Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 43/2015/TT-NHNN ngày 31.12.2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Trước đó, ngày 2.2.2023, NHNN đã có văn bản chấp thuận đề nghị của LienVietPostBank (LPB) về việc chuyển nhượng hơn 140,5 triệu cổ phiếu LPB do VNPost sở hữu. Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng cho biết, VNPost sẽ đấu giá số cổ phần này vào ngày 21/4/2023 với giá khởi điểm 22.908 đồng/cp.
Đáng chú ý, NHNN yêu cầu LPB có trách nhiệm phối hợp với VNPost thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần theo đúng quy định pháp luật, xây dựng phương án, lộ trình xử lý hệ thống phòng giao dịch bưu điện sau khi VNPost thực hiện chuyển nhượng cổ phần và có phương án quản lý các đơn vị mạng lưới của LPB (bao gồm hệ thống phòng giao dịch bưu điện), đảm bảo LPB hoạt động an toàn, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật. Văn bản chấp thuận này có giá trị thực hiện trong thời gian 03 tháng kể từ ngày ký.
Theo NHNN, tại thời điểm VNPost góp vốn và trở thành cổ đông của LienVietPostBank (năm 2011), tổng số Bưu cục cung cấp dịch vụ tiết kiệm bưu điện là 798. Sau khi VNPost góp vốn vào LPB, các Bưu cục cung cấp dịch vụ tiết kiệm bưu điện chuyển thành 798 Phòng giao dịch bưu điện của LPB. Tổng số phòng giao dịch bưu điện tại thời điểm 20/6/2022 là 585.
Các phòng giao dịch này thực hiện các dịch vụ ngân hàng hạn chế theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 43. Nhân sự tại phòng giao dịch bưu điện là nhân sự của VNPost, hầu hết không có chuyên môn nghiệp vụ, không được đào tạo chuyên sâu về ngân hàng, có rủi ro đạo đức, thực hiện kiêm nhiệm cả nghiệp vụ bưu điện và nghiệp vụ của ngân hàng. Do đó, LPB gặp khó khăn trong việc kiểm soát nhân sự và phân định trách nhiệm của nhân sự tại các phòng giao dịch bưu điện.
Bên cạnh đó, nhiều phòng giao dịch bưu điện đặt xa trụ sở chi nhánh LienVietPostBank hoặc đặt tại nơi không có chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng dẫn đến khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát hằng ngày đối với hoạt động của PGDBĐ.
Để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn tài sản của người gửi tiền và an toàn hoạt động của LPB, NHNN đề xuất như sau: Kể từ ngày VNPost thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của LienVietPostBank, phòng giao dịch bưu điện không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm.
Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm đã nhận trước đó và đến hạn trả, LienVietPostBank, phòng giao dịch bưu điện phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng và chấm dứt hoạt động của phòng giao dịch bưu điện. Trường hợp không chi trả hết tiền gửi tiết kiệm đến hạn do nguyên nhân khách quan, LienVietPostBank tiếp nhận và xử lý theo quy định pháp luật.
Liên quan đến dự thảo nêu trên, theo VNPost, một số khách hàng khi tiếp cận thông tin về dự thảo văn bản chưa đầy đủ nên có thể gây ra sự hiểu lầm và tỏ ra khá lo lắng. Doanh nghiệp này cho biết các thông tin về dự thảo hiện vẫn đang lấy kiến rộng rãi các đơn vị và người dân.
VNPost khẳng định quyền lợi của khách hàng luôn được ngân hàng và bưu điện ưu tiên hàng đầu và thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật trong mọi trường hợp, bao gồm cả trường hợp VNPost thoái vốn cổ phần tại LienVietPostBank.
Việc sửa đổi Thông tư 43 hiện không ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ tiết kiệm bưu điện tại các phòng giao dịch bưu điện trên toàn quốc. LienVietPostBank và VNPost khẳng định dịch vụ tiết kiệm bưu điện vẫn đang được cung cấp bình thường với năng lực phục vụ và chất lượng dich vụ tốt nhất.