Bảo tàng Quốc hội Ấn Độ kể câu chuyện di sản dân chủ

- Thứ Bảy, 29/04/2023, 10:58 - Chia sẻ

Bảo tàng Quốc hội ở New Delhi là một sáng kiến ​​độc đáo, với tầm nhìn nhằm làm sống lại di sản dân chủ của Ấn Độ dưới hình thức một bảo tàng kể chuyện công nghệ cao. Đây là điểm đến độc nhất vô nhị trong nước, mang giá trị lịch sử, chính trị và văn hóa, thu hút rất nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, du khách, những người quan tâm đến sự phát triển của nền dân chủ và cấu trúc chính trị đúng như những gì đã diễn ra.

Một góc trưng bày trong Bảo tàng Quốc hội Ấn Độ - Delhi Tourism
Một góc trưng bày trong Bảo tàng Quốc hội Ấn Độ. Nguồn: Delhi Tourism

Bảo tàng Quốc hội là một bộ phận của Cơ quan bảo tàng và lưu trữ Quốc hội (PMA); hai bộ phận còn lại là: bộ phận phim, ảnh và bộ phận lưu trữ. Cả ba bộ phận quan trọng này cùng phối hợp bảo tồn các hồ sơ, tài liệu lịch sử và những bài báo cổ của quốc gia, bảo vệ các hiện vật khỏi sự tàn phá của thời gian; giới thiệu về sự phát triển và hoạt động của các thể chế nghị viện, chính thể của Ấn Độ một cách hấp dẫn nhất thông qua các biểu đồ, hình minh họa, mô hình, phim ảnh và các phương tiện hỗ trợ trực quan khác.

"Bữa tiệc" mãn nhãn

Được thành lập năm 1989, bảo tàng lần đầu tiên được đặt trong tòa nhà phụ của trụ sở Quốc hội, nhưng sau đó được chuyển đến nơi ở hiện tại - một đại sảnh đặc biệt rộng rãi trong Thư viện Quốc hội vào năm 2002. Bảo tàng đã được tân trang lại và có tính tương tác cao nhờ công nghệ trình chiếu toàn cảnh nhiều màn hình, triển lãm đa phương tiện, hoạt hình… Tất cả nhờ Tổng thống Ấn Độ lúc đó là Tiến sĩ APJ Abdul Kalam đã vô cùng tâm huyết với ý tưởng này và làm tặng cho quốc gia vào năm 2006. Bảo tàng với vẻ đẹp trong cách kể chuyện độc đáo đã không ngừng thu hút và làm say mê du khách.

Với hiệu ứng âm thanh và ánh sáng được đặc biệt chăm chút, những màn kể chuyện, hình ảnh hấp dẫn, mô hình sống động… Bảo tàng đã tái hiện các sự kiện lịch sử như Cuộc diễu hành Dandi nổi tiếng do Mahatma Gandhi lãnh đạo, khung hình của Hiến pháp Ấn Độ; Bài diễn văn lịch sử Hò hẹn với định mệnh (Tryst with Destiny) của cựu Thủ tướng Jawaharlal Nehru; các sắc lệnh của Hoàng đế Ashoka lên các cột đá... Ngoài ra còn có các mô phỏng thực tế về phòng Rajya Sabha (Thượng viện) và Lok Sabha (Hạ viện) để du khách có thể dễ dàng hình dung.

Toàn bộ bảo tàng là một "bữa tiệc" mãn nhãn, mang đến cái nhìn về lịch sử phát triển chính trị của Ấn Độ từ thời cổ đại đến thời hiện đại theo cách có thể thu hút ngay cả những người không quan tâm nhiều đến chính trị.

Toà trụ sở Quốc hội Ấn Độ, nơi đặt bảo tàng Quốc hội 	Nguồn: Inditales
Toà trụ sở Quốc hội Ấn Độ, nơi đặt bảo tàng Quốc hội. Nguồn: Inditales

Thông tin cần biết

Bảo tàng áp dụng các biện pháp an ninh rất nghiêm ngặt trong khi cấp phép cho du khách. Quy định này khá dễ hiểu do vị trí có nguy cơ an ninh cao và đã từng xảy ra nhiều vụ tấn công khủng bố trong quá khứ. Du khách được phép vào bảo tàng theo nhóm ít nhất 7 - 8 người và phải có hướng dẫn viên đi cùng. Du khách cần cung cấp bằng chứng xác định danh tính cho nhân viên bảo tàng và cũng có thể được yêu cầu gửi lại điện thoại di động, máy ảnh hoặc bất kỳ loại đồ đạc nào khác tại phòng giữ đồ vì mục đích an ninh.

Trong thời gian giữa các kỳ họp Quốc hội, bảo tàng mở cửa từ 11 giờ - 17 giờ hàng ngày, từ thứ ba đến thứ bảy, nghỉ vào chủ nhật và thứ hai; còn trong kỳ họp Quốc hội, bảo tàng mở cửa vào ngày thứ hai hàng tuần.

Phí vào thăm bảo tàng là 10 rupee, riêng sinh viên không bị tính bất kỳ khoản phí nào. Bảo tàng chỉ cách Ga Tàu điện ngầm 5 phút đi bộ và nằm ngay đối diện với Rakab Ganj Gurudwara - một địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố.

Quốc Đạt