Ngăn sự quay lưng với năng lượng tái sinh
5 tuần sau khi thế giới dành những lời có cánh cho thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu mà 195 nước thành viên LHQ nhất trí tại Paris, giá dầu lao dốc thảm hại khiến giới chuyên gia không khỏi lo ngại về tương lai của cuộc cách mạng năng lượng. Tuần qua, có thời điểm giá dầu rớt xuống mức thấp kỷ lục trong 12 năm trở lại đây, dưới 27 USD/thùng, do những dự báo ảm đạm về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc, cùng sự dư thừa nguồn cung dầu từ Trung Đông. Theo nhà kinh tế trưởng của công ty chuyên cung cấp các giải pháp rủi ro kinh tế và quốc gia IHS Nariman Behravesh, từ góc độ kinh tế, rõ ràng giá dầu hiện nay hết sức lý tưởng cho các nhà tiêu thụ dầu và họ sẵn sàng quay lưng lại với các nguồn năng lượng tái sinh vốn đắt đỏ.
![]() |
Trước thực tế này, các Chính phủ cần phải hành động mạnh mẽ và ngay lập tức, như áp đặt thuế carbon nhằm ngăn chặn việc sử dụng tràn lan năng lượng hóa thạch trong sản xuất công nghiệp. Phát biểu tại diễn đàn Davos 2016, ông Behraves cho rằng, nếu không quyết liệt, với tình hình giá dầu thấp hiện nay, dầu mỏ sẽ trở lại vị trí lựa chọn năng lượng hàng đầu, vì lợi nhuận. Khi đó, các thỏa thuận tại COP 21 sẽ chỉ dừng ở lời nói và văn bản. Điều này cũng có nghĩa sẽ kéo lùi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Trong tương lai, các thảm họa thiên tai như hạn hán, lũ lụt, bão lốc và mực nước biển dâng sẽ đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người.
Chia sẻ quan ngại này, Giám đốc điều hành Trung tâm Phục hồi Stockholm Johan Rockstrom nêu rõ, khoa học đã chứng minh, nếu đạt mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất tăng dưới 1,5 độ C so với thời kỳ trước Cách mạng Công nghiệp, thế giới có thể tránh khỏi “điểm tới hạn thảm họa”. Khi đó, các nước có thể tránh được kịch bản băng tan tại Greenland và hạn chế lượng khí thải methane.
Khẳng định hướng đi không thể đảo ngược
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, gần một nửa công suất năng lượng mới của toàn cầu trong năm 2014 đến từ năng lượng tái sinh. Tiến trình quá độ sắp tới có thể không hướng tới nguồn năng lượng duy nhất, thay vào đó, nhiều nguồn năng lượng khác sẽ nổi lên cùng lúc và cạnh tranh thị phần lẫn nhau trên thị trường năng lượng. |
Tại WEF lần này, biến đổi khí hậu là một trong những đề tài trọng tâm của các cuộc thảo luận, trong bối cảnh những nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu hầu như chưa đạt kết quả như mong đợi. Đây là lần đầu tiên vấn đề môi trường đứng đầu danh sách những rủi ro toàn cầu trong báo cáo của WEF. Năm ngoái, lần đầu tiên trong lịch sử, nồng độ carbon dioxide (CO2) trong không khí toàn cầu vượt quá ngưỡng an toàn 400ppm, trong khi nhiệt độ Trái Đất đã tăng khoảng 1 độ C so với mức nhiệt thời kỳ trước Cách mạng Công nghiệp. Biến đổi khí hậu đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại, cũng như các doanh nghiệp, như làm gia tăng lũ lụt vùng ven biển, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, giảm đa dạng sinh học, gây mất cân bằng sinh thái, đi kèm với sự suy giảm về trữ lượng cá, gây tăng chi phí làm mát và tưới tiêu... Những rủi ro trên còn bao gồm hậu quả địa chính trị. Giám đốc rủi ro của Tập đoàn Bảo hiểm Zurich Cecilia Reyes cho rằng, biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm những rủi ro như khủng hoảng nước, thiếu lương thực, hạn chế tăng trưởng kinh tế, làm suy yếu sự gắn kết xã hội và gia tăng các nguy cơ an ninh.
Để hạn chế kịch bản tồi tệ này, giới chuyên gia nhấn mạnh, nhân loại cần bảo vệ các đại dương và hệ sinh thái của hành tinh, kết hợp với nhiệm vụ giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Xung quanh việc đạt được Thỏa thuận Paris tại COP 21, trong đó đặt mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu trong những thập niên tới, giới phân tích đánh giá, COP 21 thực chất chỉ là một phần của tiến trình quá độ đang diễn ra. Cách thức con người sử dụng năng lượng đã có sự thay đổi trong nhiều thế kỷ qua, ban đầu là dùng gỗ rồi đến than, tới dầu lửa, và giờ đây xuất hiện nhiều nguồn năng lượng mới thay thế.
Tất nhiên, quá trình quá độ sang kỷ nguyên năng lượng mới sẽ kéo dài và không đơn giản. Những tính toán về kinh tế - xã hội, cũng như sự phát triển của các công nghệ khác, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tốc độ và hướng đi của thời kỳ quá độ. Chẳng hạn, các hình thức lưu trữ năng lượng như pin và ắc quy được cải tiến để bù đắp cho việc năng lượng mặt trời và năng lượng gió ngày càng khó cạnh tranh về giá với nhiên liệu hóa thạch. Nhờ chi phí ắc quy tiếp tục giảm, năng lượng mặt trời có thể trở thành nguồn năng lượng thông dụng cho các hộ gia đình.
Công nghệ sẽ phần nào quyết định kết quả của thời kỳ quá độ này. Những công nghệ tiết kiệm năng lượng đang gây tác động ngày càng lớn lên thị trường năng lượng. Bằng cách giảm bớt lượng năng lượng cần thiết để vận hành máy móc, công nghệ tiết kiệm năng lượng sẽ giúp các quốc gia dễ dàng thực hiện mục tiêu về khí hậu, mà không phải hy sinh tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên chủ đề của WEF Davos 2016 là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, khoa học. Bởi vì, kỹ thuật vốn tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới. Đặt trong giai đoạn quá độ của khai thác năng lượng và thách thức biến đổi khí hậu, WEF 2016 là sự tiếp nối COP 21, nhằm khẳng định hướng đi không thể đảo ngược của thế giới.