Vượt qua nghịch cảnh
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng di chứng do chất độc màu da cam vẫn để lại nặng nề. Hoàng Thị Phương (quê ở Thanh Hóa) bị ảnh hưởng di chứng chất độc màu da cam từ ông nội nên ngay từ khi sinh ra em đã không có đôi chân lành lặn.
Trải qua nhiều ca phẫu thuật từ bệnh viện Thanh Hóa đến Hà Nội, đến khi mới 4 tuổi, Phương mới bắt đầu chập chững những bước đi đầu tiên đầy khó khăn và vất vả…
Người bình thường bước được một bước thì Phương phải đi ba bốn bước mới có thể theo kịp họ, với tư thế bước thấp, bước cao…
Phương đã khóc rất nhiều và hỏi mẹ: Tại sao con không đi lại được như những người bình thường? Mẹ đã ôm em và nói con gái của mẹ là một cô bé đặc biệt.
Chính câu nói của mẹ đã cho Phương một niềm tin, tiếp thêm sức mạnh vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. Với những nỗ lực của bản thân, cùng với sự động viên, khuyến khích của gia đình, nhà trường, Phương đến trường với bao hoài bão, ước mơ tốt đẹp.
Đến năm 2017, khi đang học lớp 9 tại trường THCS Quảng Long, Phương đã có một quyết định rời xa gia đình, chuyển đến học tại Trường Trung cấp nghề Thanh thiếu niên khuyết tật, đặc biệt khó khăn tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, sau 2 tháng học tại Trường nghề, Phương dừng lại việc học ở đây và trở về ôn thi vào THPT để tiếp tục nuôi dưỡng, thực hiện ước mơ trở thành một “cô giáo đặc biệt" như cách mà mẹ em đã từng nói.
Nghĩ đến ước mơ, Phương luôn tự nhủ, phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Chính với những nghị lực bền bỉ ấy đã giúp Phương vượt qua những khó khăn trong học tập.
Năm 2020, Hoàng Thị Phương đã tốt nghiệp trường THPT Quảng Xương II với điểm học bạ 8,5 điểm và đạt 26,5 điểm (đã tính điểm cộng ưu tiên) khối C00 trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với thành tích học tập này, Phương đã đỗ nguyện vọng 1 vào ngành Giáo dục đặc biệt (Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội).
“Yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi”
Với mong muốn được giúp đỡ, chia sẻ nhiều hơn với những người khuyết tật, Hoàng Thị Phương đã tích cực tham gia, hỗ trợ trong các hoạt động của Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật Hà Nội và Tình nguyện viên của các chương trình "Trao yêu thương" đến các em nhỏ vùng cao hay các chương trình hiến máu tình nguyện ngay từ những ngày đầu của năm thứ nhất đại học.
Hiện nay, Phương là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật Hà Nội. Để giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn, Phương cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội như: xây dựng, tổ chức các hoạt động sinh hoạt, trao đổi về các cơ hội học bổng, khoa học, dự án phát triển bản thân và đóng góp cộng đồng người khuyết tật; Tham gia viết báo cáo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với UNDP tổ chức; Tham gia xây dựng và điều phối Dự án hy vọng mùa 2 ( Dự án Hy vọng - Batik international ) - Truyền thông trên cơ sở giới…; Tham gia xây dựng và điều phối Dự án Hands Project - làm phim về người khuyết tật; Tham gia Ban Điều phối chương trình “ Trạm kết nối” - Nhân ngày người khuyết tật thế giới với số lượng hơn 100 bạn sinh viên khuyết tật trên địa bàn Hà Nội tham gia...
Vừa học tập, vừa tham gia các hoạt động thiện nguyện, Phương chia sẻ, tuy đôi khi vất vả, nhưng mang lại cho em nhiều niềm vui vì khi “yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi”.
Với những cố gắng nỗ lực của mình, Hoàng Thị Phương đã được Đoàn Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giới thiệu để Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên xét tặng giải thưởng Tỏa sáng Nghị lực Việt năm 2023.