QUỐC HỘI SỐ Ở BRAZIL

Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường tương tác với người dân

- Chủ Nhật, 26/03/2023, 06:17 - Chia sẻ

Quốc hội Brazil luôn đứng đầu về mức độ áp dụng kỹ thuật số trên thế giới. Hạ viện nước này nổi tiếng nhờ phòng thí nghiệm đổi mới Hacker Lab đầu tiên trên thế giới, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách sáng tạo, cũng như khả năng triển khai nhanh chóng và linh hoạt Quốc hội ảo, trong khi Thượng viện thu hút được sự tham gia lâu dài của công dân nhờ hệ thống cổng thông tin ưu việt...

Nguồn: Flickr . Bên trong tòa nhà Hạ viện Brazil
Bên trong tòa nhà Hạ viện Brazil. Nguồn: Flickr

Theo IPU, trong nhiều năm, cả hai viện đều hướng đến mục tiêu tăng cường sự tham gia của công chúng vào các hoạt động của Quốc hội. Các ứng dụng di động và ứng dụng dựa trên web có vai trò cực kỳ quan trọng để đạt được mục tiêu này và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số củng cố các quy trình trong mỗi viện để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công chúng tham gia. Các công cụ và thực tiễn trực tuyến, chẳng hạn như dữ liệu mở, là những cơ chế được thiết lập tốt để tăng tính công khai và minh bạch của pháp luật.

TV Câmara, đài truyền hình công miễn phí được thành lập vào năm 1998, thực hiện phát sóng các hoạt động của Hạ viện 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, bao gồm phát trực tuyến tất cả các cuộc họp của Ủy ban và các phiên họp toàn thể lên YouTube kể từ tháng 12.2015. Trong khi đó, Thượng viện sử dụng kênh công khai TV Senado của mình để phát sóng từ năm 1996 và có kênh YouTube riêng từ năm 2010. Ngoài Youtube, Quốc hội Brazil còn sử dụng nhiều nền tảng truyền thông xã hội để phổ biến thông tin và tương tác với người dân như Facebook, Twitter, bởi chúng tạo cơ hội cho cơ quan lập pháp tiếp cận nhiều đối tượng hơn, tương tác với người dân và cung cấp thông tin cập nhật theo thời gian thực về các phát triển lập pháp..

Chưa hết, Quốc hội Brazil cũng sử dụng nhiều nền tảng kỹ thuật số để phục vụ  công việc như:

e-Democracia

Tổng cục Đổi mới và công nghệ (DITEC) của Hạ viện có thành tích lâu đời về đổi mới kỹ thuật số, đặc biệt là để cải thiện sự tham gia của công dân. Một trong những công cụ hàng đầu là e-Democracia, được phát triển lần đầu năm 2009 và là một trong những dự án chính của phòng thí nghiệm đổi mới Lab Hacker, nơi được thành lập để tăng cường trao đổi các ý tưởng đổi mới giữa xã hội dân sự và cơ quan lập pháp. (Lab Hacker là nơi các lập trình viên tình nguyện có thể áp dụng các kỹ năng của họ nhằm trực quan hóa dữ liệu lập pháp theo những cách hấp dẫn công chúng). e-Democracia có hàng chục nghìn người dùng đã đăng ký (số liệu năm 2018 có khoảng 60.000 người dùng).

Nền tảng này được tạo ra để thu hút các cử tri và những người đại diện thông qua các cuộc khảo sát, diễn đàn và các công cụ hợp tác kiểu mở như wiki. (Wiki là một loại ứng dụng xây dựng và quản lý các trang thông tin do nhiều người cùng phát triển. Đặc điểm nổi bật của wiki là ai cũng có thể chỉnh sửa, thêm mới, bổ sung thông tin lên các trang tin và không ghi lại dấu ấn là ai đã cung cấp thông tin đó). Mục đích của e-Democracia là thu thập ý kiến và khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình làm luật. Nền tảng này bao gồm “cộng đồng ảo” dành cho các cuộc tranh luận về các chủ đề cụ thể và “Wikilegis”, cho phép người dùng trực tiếp nhận xét hoặc đóng góp cho các điều luật hoặc phần cụ thể của dự thảo luật.

Ulysses

Hạ viện Brazil phát triển nền tảng phân tích thông minh Ulysses, một công cụ dựa trên AI sử dụng máy học để phân tích khối lượng lớn tài liệu và dữ liệu được tạo ra. Hệ thống có thể phân loại các tài liệu mới và gắn thẻ chúng hiệu quả hơn trong cổng thông tin điện tử công khai của Hạ viện. Đổi lại, điều này cho phép trang web tự động đưa ra đề xuất và cung cấp nội dung dựa trên sở thích của người dùng. Hệ thống sẽ được mở rộng để gắn thẻ các chương trình phát sóng trực tiếp và video đã ghi để xác định người nói, cho phép nhắm mục tiêu vào nội dung. Công dân có thể bỏ phiếu và bình luận (ẩn danh) về một dự luật cụ thể kể từ năm 2018.

Giúp các nghị sĩ hiểu được tất cả các ý kiến, bình luận nhận được là thách thức lớn (có thể có tới 30.000 ý kiến cho một dự luật). Song Ulysses giải quyết vấn đề này bằng cách áp dụng thuật toán máy học cho các nhận xét dựa trên quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Hệ thống tiến hành phân tích một cách “thông minh” tất cả nhận xét về các khía cạnh tích cực và tiêu cực của một bộ luật.

e-Cidadania

Vào năm 2012, Thượng viện Brazil ra mắt e-Cidadania, cổng thông tin trực tuyến được thiết kế để cho phép người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động lập pháp, ngân sách, giám sát và đại diện. Cổng thông tin được chia thành ba phần: Ideia Legislativa (Ý tưởng lập pháp), Consulta Pública (Tư vấn cộng đồng) và Evento Interativo (Sự kiện tương tác). Hơn 40 triệu người dùng đã truy cập cổng thông tin từ năm 2015 đến năm 2020. Con số này chiếm gần 20% tổng dân số và 30% người dùng Internet ở Brazil.

Cổng thông tin điện tử e-Cidadania được thiết kế không chỉ để thu hút nhiều thành viên cộng đồng hơn vào công việc của Thượng viện, mà còn giúp các Thượng nghị sĩ giao tiếp hiệu quả hơn với cử tri và hiểu quan điểm của họ.

Khi bắt đầu đại dịch Covid-19, DITEC của Hạ viện đã điều chỉnh ứng dụng Infoleg hiện có. Đây là ứng dụng cung cấp cấu trúc các phiên họp toàn thể ảo, hệ thống lập pháp nội bộ và dịch vụ hội nghị truyền hình. Sự linh hoạt này cho phép tổ chức các phiên họp không chỉ trong các giai đoạn khác nhau của đại dịch, mà còn đóng vai trò như chiến lược dự phòng sau khủng hoảng. Phiên họp toàn thể ảo được cập nhật thêm các chức năng mới dành riêng cho nghị sĩ như: đăng ký tham dự, đại biểu tham dự, định hướng biểu quyết của lãnh đạo, biểu quyết và bảng kết quả biểu quyết, danh sách diễn giả… Trước đó, vào năm 2016, Infoleg ban đầu được xây dựng để thông tin cho người dân về quy trình lập pháp, các thành viên Quốc hội, các cuộc họp ủy ban, phiên họp toàn thể, luật, dự luật (toàn văn, sửa đổi và tất cả các quyết định liên quan).

Có thể nói, việc triển khai các dự án chuyển đổi số ở cả Hạ viện và Thượng viện Brazil đã cải thiện hiệu quả của các thủ tục Nghị viện, nâng cao tính minh bạch trong quy trình lập pháp và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân. Những nỗ lực của Quốc hội Brazil trong việc nắm bắt công nghệ không chỉ giúp hoạt động của cơ quan lập pháp hiệu quả hơn, mà còn củng cố mối quan hệ với công chúng, tăng tính minh bạch, tin tưởng giữa người dân và các đại diện được bầu của họ.

Linh Anh