Đã thấy tia sáng lạc quan nhưng vẫn rất khó khăn
- Tình hình xuất khẩu gỗ trong quý I như thế nào, thưa ông?
- Tính chung 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch của sản phẩm gỗ ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường chủ đạo vẫn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Đồng thời, doanh nghiệp đã chi 535,7 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu gỗ, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Dù tăng trưởng 3 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực songvẫn chưa thể khẳng định thị trường đã phục hồi tốt, 2024 vẫn là năm rất khó khăn với doanh nghiệp gỗ.
- Cụ thể những khó khăn đó là gì?
- Về yếu tố bên ngoài, các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU và các trường gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn chịu hệ lụy rất nặng nề của các vấn đề liên quan đến xung đột địa chính trị, kinh tế suy giảm, người tiêu dùng mất lòng tin…
Thị trường Hoa Kỳ tiêu thụ 50% - 55% tổng giá trị đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước này vẫn phải chịu lãi suất ngân hàng trên 7% và không thể dễ dàng ra quyết định mua nhà, mua sắm hay thay mới đồ nội thất. Bên cạnh đó, tần suất khởi kiện, khởi xướng điều tra và áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm gỗ có xuất xứ Việt Nam lại ngày càng tăng, các doanh nghiệp gỗ Việt đối diện rất nhiều rủi ro.
Trên “sân nhà”, tại nhiều địa phương, doanh nghiệp gỗ vẫn gặp khó trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) và tuân thủ các tiêu chuẩn phòng chống chữa cháy mới. Rất nhiều nhà máy được xây dựng cách đây 20-30 năm, nay đã nằm trong các khu dân cư đông đúc. Một số địa phương đang chủ trương chuyển dịch các cơ sở chế biến gỗ ra khỏi các khu dân cư nên doanh nghiệp không thể yên tâm đầu tư một khoản tiền lớn cho phòng chống cháy.
- Như vậy mục tiêu xuất khẩu 15 tỷ USD trong năm naycó đạt được không?
- Các con số mục tiêu chỉ mang tính dự báo. Nếu xuất hiện cơ hội và thị trường mạnh lên thì doanh nghiệp sẽ tăng tốc, ngược lại thì phải cầm cự, chờ thời. Nhìn vào những con số nêu trên, đã thấy những tia sáng lạc quanmặc dù chưa thực sự sáng sủa.
Phát triển bền vững là vấn đề trọng tâm
- Theo ông, để cải thiện đơn hàng, tăng doanh thu, doanh nghiệp ngành gỗ cần làm gì?
- Nhìn chung, trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn chưa có nhiều chuyển biến rõ nét, cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, ở tầm vĩ mô, rất cần những thay đổi mang tính bước ngoặt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp phấn khởi làm ăn.
Bản thân doanh nghiệp cũng cầncải thiện năng lực quản trị, tăng cường năng lực tuân thủ các quy định liên quan đến rừng và gỗ của nước ta và của các thị trường nước ngoài. Đối với doanh nghiệp gỗ, thành bại có thể phụ thuộc rất nhiều vào năng lực phòng vệ và tự vệ của họ trước “tường lửa” của biện pháp phòng vệ thương mại mà nhữngthị trường lớn có thể dựng lên.
Doanh nghiệp gỗ cũng mong các cơ quan liên quan tiếp tục đồng hành để việc hoàn thuế giá trị gia tăng được thực hiện nhanh hơn. Trong việc tuân thủ các quy định phòng cháy chữa cháy, doanh nghiệp cần được thấu hiểu và chia sẻ bằng những giải pháp khả thi.
- Phía Hiệp hội sẽ hỗ trợ gì cho doanh nghiệp?
- Chúng tôi đã và đang có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để tìm kiếm thêm khách hàng và đơn hàng. Hiệu lực của EUDR (Quy định của EU không gây mất rừng và suy thoái rừng) đang đến gần, Hiệp hội cũng đang lập kế hoạch tổ chức các đào tạo về thực hiện trách nhiệm giải trình, bảo đảmgỗ hợp pháp khi đưa vào chuỗi cung và chuyển đổi xanh.
Hiện nay, nhiều thị trường lớn đang tăng cường thực thi các quy định nhập khẩu cũngnhư những hàng rào kỹ thuật quan trọng với những mặt hàng từ các nước xuất khẩu. Đơn cử, các quốc gia EU đã có yêu cầu về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), theo đó hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ phải chịu thêm chi phí và doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình sản xuất ít phát thải hơn để có tín chỉ carbon. Do đó, Viforest khuyến khích doanh nghiệp bảo đảm sản xuất xanh, thương mại xanh, tăng trường xanh và tăng cường chuyển đổi số. Phát triển bền vững sẽ là vấn đề trọng tâm để cải thiện đơn hàng và tăng doanh thu từ hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, gói tín dụng ưu đãi cho ngành hàng gỗ và thủy sản quy mô 15.000 tỷ đồng đã được ngành ngân hàng mở rộng lên 30.000 tỷ đồng. Viforest rất mong có sự chia sẻ và đồng hành của ngân hàng theo hướng thủ tục đơn giản và linh hoạt hơn để doanh nghiệp gỗ và thủy sản có thể tiếp cận hiệu quả, kịp thời nguồn vốn này.
- Xin cảm ơn ông!