Xây dựng nền dân chủ, sẵn sàng kháng chiến toàn quốc
Trên cương vị mới, vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cùng các thành viên trong Ban Thường trực Quốc hội nhanh chóng bắt tay vào củng cố nhà nước, xây dựng nền dân chủ, thống nhất dân tộc, sẵn sàng kháng chiến toàn quốc.
Sáng 6.3.1946, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố tham dự cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ chủ trì. Sau khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo, Hội đồng bàn bạc và nhất trí quyết định sẽ ký Hiệp định sơ bộ với Pháp theo các điều kiện đã được thỏa thuận. Đây là một quyết sách lớn, vì vậy tất cả các vị có mặt đã cùng ký vào một biên bản đặc biệt và Chính phủ sẽ yêu cầu các vị vắng mặt ký sau. Tờ biên bản đặc biệt đó trở thành Nghị quyết do toàn thể Hội đồng, Ủy ban kháng chiến và Ban Thường trực Quốc hội do cụ Nguyễn Văn Tố đứng đầu cộng đồng phụ trách trước quốc dân.
Ký Hiệp định sơ bộ ngày 6.3.1946 là bước “hòa để tiến”, có ý nghĩa rất lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh đặc thù lúc đó. Đây là hiệp ước tạo nền tảng vững chắc để bảo vệ nền độc lập dân tộc trong giai đoạn đầu của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
![]() Chính phủ VNDCCH năm 1946 (hàng đầu, từ trái sang phải): Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Huỳnh Thúc Kháng |
Ảnh: Tư liệu |
Sau khi Hiệp định được ký kết, Ban Thường trực Quốc hội hiệu triệu quốc dân đồng bào phải chuẩn bị mọi mặt, đoàn kết, bình tĩnh, tránh khiêu khích và tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ. Tiếp đó, Quốc hội và Chính phủ đã xúc tiến thêm các hoạt động thúc đẩy mối quan hệ với Trung Hoa và Pháp.
Ngày 16.4.1946, thể theo đề nghị của Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội đã cử một phái đoàn của Quốc hội gồm 10 đại biểu do Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu(1) sang thăm Pháp từ 25.4 đến 16.5.1946. Phái đoàn có nhiệm vụ gây tình giao hảo để dọn đường cho cuộc đàm phán chính thức giữa hai Chính phủ Việt - Pháp. Trong những ngày ở bên Pháp, phái đoàn đã hoạt động hết sức trong hầu hết các chính giới để làm cho một số đông chính khách Pháp, nhất là dân chúng Pháp thiện cảm hơn với ta và hiểu rõ chính nghĩa của cuộc tranh thủ độc lập. Phái đoàn đã thu được kết quả khả quan. Dân chúng Pháp đều ước mong cho hai dân tộc Việt-Pháp chóng đi tới thỏa thuận.
Trong thời gian này, ở trong nước, nhất là ở Nam Bộ và Nam Trung bộ, thực dân Pháp vẫn thường xuyên có những thái độ khiêu khích phản bội hiệp định sơ bộ 6.3.
Ban Thường trực Quốc hội dưới sự chỉ đạo của cụ Nguyễn Văn Tố luôn góp sức cùng Chính phủ giải quyết những khó khăn của đất nước. Ban Thường trực Quốc hội đã phản kháng mạnh mẽ và tố cáo những hành vi trái tín nghĩa của Pháp trước dư luận thế giới và hô hào quốc dân đồng bào đoàn kết chặt chẽ để sẵn sàng đối phó.
Sau chuyến công tác của phái đoàn Quốc hội sang Pháp, tới cuộc đàm phán Việt - Pháp ở Fontainebleau, kết quả là Tạm ước 14.9.1946 đã ra đời.
Chú trọng quyền lợi của quốc gia và nhân dân
Hoạt động của QH Khóa I trong thời gian cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban đã để lại dấu ấn lớn trong lòng dân tộc và nhân dân cả nước, đã đưa ra được những quyết sách lớn vì dân, vì nước. Đặc biệt, đã thông qua được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà - bản Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông. Bản Hiến pháp đã góp phần tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do, phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp(5). |
Về đối nội, Ban Thường trực Quốc hội dưới sự chỉ đạo của cụ Nguyễn Văn Tố luôn chú trọng đến quyền lợi của quốc gia và nhân dân cùng Chính phủ trong việc thi hành những phương sách thích hợp để giữ gìn đời sống của nhân dân, tham gia vào công cuộc kiến thiết.
Theo Nghị quyết của Quốc hội về quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Thường trực, Chính phủ chỉ phải hỏi ý kiến Ban Thường trực Quốc hội khi nào muốn tuyên chiến hay đình chiến. Tuy nhiên, sau khi Hiệp định sơ bộ 6.3, tình thế đã xoay chuyển, vì vậy, Ban Thường trực Quốc hội đã tham gia vào công cuộc kiến thiết.
Theo Báo cáo về hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội do cụ Nguyễn Văn Tố trình bày tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa I, Chính phủ đã gửi sang để Ban Thường trực Quốc hội xét 98 dự án sắc lệnh. Những sắc lệnh này đều có tính cách các đạo luật. Những đề nghị sửa đổi của Ban Thường trực Quốc hội đã được Chính phủ nhiều phần thực hiện.
Nội dung các sắc lệnh tập trung vào một số vấn đề về pháp chính (có nhiều dự án sắc lệnh đáng chú ý, như sắc lệnh về việc hội họp, việc ấn loát…), về kinh tế (Ban Thường trực Quốc hội đã can thiệp để sự chuyên chở thóc gạo được dễ dàng), về tài chính (Ban Thường trực Quốc hội đã xét các ngân sách toàn quốc và ngân sách các kỳ), về xã hội (đáng chú ý nhất là dự án sắc lệnh về lao động và giáo dục).
Ngoài ra, Ban Thường trực Quốc hội còn nhận được nhiều đề nghị cải tạo đời sống hương thôn. Các đề nghị ấy đều được xem xét kỹ lưỡng và chuyển giao cho các cơ quan của Chính phủ.
Đối với toàn thể quốc dân, dưới sự chỉ đạo của cụ Nguyễn Văn Tố, Ban Thường trực Quốc hội đã chủ trương thống nhất quốc gia và đoàn kết các tầng lớp nhân dân.
Ngày 3.5.1946, Ban Thường trực Quốc hội đã cử Linh mục Phạm Bá Trực cùng đi với phái đoàn Chính phủ vào Trung bộ để giải thích cho đồng bào rõ chính sách quốc gia liên hiệp của Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 14.8.1946, một phái đoàn Quốc hội gồm hai ông Nguyễn Trí và Dương Văn Du được cử vào Nam Trung bộ úy lạo các chiến sĩ. Mặt trận thống nhất dân tộc ngày càng được củng cố.
Thông qua bản Hiến pháp đầu tiên
Sau hơn 8 tháng kể từ Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội, để tiếp tục phát triển thành quả của cách mạng và đối phó với những âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù, theo yêu cầu của Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội đã triệu tập Quốc hội họp kỳ thứ hai tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 28.10 đến 9.11.1946. Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố đọc diễn văn khai mạc khẳng định những kết quả đạt được của Chính phủ và Quốc hội trong 8 tháng đã qua và nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của quốc dân đồng bào lúc này là ra công xây dựng nước nhà để thực hiện nền độc lập cho Tổ quốc”, rằng “nước ta với sự đồng tâm nhất trí của toàn thể đồng bào, sẽ giành được độc lập và đi tới vinh quang và hạnh phúc”. “Với sự hy sinh của đồng bào Nam Bộ, với sự quyết tâm của toàn thể quốc dân Việt Nam, nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, Trung, Nam, Bắc một khối như xưa”(2).
Các ĐBQH đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, nội trị… Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố và các bộ trưởng đã trả lời các câu hỏi của đại biểu. Chẳng hạn, câu hỏi của đại biểu Lê Trọng Nghĩa chất vấn Ban Thường trực Quốc hội tại sao lại đem vấn đề thay đổi cờ ra thảo luận trong khi ở Kỳ họp thứ Nhất đã quyết định tạm giữ lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ cho đến khi có quyết định của Quốc hội Kỳ họp thứ Hai? Trả lời câu hỏi này, cụ Nguyễn Văn Tố cho biết, do Chính phủ sau đó có đề nghị với Ban Thường trực Quốc hội thay đổi một vài chi tiết trong lá cờ, như thêm một vành xanh ngoài ngôi sao vàng, vì vậy, QH phải thảo luận. Và kết quả là giữ nguyên lá cờ đỏ sao vàng. Ban Thường trực Quốc hội báo cáo lại việc đó chứ không phải đặt vấn đề thay đổi cờ mà là để tỏ ra rằng Thường trực đã làm tròn nhiệm vụ Quốc hội khóa họp thứ nhất giao(3).
Dưới thời Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố, QH đã thảo luận và thông qua nhiều Nghị quyết về nội trị, ngoại giao, về việc thành lập Chính phủ mới, về quyền quan thuế, việc phát hành giấy bạc Việt Nam…
Về nội trị, Quốc hội tán thành chính sách đại đoàn kết của Chính phủ; đề phòng mưu mô chia rẽ để bảo đảm an ninh của quốc dân và tiến hành công cuộc kiến thiết quốc gia.
Về chính sách ngoại giao của nước ta với Pháp, phải căn cứ trên chủ quyền của Việt Nam với lực lượng quốc dân làm hậu thuẫn, phải cương quyết để bảo toàn lãnh thổ Việt Nam.
Về việc thành lập Chính phủ mới, Quốc hội quyết nghị tán thành chính sách chung của Chính phủ: nhận sự từ chức của Chính phủ và ủy nhiệm cho Hồ Chí Minh đứng ra lập Chính phủ theo nguyên tắc đoàn kết và tập hợp nhân tài không phân biệt đảng phái.
Ngày 3.11.1946, Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ra trình diện trước Quốc hội. Chính phủ mới gồm 12 bộ và thành viên. Cụ Nguyễn Văn Tố giữ chức Bộ trưởng không bộ. Đây là một Chính phủ tỏ rõ “Tinh thần Quốc hội liên hiệp”, “chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới”(4).
Tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa I, trên cương vị là Trưởng ban Thường trực QH, cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng các đại biểu biểu quyết tán thành danh sách Chính phủ mới, thảo luận và thông qua dự án Luật Lao động. Đặc biệt ngày 9.11.1946, QH đã biểu quyết thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một bản Hiến pháp dân chủ, phản ánh rõ thắng lợi của cách mạng Việt Nam, khẳng định quyền dân tộc độc lập, thống nhất lãnh thổ và quyết tâm bảo vệ đất nước của toàn dân, xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa, một chế độ bảo đảm quyền dân chủ tự do của mọi công dân, không phân biệt nam nữ, đặc biệt ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng ngày, QH đã bầu Ban Thường trực QH gồm 18 vị do cụ Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban. Và, ngày 9.11.1946 cũng là ngày đánh dấu mốc cụ Nguyễn Văn Tố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trên cương vị Trưởng ban Thường trực QH.
Trên cương vị Chủ tịch QH đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tuy thời gian chỉ hơn 8 tháng (2.3.1946 - 9.11.1946), cụ Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp to lớn với dân tộc và cách mạng Việt Nam. Cụ Nguyễn Văn Tố đã góp phần vào việc củng cố chính quyền cách mạng, hoàn thiện đường lối đối nội, đối ngoại, đưa đất nước ta ra khỏi cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
________________
1. Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, Hà Nội 1977, tr.433
2. Diễn văn của Trưởng ban Thường trực QH Nguyễn Văn Tố đọc trong buổi khai mạc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa I, Hồ sơ số 1, Kỳ họp thứ Hai, Văn phòng Quốc hội
3. Biên bản Hội đồng Chính phủ năm 1946, Hồ sơ số AI/Q002b-H00I,LTPTT
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.481
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđ d, t.4, tr.491