Bảo tàng Nghị viện một số nước trên thế giới

Tại sao Quốc hội cần “người bảo vệ” di sản của mình?

- Thứ Bảy, 29/04/2023, 10:53 - Chia sẻ

LTS: Văn phòng Quốc hội vừa có chủ trương sẽ nâng cấp Phòng Truyền thống Quốc hội thành Bảo tàng Quốc hội. Việt Nam đang hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và 80 năm Quốc hội Việt Nam. Việc xây dựng Bảo tàng Quốc hội Việt Nam sẽ càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi được khánh thành vào dịp kỷ niệm các sự kiện quan trọng này. 

Nhân dịp này, Báo ĐBND xin giới thiệu cùng bạn đọc về các ý tưởng và cách xây dựng bảo tàng của cơ quan lập pháp ở một số quốc gia trên thế giới.

Triển lãm sắp đặt có tiêu đề 20 năm Lịch sử Chính trị được đặt ở lối vào của bảo tàng Hungary
Triển lãm sắp đặt có tiêu đề 20 năm Lịch sử Chính trị được đặt ở lối vào của Bảo tàng Hungary

Bảo tàng có thể được coi như “người bảo vệ” các di sản, hiện vật có ý nghĩa quan trọng trong một lĩnh vực nào đó như nghệ thuật, lịch sử, khoa học công nghệ… Bảo tàng nghị viện các nước trên thế giới có sứ mệnh gì, được xây dựng vào thời điểm nào, với mục đích gì và có trải qua những thăng trầm hay không?

Sứ mệnh bảo vệ di sản

Khi nói đến bảo tàng, người ta thường chỉ nghĩ tới đây là nơi lưu giữ các hiện vật để khách đến thăm quan chiêm ngưỡng và tìm hiểu. Trên thực tế, bảo tàng là một tổ chức sống động, có bề dày lịch sử, có sứ mệnh riêng. Đa số các bảo tàng nghị viện trên thế giới được xây dựng với sứ mệnh là nơi giáo dục về lịch sử chính trị quốc gia, lịch sử thể chế nghị viện quốc gia và góp phần giáo dục, khơi gợi tinh thần yêu nước của công dân.

Xây dựng, giữ gìn truyền thống

Mục đích của việc xây dựng bảo tàng nghị viện là góp phần xây dựng truyền thống của nghị viện thông qua việc nêu lên mối quan hệ giữa quá khứ và hiện tại, chỉ ra tính chính danh của các hoạt động của nghị viện, quá trình phát triển của nghị viện và rộng hơn là quá trình phát triển của nền chính trị quốc gia. Như trường hợp của Bảo tàng Nghị viện Nhật Bản, với bề dày hơn 50 năm hoạt động, bảo tàng này được xây dựng nhằm tôn vinh nền dân chủ và “cha đẻ” của hiến pháp Nhật Bản - ông Yukio Ozaki, đồng thời cung cấp cho công chúng hiểu biết về lịch sử Nghị viện và Hiến pháp Nhật Bản.

Tuy ở mỗi nước, các bảo tàng nghị viện có những điểm khác nhau về chức năng, nhiệm vụ nhưng nhìn chung đều là sưu tập, gìn giữ, bảo tồn và diễn giải một cách khoa học về lịch sử nghị viện thông qua các tư liệu, hiện vật được trưng bày để công chúng thăm quan, tìm hiểu. Bảo tàng về nền dân chủ Australia (được đặt trong khuôn viên Nhà Quốc hội cũ, nằm đối diện với Nhà Quốc hội hiện nay) xác định nhiệm vụ là giúp người dân Australia hiểu về tầm quan trọng của Quốc hội Australia trong đời sống; gìn giữ, trưng bày, giải thích về các hiện vật và gìn giữ, bảo trì tòa nhà và thực hiện các chương trình thông tin cho công chúng.

Từ thăng trầm lịch sử…

Trên thực tế, giống như bất cứ tổ chức nào, các bảo tàng nghị viện cũng có những thăng trầm theo từng thời kỳ. Bảo tàng Quốc hội Hungary được thành lập năm 1923 và giải thể vào năm 1949. Sau khi giải thể, các hiện vật được gửi lại cho Bảo tàng quốc gia hoặc gửi lại cho các bảo tàng trước đó đã tặng hiện vật. Năm 2014, Quốc hội Hungary thành lập lại Bảo tàng trên cơ sở Bảo tàng Quốc hội trước đây với tầm nhìn hướng tới tương lai trước những thay đổi nhanh chóng của thế kỷ 21. Tại một số nước, bảo tàng nghị viện có trụ sở riêng, thường là gần tòa nhà nghị viện (như Nhật Bản), song đa số các nước, bảo tàng được bố trí trụ sở là một phần không gian trong tòa nhà nghị viện. Từ khi thành lập năm 1974 đến nay, Bảo tàng Quốc hội Thái Lan đã nhiều lần thay đổi địa điểm khu trưng bày tại những không gian trong Nhà Quốc hội. Quốc hội Ba Lan (Sejm) cũng đã quyết định thành lập Bảo tàng từ lâu nhưng địa điểm của Bảo tàng thì đến nay vẫn chưa được quyết định.

…Đến hướng đi tương lai

Bảo tàng nghị viện các nước hiện nay đều phát triển theo hướng hiện đại thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số cho việc trưng bày, giới thiệu các nội dung về lịch sử chính trị, hoạt động của nghị viện. Bảo tàng Quốc hội Hungary chẳng hạn, tháng 2.2023 vừa cho khánh thành Kho thư viện ảnh trực tuyến để bất cứ ai cũng có thể nhanh chóng truy cập. Lãnh đạo Quốc hội Ba Lan cũng đã cho thành lập một bộ phận có tên là Vụ Nội dung bảo tàng (hiện là một đơn vị thuộc Thư viện Quốc hội). Một trong những nhiệm vụ của Vụ là cập nhật thông tin, hình ảnh các hiện vật về Quốc hội Ba Lan trên nền tảng Google Arts&Culture - một cách tiếp cận rất cởi mở và hiện đại về nhiệm vụ của Bảo tàng Quốc hội. Hướng tiếp cận của Nghị viện châu Âu (EP) cũng rất độc đáo, trung tâm đón khách tham quan của EP (Parlamentarium) tại Brussels bao gồm các khu vực trưng bày mang tính tương tác với 3 giai đoạn về EP bao gồm: quá khứ, hiện tại và tương lai. Phần trưng bày chủ đề tương lai được thiết kế nhằm giúp khách thăm quan tự xác định cho riêng họ hình ảnh về một Nghị viện châu Âu tương lai gắn kết trong đa dạng.

Khánh thành bảo tàng gắn với thời điểm trọng đại

Đa số các bảo tàng nghị viện trên thế giới đều được khánh thành nhân kỷ niệm những sự kiện lớn, có ý nghĩa quan trọng của nghị viện hoặc của quốc gia. Bảo tàng Nghị viện Nhật Bản được thành lập năm 1970 nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Nghị viện (Bảo tàng mở cửa đón công chúng vào năm 1972). Bảo tàng Nghị viện Ấn Độ được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày giành độc lập.

Vũ Đài Phương