Hội nghị DCCI Summit 2024 được chia thành 3 phiên chuyên đề gồm: Data Center Room (phiên Trung tâm dữ liệu), Cloud Room (phiên Điện toán đám mây) và AI Room (phiên Trí tuệ nhân tạo).
Tại phiên Trung tâm dữ liệu, bên cạnh những thông tin về thị trường, xu hướng xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu trên thế giới, các chuyên gia chia sẻ về giải pháp cho rack mật độ công suất cao phục vụ nhu cầu hạ tầng cho ứng dụng AI, hay những thách thức khi đưa trung tâm dữ liệu của Việt Nam ngang tầm thế giới, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn quốc tế và tính bền vững.
Trong khi đó, phiên Điện toán đám mây xoay quanh nhiều nội dung về việc triển khai điện toán đám mây vào những lĩnh vực thực tế: điện toán biên (Edge Cloud Computing) ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực (tài chính ngân hàng, sản xuất, y tế, bán lẻ, thương mại điện tử,...), nền tảng quản trị dữ liệu tự động trên đám mây lai, đa đám mây và đám mây lai, Cloud FinOps, chủ quyền dữ liệu và bảo vệ dữ liệu, giải pháp tối ưu và quản trị hệ thống, sử dụng công nghệ AI trong phân tích hành vi và tự động hóa quy trình.
Đáng chú ý, khác với những năm trước, DCCI Summit 2024 đưa vào một chủ đề đang được nhắc đến trên thế giới đó chính là Trí tuệ nhân tạo (AI).
Tại phiên AI, những chuyên gia đến từ các hãng công nghệ có tên tuổi trên thế giới và Việt Nam như Qualcomm, Radware, Viettel AI bàn luận về trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng thực tiễn, phương án triển khai tối ưu tại Việt Nam; AI trong tấn công và phòng thủ an toàn thông tin; Ứng dụng AI trong chiến lược marketing và bán hàng, cho đến cơ sở hạ tầng AI hiệu suất cao và tiết kiệm chi phí – chìa khóa cho sự phát triển trong kỷ nguyên AI.
Bên cạnh các phiên chuyên đề nội dung, khách mời cũng có cơ hội tham quan và trải nghiệm khu vực gian hàng của các hãng công nghệ lớn, giao lưu cùng Human AI - Vi An của Viettel và khám phá trung tâm dữ liệu tiêu chuẩn quốc tế của Viettel IDC dành cho AI qua công nghệ thực tế ảo (VR). Đây là trung tâm dữ liệu có công suất lớn nhất tại Việt Nam đã đón những khách hàng đầu tiên trong tháng 3 này.
Tại phiên hội thảo “CxO Roubtable: Green Tech for Green Future” diễn ra vào buổi chiều, các chuyên gia tư vấn của Viettel và các doanh nghiệp quốc tế đã chia sẻ về những xu hướng công nghệ xanh trên thế giới và ứng dụng thực tế cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hội nghị đồng thời được xem là một cột mốc đầy tham vọng của Viettel IDC sau 15 năm hình thành và phát triển với sứ mệnh tiên phong về giải pháp, công nghệ mới phục vụ xã hội số. Đây cũng là một trong những chiến lược khai phá không gian mới, đón đầu xu hướng phát triển công nghệ của Viettel.
Theo thống kê, quy mô thị trường Trung tâm dữ liệu toàn cầu xấp xỉ 70 tỷ USD trong năm 2023, duy trì tốc độ tăng trưởng kép ổn định 10 năm qua xấp xỉ 14,7% kéo dài tới 2030.
Châu Á Thái Bình Dương (APAC) hiện là khu vực có tốc độ phát triển Trung tâm dữ liệu cao hơn hẳn các khu vực khác. Quy mô của APAC đạt giá trị khoảng 30 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng kép đạt 18,9% tới năm 2028. Trong đó, dự báo quy mô Trung tâm dữ liệu thị trường Việt Nam đến 2030 đạt 1.266 triệu USD, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%.
Trong khi đó, thị trường đám mây châu Á Thái Bình Dương được dự báo có tỷ lệ tăng trưởng lớn nhất cho tới 2030 nhờ quá trình công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ, các sáng kiến và hỗ trợ của chính phủ, nhận thức rõ ràng về chuyển đổi số trong doanh nghiệp, các khoản đầu tư ngày càng tăng cho cơ sở hạ tầng CNTT, sự chuyển dịch công nghiệp vào các thị trường mới nổi nằm trong khu vực, sự tập trung và tăng trưởng các ngành CNTT. Tại thị trường Việt Nam, dự báo quy mô dịch vụ Điện toán đám mây đạt hơn 1.200 triệu USD vào năm 2030.