QUỐC HỘI SỐ Ở BRAZIL

e‐Democracia - dự án dân chủ điện tử của Quốc hội

- Chủ Nhật, 26/03/2023, 06:22 - Chia sẻ

Năm 2009, Hạ viện Brazil đã thử nghiệm và triển khai cổng thông tin trực tuyến, được gọi là e-Democracia (dân chủ điện tử), cho phép công chúng bình luận về các vấn đề chính sách hoặc lập pháp và đề xuất sửa đổi các dự luật trước Hạ viện.

Nguồn: participedia.net
Nguồn: participedia.net

Các mục tiêu chính của cổng thông tin trực tuyến này bao gồm: cung cấp cho công chúng một nền tảng trực tuyến tương tác để chia sẻ thông tin và kết nối mạng cho các mục đích lập pháp; nâng cao hiểu biết của công chúng về quy trình lập pháp của Quốc hội và dự luật được lựa chọn; cung cấp nguồn lực cộng đồng và hợp tác ý tưởng để giúp các nghị sĩ trong việc xây dựng pháp luật; tăng cường sự tham gia và niềm tin của công chúng vào Nghị viện thông qua việc họ tham gia vào quy trình Nghị viện cởi mở và minh bạch hơn.

Cấu trúc của e‐Democracia

e‐Democracia bao gồm hai module: không gian trống và cộng đồng ảo. Không gian trống cho phép công chúng tham gia và bắt đầu thảo luận về bất kỳ chính sách và vấn đề lập pháp nào trong môi trường không được kiểm duyệt, trong khi cộng đồng ảo được cấu trúc để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tranh luận về những vấn đề chính sách và lập pháp cụ thể trong môi trường được kiểm duyệt.

Cộng đồng ảo có thể được chia thành hai thành phần: các diễn đàn theo chủ đề và Wikilegis. Mặc dù cả hai thành phần đều mời công chúng bình luận và đưa ra đề xuất, nhưng khác nhau về loại thông tin mà chúng tìm kiếm. Trong diễn đàn theo chủ đề, quản trị viên cổng thông tin đăng các câu hỏi cụ thể về một chính sách hoặc vấn đề lập pháp nhất định và tìm kiếm ý kiến hoặc đề xuất của công chúng. Các câu hỏi mẫu có thể là: “Chính sách không gian hiện tại của Brazil có điều gì đúng hoặc sai?” hay “Quốc hội nên đóng vai trò gì trong việc đánh giá lại chính sách không gian của Brazil?”. Mặt khác, Wikilegis đăng một dự luật được chọn ra từng đoạn và mời công chúng đưa ra nhận xét, đề xuất hoặc sửa đổi đối với dự luật hoặc các phần của dự luật.

Các tính năng chính

Có một số tính năng quan trọng được xây dựng trong e-Democracy. Trước hết, e-Democracy yêu cầu những người quan tâm đóng góp phải đăng ký và tạo hồ sơ người dùng. Thứ hai, e‐ Democracia được thiết kế để cho phép quản trị viên cổng thông tin hủy đăng ký, tạo các cuộc thăm dò ý kiến, tải tài liệu lên bao gồm các tệp âm thanh và video, cũng như gửi email tự động chứa bình luận mới nhất cho các thành viên trong cùng cộng đồng ảo. Nó cũng cho phép người dùng xây dựng một thư viện ảo với thông tin được chia sẻ ở định dạng văn bản, âm thanh hoặc video. Thứ ba, e‐Democracy cho phép người dùng đóng góp theo từng phần và vào những thời điểm khác nhau để thuận tiện cho họ. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, e‐Democracia có biểu tượng thích/không thích cho biết mức độ ủng hộ/phản đối đối với dự luật hoặc bình luận. Một báo cáo tóm tắt số lượng thành viên cộng đồng, sự ủng hộ hoặc phản đối (thích và không thích) đối với một dự luật và các đóng góp cũng được công bố trên cổng thông tin trực tuyến này để công chúng tham khảo.

Cộng đồng ảo và quy trình tư vấn 

Quá trình tư vấn cho cộng đồng ảo bắt đầu khi nghị sĩ yêu cầu tạo một cộng đồng ảo cho các vấn đề chính sách hoặc dự luật của họ. Nghị sĩ liên lạc với các chuyên gia tư vấn lập pháp, là nhân viên thường trực của Hạ viện, để tạo trang nội dung ban đầu và xác định khoảng thời gian cho phép công chúng tham gia. Trong thời gian tư vấn trực tuyến, các chuyên gia này kiểm duyệt nội dung trên cộng đồng ảo. Nếu cần, họ đánh giá tính khả thi của các đề xuất và chuyển đổi chúng từ ngôn ngữ thông tục thành văn bản và định dạng hợp pháp.

Sau khi quá trình tham vấn trực tuyến kết thúc, các chuyên gia sẽ tóm tắt và phân tích nội dung, đồng thời viết báo cáo cho nghị sĩ và các ủy ban rà soát pháp luật có liên quan. Sau đó, các ủy ban và nghị sĩ sẽ quyết định có chấp nhận các sửa đổi đối với dự luật hay không. Sau đó, nghị sĩ có thể trình dự luật lên Hạ viện và Thượng viện để xem xét.

Thành tựu và lợi ích của e-Democracia

Ông Cristiano Ferri Faria, lãnh đạo Hacker Lab và là người đồng sáng lập e-Democracia, đã xác định thành tựu của e-Democracia như sau: nó lập kỷ lục về sự tham gia thực sự của công dân trong việc soạn thảo dự luật, thiết lập nhiều cơ chế tham gia, tăng tính minh bạch của pháp luật, tăng cường mối liên hệ giữa nghị sĩ với cử tri và người dân nói chung, đồng thời thúc đẩy kết nối kỹ thuật số được hình thành trên toàn quốc…

Mặc dù e-Democracia chưa thể thay đổi ngay thái độ thờ ơ của công chúng đối với chính trị hoặc cơ quan lập pháp, nhưng nó có khả năng giúp tạo điều kiện tương tác nhiều hơn giữa Quốc hội, các nghị sĩ và người dân. Trải nghiệm của người dùng trong việc giao tiếp và cộng tác với các nhà lập pháp về xây dựng các dự luật, nhất là đối với các dự luật dẫn đến thay đổi chính sách công, là công cụ hữu ích tiềm năng giúp tăng mức độ sẵn sàng tham gia của công chúng vào các quy trình lập pháp và hoạt động Nghị viện.

Điều này rất đặc biệt vì các khuyến nghị của công chúng đôi khi được đưa vào dự luật và văn bản của luật cuối cùng. Ông Faria ước tính, 30% Dự luật Quy chế thanh niên của Brazil dựa trên các bình luận nhận được trên e-Democracia. Trong khi đó, bà Patricia Rossini, một nhà nghiên cứu công nghệ và truyền thông chính trị người Brazil nhận thấy, các bình luận trên cổng thông tin này đã dẫn đến việc sửa đổi 4 điều khoản của dự luật xác định quyền công dân của Brazil khi sử dụng Internet. Bà nhận xét, công chúng “đã thêm một số điều quan trọng đối với các nguyên tắc cơ bản của dự luật” và các đại biểu nhân dân “sẵn sàng chấp nhận những sửa đổi mà công dân bình thường đóng góp thông qua sáng kiến dân chủ điện tử”.

Bằng cách thu thập thông tin từ nhiều người bao gồm công chức, chuyên gia về chủ đề, học giả và những người khác có kinh nghiệm liên quan, các dự luật được xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng hơn, vì tính được các tình huống và hậu quả khác nhau.

Thái Anh