Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm nước ở Mỹ

Hành trình dài và quyết liệt

- Chủ Nhật, 07/05/2023, 06:43 - Chia sẻ

Mỹ là quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng nước mặt sông, hồ nội địa khá nghiêm ngặt nhằm bảo đảm hệ sinh thái cho các loài sinh vật thủy sinh phát triển và bảo đảm cho các hoạt động vui chơi giải trí của con người. Tuy nhiên, để đạt được các điều kiện như vậy, Mỹ đã phải trải qua một hành trình dài và quyết liệt trong việc xây dựng và thực thi các chính sách về kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN).

Sự ra đời của Luật Kiểm soát ô nhiễm nước của Mỹ

Đạo luật đầu tiên liên quan đến KSONN là Luật Sông và Cảng năm 1899, trong đó nghiêm cấm việc xả các chất thải mà không được sự cho phép của Tập đoàn Kỹ sư quân đội (Army Corps of Engineers). Tiếp sau đó là sự ra đời của Luật Kiểm soát ô nhiễm nước Liên bang (ban hành năm 1948, sửa đổi năm 1956 và 1961) và Luật Chất lượng nước (năm 1965). Luật Chất lượng nước 1965 là bước tiến lớn trong KSONN khi yêu cầu các bang xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng nước và phân bổ tải lượng chất thải để bảo đảm chất lượng nước. Tuy nhiên, tác dụng của các luật này còn rất hạn chế và cũng không có các chế tài dân sự và hình sự để bảo đảm thực thi. Cho tới năm 1971, mới chỉ khoảng nửa số bang xây dựng được các tiêu chuẩn chất lượng nước.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Trong khi đó, đây cũng là giai đoạn mà Mỹ phát triển công nghiệp rất mạnh và đã phải trải qua nhiều thảm họa môi trường liên quan đến ô nhiễm nước mặt, điển hình là vụ sông Cuyahoga, bang Ohio bốc cháy từ lớp dầu rác phủ đầy trên mặt sông. Dòng sông này là một trong những dòng sông ô nhiễm nhất ở Mỹ những năm 50, 60 của thế kỷ trước. Thực ra đã có nhiều vụ cháy xảy ra trước đó như vụ cháy năm 1952 gây thiệt hại hơn 1 triệu USD cho tàu thuyền và một tòa nhà văn phòng tại bờ sông. Từ năm 1952 đến 1969, nhiều đám cháy tiếp tục diễn ra trên mặt sông, và tới ngày 22.6.1969 một đám cháy nghiêm trọng nhất đã xảy ra thu hút sự chú ý của tạp chí Times và truyền thông. Tạp chí Times từng mô tả sông Cuyahoga như một dòng sông “bùn chứ không phải dòng chảy”, ở trong đó con người sẽ “không bị chết đuối mà là bị phân hủy”.

Bài viết từ tạp chí Times đã châm ngòi cho nhiều thay đổi lớn sau đó. Sự kiện thu hút toàn bộ các kênh truyền thông trên toàn nước Mỹ viết về vấn đề ô nhiễm nước, biến nó trở thành tâm điểm của các cuộc thảo luận trên khắp xứ sở cờ hoa. Các hội nghị chuyên môn được tổ chức nhằm xác định cơ sở cho việc phân tích và giám sát chất lượng nước, đồng thời tìm ra các giải pháp đối với vấn đề nước thải công nghiệp. Một loạt các hoạt động giáo dục về bảo vệ môi trường được thực hiện trong các trường học, sau đó là phong trào gửi thư đến Quốc hội yêu cầu phải có hành động để khắc phục tình trạng ô nhiễm nước.

Song song là sự bùng nổ các hoạt động đo lường, giám sát chất lượng nước sông và những nỗ lực vận động cho sự ra đời Luật Kiểm soát ô nhiễm nước cũng diễn ra mạnh mẽ. Năm 1970, Bộ Bảo vệ môi trường Liên bang Mỹ (USEPA) được thành lập. Năm 1972, Luật Kiểm soát ô nhiễm nước (gọi tắt là Luật Nước sạch) được Quốc hội thông qua, trên cơ sở điều chỉnh và soạn thảo lại một cách toàn diện Luật Kiểm soát ô nhiễm nước Liên bang, đánh dấu một sự thay đổi lớn trong định hướng chính sách và quan điểm về KSONN của Mỹ.

Đây cũng là Luật được thông qua nhanh nhất ở Thượng viện. Cho đến nay Luật Nước sạch đã được sửa đổi, điều chỉnh và bổ sung 3 lần (1977, 1987, 2002) để đáp ứng những thách thức mới phát sinh cũng như tiếp tục hoàn thiện.

Cụ thể từng chi tiết

Luật Nước sạch được mô tả như một bản kế hoạch, các điều, khoản đều đưa ra các mục tiêu, quy tắc và cả những hướng dẫn chi tiết để thi hành. Đặc biệt, Luật quy định rõ Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường Liên bang Mỹ chịu trách nhiệm về việc thi hành bộ luật. Điểm nổi bật của Luật Nước sạch là đưa ra thời hạn cụ thể có tính khả thi với sự bảo đảm về nguồn tài chính và nền tảng công nghệ để thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm nước và cải tạo, khôi phục các vùng nước xác định, từng bước đạt được tiêu chuẩn chất lượng nước quốc gia.

Đối tượng bảo vệ của Luật Nước sạch là các vùng nước mặt bao gồm sông, suối, hồ, ao, đất ngập nước, vùng duyên hải. Đây là các vùng nước chịu sự xả thải trực tiếp từ các hoạt động phát triển kinh tế và dân sinh, đồng thời cũng là vùng có hệ sinh thái thủy sinh đa dạng, đòi hỏi lượng oxy hòa tan phải được cung cấp đủ và không có các chất độc hại gây ô nhiễm và hủy diệt thủy sinh. Nước ngầm và nước uống được điều chỉnh bằng Luật Nước uống an toàn, không nằm trong đối tượng của Luật Nước sạch.

Các mục tiêu chính của Luật Nước sạch bao gồm: năm 1985, chấm dứt việc thải các chất gây ô nhiễm xuống các vùng nước; ngày 1.7.1983, chất lượng nước phải bảo đảm việc bảo vệ và sinh sôi của các loài cá, động vật có vỏ, và động vật hoang dã và bảo đảm an toàn cho các hoạt động giải trí trong và trên mặt nước của con người; nghiêm cấm việc thải các chất độc vượt ngưỡng cho phép.

Luật Nước sạch dài 234 trang, gồm 6 chương, 94 điều, với các nội dung chính có thể kể đến như: các chính sách cho nghiên cứu phát triển kiểm soát ô nhiễm nước; các vùng nước đặc biệt cần bảo vệ; trách nhiệm của Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường; các kế hoạch tài chính cho các công trình xử lý nước thải; chương trình hệ thống quốc gia về loại bỏ các chất ô nhiễm nước; chương trình giấy phép xả thải liên bang cho các nguồn ô nhiễm điểm; các tiêu chuẩn chất lượng nước của các bang, với sự phê chuẩn của liên bang; các điều kiện thực thi của giấy phép; quỹ Liên bang cho việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt; quỹ Liên bang cho việc kiểm soát ô nhiễm tại các bang; giấy phép san lấp các vùng đất ngập nước…

Linh Anh