Chưa thể thực hiện chi trả vì thiếu hướng dẫn
Tỉnh Quảng Bình hiện có trên 590.000ha rừng; trong đó, hơn 469.000ha rừng tự nhiên,tạotỷ lệ che phủ đạt 68,7%. Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Quảng Bình sẽ nhận được 235 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon, đem lại nguồn hỗ trợ cho gần 11.000 chủ rừng. Điều này góp phần khẳng định lợi ích của rừng, cũng như hỗ trợ cho hướng đi bền vững trong quản lý và bảo vệ rừng.
Trong năm 2023 vừa qua, tỉnh Quảng Bình nhận được 82,4 tỷ đồng từ gần 600.000ha rừng. Địa phương đã thực hiện chi trả cho các đối tượng hưởng lợi 68 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch. Tỷ lệ kinh phí còn lại được đưa vào kế hoạch tài chính năm 2024 để tiếp tục thực hiện nhưng để nhanh chi trả thì còn gặp khó.
Đơn cử, như Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh đã nhận trên 8,2 tỷ đồng kinh phí bán tín chỉ carbon nhưng đến nay, đơn vị chỉ mới chi trả được khoảng 800 triệu đồng (10% tổng số tiền). “Các khoản được sử dụng từ tiền bán tín chỉ carbon là hơn 2,4 tỷ đồng (30%) trên tổng số tiền được phân bổ về. Số tiền còn lại làhơn 5,6 tỷ đồng, đơn vị đang chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền”, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng NinhĐỗ Minh Cừ cho biết.
Theo quy định, các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng và UBND cấp xã được giao quản lý rừng nhận số tiền này, với mức bình quân hơn 170.000 đồng/ha. Tuy nhiên, việc chi trả cho các đơn vị gặp vướng khi lực lượng tham gia bảo vệ rừng ở đơn vị đều là viên chức, đã hưởng lương của Nhà nước nên không thể nhận hỗ trợ từ nguồn kinh phí này.
Bên cạnh đó, phần lớn diện tích rừng của Ban đã khoán cho người dân bảo vệ từ “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030,” giai đoạn 1 với số tiền 400.000 đồng/ha/năm. Do đó, bà con không thể nhận thêm hỗ trợ trong số tiền bán tín chỉ carbon.
“Hiện Ban thực hiện ký hợp đồng bảo vệ rừng với 1.119 hộ đồng bào dân tộc miền núi của các xã Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh) và xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy) từ “Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,” với số diện tích ký kết bảo vệ trên 39.500ha và số tiền chi trả mỗi năm trên 14 tỷ đồng. Do đó, không thể chi trả nếu chưa có hướng dẫn mới”, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh cho biết.
Tương tự, Công ty TNHH Lâm Công nghiệp Bắc Quảng Bình cũng được phân bổ từ nguồn kinh phí bán tín chỉ Carbon với hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, đơn vị được chi 10% trên tổng số tiền cho quản lý hành chính. Tuy nhiên, đến nay nguồn kinh phí này vẫn chưa thể sử dụng từ việc thiếu hướng dẫn.
Sớm khắc phục chồng chéo trong hệ thống quy định về chi trả
Chia sẻ về những vướng mắc trong việc chi trả nguồn kinh phí bán tín chỉ carbon, Giám đốc Công ty TNHH Lâm Công nghiệp Bắc Quảng BìnhTrần Quang Đảm cho biết: doanh nghiệp bảo vệ rừng đã giữ được rừng và đủ tiêu chuẩn bán tín chỉ carbon nhưng lại không được hưởng lợi từ số tiền này vì những quy định cụ thể đã ban hành.
Hướng dẫn chi trả quy định: “Chi phí triển khai thực hiện đảm bảo nguyên tắc hợp lý, không chồng chéo với các khoản chi khác của Ngân sách Nhà nước.” Trong khi toàn bộ diện tích rừng tự nhiên thuộc đối tượng phòng hộ và sản xuất của Công ty hiện đang hưởng từ ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2020 - 2025.Ngân sách bao gồm việc giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ và hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên sản xuất trong thời gian đóng cửa rừng. Do vậy, diện tích rừng của doanh nghiệp hiện đang hưởng kinh phí từ ngân sách Nhà nước, chồng chéo với quy định chi trả kinh phí từ nguồn tiền bán tín chỉ carbon. Chủ rừng vì vậy không thể thực hiện giải ngân.
Có thể thấy, nguồn kinh phí từ hoạt động bán tín chỉ carbon đã tạo động lực mới cho người dân và các đơn vị có động lực, trách nhiệm hơn trong việc giữ rừng, đồng thời mở ra hướng đi mới để phát triển rừng bền vững.
Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng BìnhNguyễn Văn Duẩn cho biết, ngoài phát huy thế mạnh rừng tự nhiên, thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng đối tượng, đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện hoạt động trồng rừng mới theo tiêu chuẩn quốc tế, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn để nâng cao trữ lượng carbon rừng.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát triển thị trường carbon, gỡ vướng trong việc giải ngân nguồn kinh phí còn “tồn đọng”, cần có hướng dẫn mới cũng như quy định cụ thể hơn từ các cấp có thẩm quyền, để các chương trình không còn chồng chéo, người giữ rừng cũng được hưởng lợi chính đáng.
“Rừng có được như hôm nay là sự cống hiến của những người bảo vệ rừng nhiều thời kỳ. Mong rằng, thời gian tới sẽ sớm có những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp để động viên những người làm công tác giữ gìn, bảo vệ rừng có thêm động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Trần Quang Đảm chia sẻ.