Theo các chuyên gia, kể từ khi các nước vùng Vịnh trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính cho toàn cầu, đã bắt đầu xuất hiện tình trạng bất ổn tại khu vực này do các cường quốc, khu vực cũng như thế giới, gây ra xuất phát từ những xung đột về lợi ích. Những nhân tố gây ra tình trạng bất ổn luôn thay đổi, bởi khi tìm được giải pháp cho một cuộc khủng hoảng, thì một vấn đề khác lại bắt đầu nảy sinh. Chỉ trong 3 thập kỷ qua, khu vực này đã chứng kiến 3 cuộc chiến tranh lớn, đó là: chiến tranh Iran - Iraq (1980 - 1988); cuộc chiến tranh vùng Vịnh (1991) và cuộc chiến tranh Iraq (2003). Những hậu quả của cuộc chiến tranh vùng Vịnh còn tồn tại cho đến tận những năm đầu của thế kỷ XXI, và hậu quả cuộc chiến xâm lược Iraq của Mỹ vào năm 2003 rõ ràng cũng để lại hậu quả ghê gớm và lâu dài.
Hơn 30 năm kể từ sau khi GCC thành lập, vì nhiều lý do khác nhau mà an ninh của khu vực này hiện đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có cả về cấu trúc lẫn hệ tư tưởng. Lý do lớn nhất là những nỗ lực của GCC nhằm thiết lập một hệ thống an ninh chung đã không thật sự thành công để giúp khu vực này có thể đối mặt với những mối đe dọa. Trong khi 30 năm qua, bối cảnh chính trị và chiến lược của khu vực cũng như quốc tế đã thay đổi quá nhiều, do đó các nước vùng Vịnh đang phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng.
Các nền quân chủ vùng Vịnh ra đời dựa vào không gian lịch sử với sự lưu thông, buôn bán. Từ giữa thế kỷ XVIII, với truyền thống thương mại này, các nhà buôn lớn trong khu vực đã nhanh chóng phất lên, nắm trong tay quyền lực kinh tế và cạnh tranh với nhau rất quyết liệt. Sự độc lập riêng của mỗi nước khác nhau, nhất là những khoản thu nhập từ dầu lửa, đã củng cố quyền lực của các gia đình trị vì các thực thể chính trị này.
Tuy nhiên, cũng chính những quyền lực và sự giàu có này đã làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các bộ tộc và các giáo phái khác nhau. Người thiểu số Hồi giáo theo dòng Shiite không có một quyền đại diện nào về chính trị ở GCC, và chính điều đó đã góp phần làm nên những biến động gần đây tại các nền quân chủ vùng Vịnh. Bên cạnh đó, chính những khoản lợi nhuận khổng lồ từ dầu lửa đã làm đảo lộn hình thái kinh tế và xã hội của các xã hội truyền thống này. Cụ thể, cuộc sống du mục của người dân Ảrập đã qua đi, nhường chỗ cho đời sống định cư, rồi kéo theo đó là sự phát triển của tầng lớp trung lưu, thượng lưu. Ngoài ra, sự có mặt của người nhập cư vì lý do kinh tế (chủ yếu đến từ các nước châu Á) đã làm rối loạn sự cân bằng dân số trong từng quốc gia và tạo nên sự bất bình đẳng trong xã hội vì những người nhập cư bị phân biệt đối xử về mặt pháp lý và bị bóc lột về kinh tế. Trong vài thế hệ gần đây, những người Ảrập du cư của bán đảo này đã thay đổi lối sống của người du mục chăn lạc đà hoặc dân chài lưới sang cách sống của những nhà chủ thầu vô cùng giàu có, bỏ xa những người nhập cư và những người theo các dòng tôn giáo thiểu số, và đấy luôn là một nguy cơ dẫn đến bất ổn ở GCC.
Ngoài ra, nguy cơ mất ổn định trong mỗi nước thuộc GCC đang gia tăng trong một môi trường địa - chính trị bất ổn và bất an của toàn khu vực, với xung quanh là các cường quốc khu vực như Ảrập Xêút, Iraq và Iran. Thực tế cho thấy người dân ở các nước quân chủ vùng Vịnh luôn phải sống trong nỗi lo sợ về chiến tranh, nhất là sau khi xảy ra cuộc xâm lược của Iraq đối với Kuwait năm 1990. Chưa hết, nguy cơ bất ổn ở vùng này còn nằm trong những yêu sách về lãnh thổ, lãnh hải của nhiều chủ thể trong khu vực. Một môi trường như vậy đòi hỏi phải có những sự liên minh chiến lược giữa các nước trong vùng với nhau, song tất cả đều mới đang ở mức sơ khai.
Một nguy cơ nữa xuất phát từ thực tế phần lớn các chế độ ở vùng Vịnh đều sử dụng các biện pháp cứng rắn để đối phó với các làn sóng phản đối của người dân. Chẳng hạn, năm 2011 ở Bahrain, trước sự nổi lên của người theo dòng Shiite chiếm đa số nhằm chống lại chế độ quân chủ do người theo dòng Sunni (chiếm thiểu số) nắm giữ, chính quyền nước này đã sử dụng các biện pháp trấn áp thẳng tay, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các đồng minh khu vực như Ảrập Xêút, UAE. Một chính sách như vậy được dự báo rất có thể sẽ làm bùng nổ tình hình, nếu như sự kiện trên được lặp lại.
Thêm một nguy cơ nữa, đó là giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh thời gian vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cán cân thu chi của mỗi nước. Theo tính toán sơ bộ, các nước GCC đã thiệt hại khoảng 300 tỷ USD do giá dầu lao dốc. Điều này khiến các nước không khỏi lo ngại dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng sự thâm hụt này có thể được “lấp đầy” bằng khoản dự trữ ngoại tệ rất lớn mà những nước này đã thu được trong thời kỳ giá dầu tăng cao trong suốt những năm gần đây.
Dựa trên những thực tế trên, có thể thấy tính cấp thiết đối với các nước vùng Vịnh trong việc thay đổi quan điểm về an ninh, tái hoạch định các chính sách khu vực cũng như quốc tế của mình, củng cố an ninh cũng như đưa ra những kế hoạch nhằm bảo đảm sự ổn định của khu vực cả về trung hạn lẫn dài hạn.