Chủ trương xã hội hóa đã được triển khai triển khai thực hiện thuộc lĩnh vực y tế. Trên cơ sở này, Nghệ An đã từng bước triển khai, trong đó có xã hội hóa việc cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản. Theo đó, tỉnh Nghệ An đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động các cấp, ngành, tổ chức, đơn vị cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cùng vào cuộc. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của cộng đồng về xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản...
Cùng với việc nâng cao tuyên truyền, việc quản lý chất lượng phương tiện tránh thai cũng được tỉnh Nghệ An chú trọng. Nghệ An đã khuyến khích và huy động sự tham gia của các cơ sở y tế bao gồm hệ thống y tế công lập, đơn vị y tế của các tổ chức, hội và hệ thống y tế ngoài công lập đủ điều kiện tham gia xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản. Ngành y tế Nghệ An cũng nâng cao năng lực cho các cơ sở y tế công lập thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình bằng việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tư vấn, kỹ thuật dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cho người cung cấp dịch vụ; hỗ trợ, bổ sung trang thiết bị, dụng cụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản cho các cơ sở y tế công lập để đáp ứng tiêu chí cơ sở thực hiện xã hội hóa.
Nhằm bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, Nghệ An tạo cơ hội cho đối tượng lựa chọn sử dụng biện pháp tránh thai, tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản thuận tiện, an toàn với giá cả phù hợp; khách hàng sẽ được quan tâm và nhận dịch vụ có chất lượng, được theo dõi và giải quyết những vướng mắc khi nhận dịch vụ.
Không thể phủ nhận rằng, việc chuyển hướng từ cấp miễn phí sang xã hội hóa cung cấp các phương tiện tránh thai ở Nghệ An hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn xuất phát từ nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về xã hội hóa chưa đầy đủ, chưa thấy rõ tầm quan trọng của công tác xã hội hóa với phát triển kinh tế - xã hội; tư tưởng và thói quen được Nhà nước “bao cấp” phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều đơn vị y tế công lập còn thiếu thốn, chất lượng dịch vụ còn hạn chế do yếu tố con người không đồng đều; chưa có chính sách động viên các cơ sở này nâng cao chất lượng, tham gia vào quá trình xã hội hóa cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản...
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác kế hoạch hóa gia đình rất cần thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành và nhận thức của người dân về vấn đề này thông qua phương tiện truyền thông.