Xu hướng tất yếu
Trong tham luận với chủ đề "Cơ hội từ trí tuệ nhân tạo", ông Marc Woo - Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, thế giới đang ở giao lộ của sự thay đổi và tương lai của Việt Nam rất hứa hẹn khi chúng ta có khả năng nắm bắt rất tốt các cơ hội từ sự thay đổi đó. Generative AI (GenAI - Trí tuệ nhân tạo tạo sinh) mang lại nhiều cơ hội chuyển đổi số và Việt Nam nắm bắt rất tốt điều này. Ông Marc Woo cũng đưa ra nhiều minh chứng cho thấy GenAI giúp con người dễ dàng khám phá sản phẩm, giúp trải nghiệm này thoải mái hơn thông qua các đề xuất cụ thể. AI tác động đến sự hiện đại hóa các quy trình vận hành doanh nghiệp.
Bà Kim Hee Eun, Giám đốc phụ trách Chính sách Cạnh tranh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết, năm 2023, thị trường AI toàn cầu đạt 196 tỷ USD, tăng trưởng hàng năm 37,3%. Dự báo tăng trưởng của AI giai đoạn 2023 - 2030 khoảng 20 lần. Với tốc dự báo tăng trưởng theo cấp số nhân, AI đã tác động đến mọi mặt của xã hội. AI đã giúp khai phá đổi mới sự sáng tạo và đẩy mạnh tiềm năng tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực.
Chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng AI với Việt Nam, ông Kim Young Hun, Giám đốc bộ phận mở rộng AI, Cục Xúc tiến công nghệ thông tin Quốc gia Hàn Quốc cho rằng, điều cần làm là phải thu hẹp khoảng cách giữa người dùng và nhà cung cấp dịch vụ AI. Việc giúp mọi người hiểu và biết cách sử dụng AI sẽ giúp loại bỏ rào cản đối với công nghệ này.
Đại diện của RMIT cho biết, RMIT cũng đang thiết kế nhiều thiết bị AI phục vụ cuộc sống. Đơn cử, thiết bị cho người khiếm thị, giúp họ có thể "nhìn thấy" thông qua thiết bị có thể cảm nhận không gian ảo để thực hiện được các kế hoạch hàng ngày như nấu ăn, tìm đồ một cách dễ dàng. Hay thiết bị kết nối giữa máy tính và não để có thể đọc được cảm xúc.
Việt Nam cần tạo công nghệ cho riêng mình
Theo GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata, ứng dụng AI tạo sinh trở thành xu hướng tất yếu. Hiện các doanh nghiệp đã rất mạnh tay đầu tư để phát triển, ứng dụng công nghệ này. Tính riêng năm 2023, tổng số tiền các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào AI tạo sinh lên tới 25,23 tỷ đô la, tăng gần 9 lần so với trước đó một năm. Khi được ứng dụng đúng cách, AI tạo sinh có thể mang đến nhiều lợi ích trong đa lĩnh vực cho cả thế giới và Việt Nam. Ông cho rằng để đón đầu làn sóng AI tạo sinh, Việt Nam cần chú trọng phát triển 3 trụ cột AI, đó là con người, tài nguyên và công cụ, từ đó phát triển các giải pháp do người Việt làm chủ.
Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, Thành viên Tập đoàn FPT cho rằng, Việt Nam có cơ hội bắt kịp AI toàn cầu và tạo ra nền công nghiệp AI mới. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cạnh tranh bằng hai thứ: nhân công giá rẻ và năng suất lao động. Tuy nhiên, trong tương lai, chỉ hai điều đó là không đủ, chúng ta phải cạnh tranh bằng con người, tự động hóa, công nghệ... để tạo ra năng suất cao hơn nữa. Cần có năng lực AI nội tại dành riêng cho Việt Nam.
Theo ông Việt, có 5 điều cần làm, đó là đủ năng lực để tạo ra ứng dụng AI cho người Việt; phải tập hợp được dữ liệu từ chính phủ, người dân Việt Nam để làm chủ dữ liệu của chính mình; hạ tầng công nghệ, xây dựng nền tảng để AI đi vào doanh nghiệp trơn tru hơn; tạo ra nguồn lực dồi dào, thu hút những người nghiên cứu và phát triển công nghệ trên toàn cầu; khơi thông thị trường AI tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp hiểu được giá trị AI đem lại.
Còn theo TS. Lê Anh Văn, Giám đốc Nền tảng VNPT Generative AI, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Việt Nam hiện đứng thứ 59 toàn cầu về chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu, nhưng vẫn có thách thức trong phát triển nguồn nhân lực AI. Ông cho rằng khi có nhân sự AI chất lượng, sẽ có cơ hội hoàn thiện sản phẩm, tạo sản phẩm tốt hơn nữa.
AI đang phát triển vượt bậc và cho thấy tiềm năng ứng dụng rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như giải quyết các thách thức xã hội. Mở khóa sức mạnh AI sẽ tạo ra giá trị mới và thay đổi cách chúng ta sống, làm việc. Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 đã xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng hành lang pháp lý cho nghiên cứu và ứng dụng AI. Song, để phát triển hệ sinh thái AI, rất cần có sự phối hợp của các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm AI phát triển một cách bền vững, hài hòa, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng, tạo ra giá trị xã hội, không gây hại đến cộng đồng và môi trường.