắc hợp tác quốc tế; thiết lập các tiêu chuẩn và hướng dẫn chi tiết hơn về việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong bảo vệ và phục hồi di sản văn hóa. Quy định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sở hữu di sản văn hóa cũng như công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa…
Còn theo ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Hà Nam), cần xác định rõ di sản văn hóa phải được coi là một nguồn lực để phát triển. Bởi vậy, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản cần được rà soát kỹ trong dự án Luật. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm một số chính sách để tăng nguồn lực, đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa.
Ngoài ra, ĐBQH Phạm Hùng Thắng cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan để tránh chồng chéo, mâu thuẫn.
ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa), ĐBQH Bế Trung Anh (Trà Vinh) đề nghị, cần có chính sách chuyển đổi số trong văn hóa; có chính sách đối với những người có công lao trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể…