Thành lập Lực lượng bảo vệ biển Đỏ
Việc thành lập lực lượng chung tại biển Đỏ vừa được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin công bố vào đầu ngày 19.12 tại Bahrain. Theo tuyên bố chính thức, 10 quốc gia tham gia là Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha.
Trước đây, Lầu Năm Góc từng khuyên chính quyền Tổng thống Biden không trả đũa quân sự lực lượng Houthi để tránh gây căng thẳng với Iran, quốc gia được cho là có mối liên hệ với lực lượng này. Tuy nhiên, sự gia tăng đáng kể các cuộc tấn công trong những ngày gần đây khiến giới chức an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ thay đổi tính toán.
Tàu khu trục Mỹ USS Carney hoạt động ở biển Đỏ đã bắn hạ 14 máy bay không người lái (UAV) được triển khai từ lãnh thổ do Houthi kiểm soát ở Yemen vào sáng 16.12. Tàu khu trục HMS Diamond của Anh cũng đã bắn hạ một UAV của Houthi.
"Đây là một thách thức quốc tế, đòi hỏi phải có hành động tập thể. Vì vậy hôm nay, tôi tuyên bố thành lập Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng, một sáng kiến an ninh đa quốc gia mới quan trọng" - ông Austin nói.
Đáp lại, đại diện Houthi tuyên bố họ đủ sức đối đầu với mọi liên minh do Mỹ thành lập tại biển Đỏ. Nhóm này thời gian qua đe dọa tấn công mọi tàu chở hàng hướng đến Israel trong động thái ủng hộ người Palestine kể từ xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas nổ ra vào đầu tháng 10. Đã có hơn 10 tàu bị Houthi tấn công cho đến giờ, trong đó có 2 tàu hôm 18.12.
Bộ Tư lệnh Trung tâm của quân đội Mỹ thông báo thêm 2 vụ tấn công mới nhất của Houthi nhằm vào các tàu thương mại MSC Clara và Swan Atlantic thuộc sở hữu Na Uy. Người phát ngôn của Houthi Yahya Sarea nói các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã được thực hiện sau khi hai tàu này không đáp ứng các cuộc gọi của Houthi.
Trước đó 1 ngày, UAV của Houthi đã tấn công tàu cơ giới Al Jasrah treo cờ Liberia trên biển Đỏ, gây ra hỏa hoạn. Cũng trong ngày 15.12, Houthi phóng hai tên lửa đạn đạo về phía eo biển Bab el-Mandeb, với một quả trong số này trúng tàu cơ giới Palatium 3 treo cờ Liberia.
Điều này khiến nhiều công ty vận tải biển phải yêu cầu tàu của họ tạm dừng hành trình, không đi qua eo biển Bab el-Mandeb cho đến khi tình hình được giải quyết.
Houthi là ai? Tại sao lại tấn công Biển Đỏ
Houthi là một phong trào chính trị - quân sự Hồi giáo ra đời ở tỉnh Saada phía Tây bắc Yemen vào thập niên 1990, có tên chính thức là Ansar Allah (tức "Những người ủng hộ Thượng đế"). Các thành viên của phong trào này chủ yếu là người theo giáo phái Zaydi, một nhánh thiểu số trong dòng Shiite của Hồi giáo và chiếm khoảng 35% dân số Yemen. Lãnh đạo của phong trào xuất thân từ bộ tộc Houthi, nên phong trào thường được gọi bằng tên này.
Dưới sự lãnh đạo của ông Hussein Badreddin al Houthi, phong trào đã trở thành thế lực đối lập với cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, một người Zaydi và đã nắm quyền ở Yemen từ năm 1978.
Vào năm 2014, Houthi quân đã tràn xuống từ thành trì phía bắc của mình ở Yemen và chiếm thủ đô Sana, gây ra một cuộc nội chiến nghiêm trọng ở quốc gia này. Nhóm phiến quân này thỉnh thoảng nhắm mục tiêu vào các tàu trong khu vực, nhưng các cuộc tấn công đã gia tăng kể từ khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas bắt đầu. Họ đã sử dụng máy bay không người lái và tên lửa chống hạm để tấn công các tàu và trong một trường hợp đã sử dụng trực thăng để bắt giữ một con tàu thuộc sở hữu của Israel.
Lực lượng này tuyên bố sẽ tấn công tất cả các tàu thuyền của Israel hoặc tàu hướng đến cảng Israel để ủng hộ người Palestine, nhưng trên thực tế, mục tiêu của họ còn gồm cả những tàu không hướng đến hoặc không có liên hệ gì với Israel. Điều đó cho thấy, Houthi có lẽ đang sử dụng khả năng tấn công ở biển Đỏ để thúc đẩy ảnh hưởng địa chính trị tại khu vực, bên cạnh tác động đến xung đột Israel - Hamas.
Thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển toàn cầu đi qua kênh đào Suez - nối Địa Trung Hải với biển Đỏ và là tuyến vận tải ngắn nhất giữa châu Âu với châu Á.
Đây là tuyến đường chính của nhiên liệu: 10% sản phẩm dầu mỏ, 5% dầu thô và 8% khí tự nhiên hóa lỏng lưu thông qua tuyến đường này. Đây là tuyến đường quan trọng nhằm cung cấp năng lượng đến cho người châu Âu, và là tuyến đường quan trọng cho hoạt động thương mại ngũ cốc: 7% lượng ngũ cốc toàn cầu đi qua Biển Đỏ. Nếu eo biển Bab-el-Mandeb bị phong tỏa, cước vận chuyển bằng tàu biển có nguy cơ tăng vọt, và Ai Cập - quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ kênh đào Suez, sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Tuy căng thẳng gia tăng nhưng hoạt động đi lại trong khu vực này hầu như không thay đổi. Thế nhưng, tuyến đường giao thông đi đến Israel đang bị gián đoạn nghiêm trọng. Lợi nhuận thu được từ hoạt động tại cảng Eilat ở Biển Đỏ đang sụt giảm. Những chiếc thuyền từng thường xuyên sử dụng Kênh đào Suez để đi đến các cảng của Israel ở Địa Trung Hải đang phải chuyển hướng, làm kéo dài hành trình và chi phí. Các công ty bảo hiểm phải áp dụng phí bảo hiểm bổ sung cho tất cả các chuyến hàng vận chuyển từ hoặc đến Israel. Nếu xung đột leo thang, sẽ là một cú sốc lớn đối với ngành thương mại toàn cầu.
Ngành vận tải hàng hóa đã chịu sẵn nhiều rủi ro vì hoạt động tại Kênh đào Panama - một tuyến đường vận chuyển hàng hóa lớn khác, đang trì trệ lại do ảnh hưởng của hạn hán. Nhiều chuyến hàng phải chờ đợi để di chuyển. Còn nếu phải tránh Biển Đỏ, tức là bỏ qua châu Phi thông qua Mũi Hảo Vọng, và chuyển lộ trình đến châu Á, châu Âu và châu Mỹ, chuyến đi có thể kéo dài từ khoảng 19 ngày lên 31 ngày tùy thuộc vào tốc độ tàu, qua đó tăng chi phí và thời gian, đe dọa chuỗi cung ứng.
Ông David Osler, chuyên gia bảo hiểm của Lloyd's List Intelligence, cơ quan cung cấp phân tích cho ngành hàng hải toàn cầu, cho biết chi phí bảo hiểm đã tăng gấp đôi đối với các chủ hàng di chuyển qua Biển Đỏ, điều này có thể ngốn thêm hàng trăm nghìn USD cho hành trình của những con tàu đắt tiền nhất. Theo ông Osler dự kiến chi phí bảo hiểm sẽ tiếp tục tăng nhưng cho biết tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nhiều và khiến một số chủ tàu phải suy nghĩ lại việc di chuyển qua khu vực.
Trên thực tế, như chuyên gia Albert Jan Swart của Công ty ABN Amro ước tính, số công ty có động thái thay đổi lộ trình cho tàu "kiểm soát gần một nửa thị trường vận tải container toàn cầu".
Tập đoàn tàu chở dầu Frontline của CH Síp là một trong những cái tên mới nhất tham gia danh sách này hôm 18.12. Cùng ngày, Tập đoàn Năng lượng Equinor (Na Uy) thông báo một số tàu chở dầu thô và khí thiên nhiên hóa lỏng (LPG) của họ thay đổi lộ trình để không qua biển Đỏ.
Tương tự, Tập đoàn Dầu BP của Anh cũng dừng các chuyến hàng qua biển Đỏ. Theo Reuters, những động thái này là tín hiệu cho thấy ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đã lan sang hoạt động vận chuyển năng lượng.
Tình trạng xáo trộn nói trên có thể ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng hàng hóa tiêu dùng trước dịp Tết Nguyên đán 2024, khiến giá cả tăng.
Biện pháp trừng phạt quân sự và ngoại giao
Các cuộc tấn công nhắm vào tàu thương mại không phải là hiện tượng mới ở Biển Đỏ dù đã có một lực lượng quốc tế thường trực trong hơn 20 năm. Để đảm bảo trục thương mại then chốt này, lựa chọn quân sự đã được quyết định.
Cùng với việc phát động Chiến dịch Người bảo vệ thịnh vượng nhằm bảo vệ các tàu đi qua biển Đỏ, Mỹ đã đề xuất các biện pháp trừng phạt ngoại giao và có thể sẽ liệt Houthi vào danh sách các tổ chức khủng bố. Điều này có thể ngăn Yemen yêu cầu bồi thường trong khuôn khổ của một thỏa thuận hòa bình đang được đàm phán với Ảrập Xêút. Nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây dường như không được quan tâm. Thực tế, các nước Ảrập khó có thể trừng phạt Houthi vì có khả năng sẽ bị cho là ủng hộ Israel.