Việc phải làm...

- Thứ Năm, 11/03/2021, 05:28 - Chia sẻ
Từ năm 2011, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015, trong đó nội dung quan trọng là kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi ô nhiễm tiếng ồn. Đây là một "vấn nạn" mà dư luận rất bức xúc từ nhiều năm nay.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Hội nghị triển khai về đề xuất xử lý vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn thành phố diễn ra ngày 9.3 vừa qua, hiện có 4 nhóm tiếng ồn là từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như quán bar, vũ trường; từ quán vỉa hè mở nhạc công suất lớn; từ hộ gia đình và từ các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát thanh quảng cáo. Năm 2019 và 2020, có 17/22 quận, huyện xử phạt 141 trường hợp vi phạm hành chính về tiếng ồn, trong đó chỉ có 20/141 trường hợp vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt tại khu dân cư.

Nếu nhìn vào những con số này thì "có vẻ" tình trạng ô nhiễm tiếng ồn ở thành phố đã có bước cải thiện đáng kể. Vậy nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Bằng chứng là thành phố đã phải tổ chức hội nghị triển khai đề xuất xử lý vi phạm về tiếng ồn. Thực tế, ô nhiễm tiếng ồn đã trở thành vấn đề lớn không chỉ ở các đô thị mà cả ở nông thôn. Về lý thuyết, nếu vi phạm có thể áp dụng 4 nghị định của Chính phủ để xử lý.

Cụ thể là Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vậy nhưng việc thực hiện không phải dễ. Lý do như đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường nêu ra là để xử phạt thì phải có kết quả đo đạc của đơn vị có chức năng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận. Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm là Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND thành phố; Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND cấp huyện; lực lượng công an, trong khi nơi "sát sườn" với những vi phạm là xã, phường, thị trấn lại chưa có thẩm quyền.

Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như mức xử phạt chưa đủ sức răn đe; nguồn gây ồn không cố định, dễ di chuyển, dễ điều chỉnh... nhưng pháp luật chưa quy định cụ thể trong xử lý; do quy chuẩn mức giới hạn tiếng ồn hiện nay không quy định đo độ ồn "nền" để làm căn cứ xác định mức độ ồn nên việc xử phạt của cơ quan chức năng chưa được thuyết phục...

Những khó khăn này là có thật, nhưng còn những lý do quan trọng hơn. Đó là các cơ quan chức năng chưa hiểu hết cách xử lý, đặc biệt, nhiều cơ quan còn cho đây là chuyện thường ngày, xem như không phải việc của mình - Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan nêu rõ. Bởi vậy, theo ông Hoan, ngoài tuyên truyền, việc xử lý hành vi vi phạm phải thực hiện đồng bộ từ thành phố xuống cơ sở và có sự phối hợp giữa các cơ quan, đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm người đứng đầu.

Để giải quyết "vấn nạn" này theo ông Hoan phải áp dụng giải pháp khác. Không thể cứ loay hoay rằng không có công cụ để đo, không có người thực hiện nhiệm vụ và thời điểm không phù hợp để buông không quản lý vấn đề tiếng ồn là không đúng. Một hành vi vi phạm có thể vận dụng nhiều nghị định, có thể xử lý được nên phải có sự phối hợp, chia sẻ trách nhiệm, xem đó là việc phải làm vì sự bình yên của người dân.

Linh Trang