(tiếp theo và hết)
Ở nước ta gần đây đã có nhà nghiên cứu cho rằng: “Trung tâm của quyền lực tư pháp chính là các tòa án giữ quyền xét xử mọi tranh chấp trong xã hội nhằm duy trì công lý. Với quyền lực ấy trong hoạt động xét xử, Tòa án thường nhân danh công lý hoặc nhân danh quyền lực nhân dân, nhân danh nước cộng hòa để tuyên các bản án” (9). Chúng tôi tán thành ý kiến này nhưng cần khẳng định rõ rằng Tòa án là cơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư pháp – một trong ba nhánh của quyền lực nhà nước thống nhất mà Đảng và Nhà nước ta đã xác định. Theo cách suy nghĩ và lập luận trên đây, chúng tôi phân tích thực trạng và đề xuất một số ý kiến về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án.
Nghiên cứu quá trình hình thành, củng cố và phát triển của bộ máy nhà nước ta hơn 65 năm qua cho thấy, vị trí, vai trò của Tòa án ngày càng được khẳng định và đề cao sau mỗi cuộc cải cách tư pháp.
Cuộc cải cách tư pháp đầu tiên được thực hiện theo Sắc lệnh số 85 - SL ngày 22.5.1950 đã sắp xếp lại hệ thống tòa án gọn nhẹ, thống nhất, thể hiện rõ tính nhân dân của cơ quan này. Dù vừa làm công tác xét xử, vừa làm nhiệm vụ công tố, Tòa án thời kỳ này đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình là một cơ quan thực hiện quyền lực tư pháp trong bộ máy nhà nước kiểu mới.
Một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của Tòa án ở nước ta được mở ra khi Hiến pháp năm 1959 được thông qua và tiếp theo đó là Luật Tổ chức TAND năm 1960 và Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của TANDTC và tổ chức của các TAND địa phương năm 1961. Những văn bản pháp luật trên đây đã quy định những nội dung cơ bản về tổ chức và hoạt động của TAND, đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển Tòa án các cấp vào những năm sau này.
Trong vòng 50 năm sau, kể từ khi có Hiến pháp năm 1959, Nhà nước ta đã ban hành hai Hiến pháp và nhiều văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án, trong đó phải kể đến các văn bản hiện hành là Hiến pháp năm 1992, Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 và những bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự với nhiều quy định về hoạt động xét xử của Tòa án.
Hiến pháp năm 1992 và những văn bản pháp luật hiện hành đã có những quy định sửa đổi liên quan đến tổ chức và hoạt động xét xử của Tòa án theo hướng tích cực và tiến bộ sau đây:
Bỏ quyền xét xử sơ thẩm đồng thời là chung thẩm của TANDTC nên cũng không còn Hội thẩm nhân dân của TANDTC;
Bỏ việc xét xử giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán TANDTC nên cũng không còn Ủy ban thẩm phán TANDTC;
Quy định rõ cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán TANDTC nên cũng không còn chức danh Thẩm phán dự khuyết TANDTC;
Quy định chung thống nhất nhiệm kỳ của Chánh án, Phó chánh án, Thẩm phán TAND các cấp là 5 năm;
Thay quy định UBTVQH bổ nhiệm và bãi nhiệm Phó chánh án, Thẩm phán TANDTC bằng quy định Chủ tịch Nước có quyền bổ nhiệm, bãi nhiệm những người giữ các chức vụ này (để bài viết tránh được việc liệt kê quá cụ thể, chúng tôi không dẫn chứng điều khoản của các văn bản sửa đổi và điều khoản của văn bản bị sửa đổi).
Những sửa đổi theo hướng tích cực và tiến bộ trên đây đã góp phần đáng kể vào việc làm gọn nhẹ tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xét xử của Tòa án trong những năm qua. Tuy nhiên, chúng ta chưa thể hài lòng về chất lượng và hiệu quả hoạt động xét xử của Tòa án. Chỉ riêng công tác xem xét, giải quyết đơn (vụ) đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của TANDTC trong 5 năm từ năm 2003 đến năm 2007 đã phần nào chứng minh sự lo ngại đó là có cơ sở, mặc dù số liệu do Viện Khoa học xét xử thuộc TANDTC cung cấp chưa phân tách rõ số đơn (vụ) qua xem xét đã được kháng nghị giám đốc thẩm, kháng nghị tái thẩm, vì căn cứ kháng nghị theo hai thủ tục này rất khác nhau; số đơn (vụ) do TANDTC trực tiếp nhận được với số đơn (vụ) do cơ quan khác hay những tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến TANDTC được xem xét, giải quyết cũng có những lý do, yêu cầu rất khác nhau.
Bảng thống kê số đơn (vụ) đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC đã được và số đơn (vụ) đã được xem xét, giải quyết (10).

Những số liệu trên đây tuy chưa được phân tách một cách khoa học nhưng cũng đã cho thấy hàng năm số bản án quyết định của Tòa án ở nước ta chưa làm cho người dân “tâm phục, khẩu phục” còn khá nhiều, trên dưới 1.000 vụ/ năm; số đơn (vụ) chưa được xem xét, giải quyết kịp thời (hay còn gọi là đơn (vụ) tồn đọng) không phải là ít, có năm lên đến gần 4.000 đơn (vụ), đặc biệt là số đơn (vụ) đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được chấp nhận có năm lên tới gần 500 vụ, việc. Đây là những tồn tại cần nhanh chóng khắc phục trong hoạt động xét xử của Tòa án để góp phần đạt được mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra trong Nghị quyết số 49 – NQ/TW là: “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao”.
Tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, tồn tại trong hoạt động xét xử của Tòa án không thể không nói về đội ngũ thẩm phán vừa yếu về chất lượng vừa thiếu về số lượng. Một tình trạng rất đáng lo ngại là: “đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp còn thiếu, trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị của một bộ phận cán bộ còn yếu, thậm chí có một số cán bộ sa sút về phẩm chất, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp” (11). Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu khá nhiều vụ, việc vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử và vi phạm đạo đức của một số thẩm phán Tòa án. Tình trạng thiếu Thẩm phán ở Tòa án các cấp và tổ chức hệ thống tòa án chưa hợp lý nên số vụ, việc đẩy lên TANDTC quá nhiều đã được phát hiện từ lâu nhưng chưa được khắc phục.
Bảng thống kê số liệu sau đây cho thấy điều đó (số liệu về đội ngũ thẩm phán Tòa án các cấp tính đến ngày 31.12.2004, số vụ, việc một Thẩm phán phải giải quyết trong một năm tính từ ngày 1.10.2003 đến ngày 30.9.2004) (12).

Tình hình thiếu Thẩm phán TAND các cấp nghiêm trọng đến mức vào cuối năm 2006 khi trả lời chất vấn của nhiều ĐBQH tại Kỳ họp thứ 10, QH Khóa XI (tháng 11.2006), ông Chánh án TANDTC đã báo cáo phải “cố vơ vét, bổ nhiệm cho đủ thẩm phán”. Điều này đã làm cho tất cả các ĐBQH dự phiên họp, những cử tri, Thẩm phán, cán bộ Tòa án các cấp và những phóng viên báo đài theo dõi, đưa tin phiên trả lời chất vấn của ông quá ngỡ ngàng và tỏ thái độ không đồng tình nên ông đã phải xin lỗi và đính chính lại (13).
Để góp phần khắc phục những tồn tại và hạn chế trên đây trong tổ chức, hoạt động xét xử của Tòa án, chúng tôi đề nghị nghiên cứu sửa tiếp những quy định dưới đây khi sửa Hiến pháp năm 1992 và kế đó là sửa Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 cùng với những văn bản pháp luật có liên quan:
Sửa đổi tên gọi của Chương X Hiến pháp năm 1992 thành “Cơ quan tư pháp” như tên gọi của Chương VI Hiến pháp năm 1946. Tiếp theo sửa đổi Điều 127 như sau:
“Điều 127. Cơ quan tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Tòa án nhân dân bao gồm:
Tòa án nhân dân tối cao;
Tòa án phúc thẩm vùng;
Tòa án phúc thẩm và sơ thẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Tòa án sơ thẩm khu vực.
Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Những nội dung đề nghị sửa đổi này nhằm khẳng định rõ sự phân công các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, không thừa nhận khái niệm các cơ quan tư pháp chung chung; khẳng định chỉ Tòa án mới là cơ quan thực hiện quyền lực tư pháp ở nước ta. Đồng thời cũng là để tổ chức Tòa án theo đúng nguyên tắc hai cấp xét xử vì không có 3 Tòa phúc thẩm của TANDTC như hiện nay, không giao thẩm quyền xét xử sơ thẩm là chính cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mặt khác, thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực, Tòa án phúc thẩm vùng là để tránh lãng phí về mọi mặt khi tổ chức TAND theo đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và để xác định đúng vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của TANDTC không phải là Tòa án cấp thứ 2 (xét xử phúc thẩm) như hiện nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành đề nghị này vì tổ chức Tòa án sơ thẩm khu vực (tức là Tòa án sơ thẩm trên địa bàn một số huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh) và Tòa án phúc thẩm vùng (tức là Tòa án xét xử phúc thẩm các quyết định, bản án sơ thẩm của Tòa án phúc thẩm và sơ thẩm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị kháng cáo, kháng nghị) trên địa bàn một số tỉnh theo vùng, thì sẽ không có HĐND khu vực, HĐND vùng để giám sát hoạt động xét xử, không có tổ chức Đảng cấp khu vực, cấp vùng để lãnh đạo, sẽ gây khó khăn cho những người có liên quan đến hoạt động xét xử của Tòa án vì phải đi lại xa xôi (14). Theo chúng tôi, những lý lẽ nêu ra trên đây không thuyết phục vì có thể giải quyết bằng cách tăng cường hoạt động của Thẩm phán xuống cơ sở, sát dân, gần dân hơn và Tòa án sơ thẩm khu vực phải tổ chức các phiên tòa ở các địa phương tạo thuận lợi cho dân hơn, không nhất thiết mọi phiên tòa xét xử đều phải tổ chức tại trụ sở của Tòa án sơ thẩm khu vực. Còn việc giám sát hoạt động và lãnh đạo về đường lối xét xử của Tòa án sơ thẩm khu vực, Tòa án phúc thẩm vùng thì trụ sở của Tòa án đặt trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào sẽ giao cho HĐND và cấp ủy tỉnh, thành phối trực thuộc Trung ương đó giám sát, lãnh đạo về đường lối. Hơn nữa, Nhà nước ta đang thực hiện thí điểm và có xu hướng là không tổ chức HĐND ở huyện, quận thì cũng đã có hướng tổ chức lại bộ máy nhà nước ở nước ta, không giữ nguyên mô hình như hiện nay nữa.
Liên quan đến nội dung đề nghị sửa đổi trên đây, chúng tôi đề nghị sửa đoạn cuối Điều 135, Hiến pháp 1992 như sau:
“Chánh án Tòa án sơ thẩm khu vực, Chánh án Tòa án phúc thẩm vùng chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà trụ sở các tòa án này đặt trên địa bàn của tỉnh, thành phố đó”.
Sửa Điều 129 và Điều 131 có nội dung liên quan chặt chẽ với nhau về thành phần Hội đồng xét xử và xét xử tập thể như sau:
“Điều 129
Thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có một Hội thẩm nhân dân, của Hội đồng xét xử sơ thẩm của Tòa án quân sự có một Hội thẩm quân nhân tham gia, trừ trường hợp do Luật quy định”.
“Điều 131
Hội đồng xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp do Luật quy định”.
Chúng tôi đề nghị sửa như vậy với những lý lẽ sau đây:
a. Để phân biệt rõ Tòa án là cơ quan thực hiện quyền lực tư pháp có vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ cụ thể trong hệ thống bộ máy nhà nước với Hội động xét xử của Tòa án chỉ là một tập thể gồm Thẩm phán và Hội thẩm được thành lập để xét xử sơ thẩm một vụ án cụ thể, sau đó thì tự giải thể (nếu để xét xử giám đốc thẩm hay tái thẩm thì Hội đồng xét xử không có Hội thẩm). Chúng tôi cũng tán thành ý kiến đề nghị là có một số trường hợp do luật quy định chỉ có một Thẩm phán xét xử sơ thẩm. Vậy Hội đồng xét xử hay một Thẩm phán xét xử không đồng nhất với tên gọi là Tòa án như đang sử dụng trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành.
b. Phải quy định ngay trong Hiến pháp là Hội đồng xét xử sơ thẩm chỉ có một Hội thẩm tham gia để làm cơ sở cho việc sửa Điều 185 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2004 và Điều 52 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 đều quy định là Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm. Tiếp theo đó trong cả hai điều trên đây chúng tôi đều đề nghị có cụm từ “do luật quy định” là để khoảng trống cho luật tố tụng quy định một số trường hợp cụ thể chỉ có một Thẩm phán xét xử theo thủ tục rút gọn đã được nhiều nhà nghiên cứu và hoạt động thực tế đề xuất mà chúng tôi cũng đồng tình. Việc quy định ngay trong Hiến pháp là một Hội thẩm tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm vừa bảo đảm nguyên tắc xét xử tập thể, khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán, đồng thời cũng khắc phục được khiếm khuyết là trong Hội đồng xét xử sơ thẩm số Hội thẩm nhiều hơn số Thẩm phán, trong khi đó thì Thẩm phán là người đã nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, có trình độ chuyên môn sâu hơn Hội thẩm nhưng khi biểu quyết thì lại có thể rơi vào thiểu số, do đó không bảo đảm chất lượng hoạt động xét xử.
Trong trường hợp những đề nghị sửa đổi trên đây của chúng tôi được chấp nhận thì phải nghiên cứu sửa nhiều quy định trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành để bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động xét xử của Tòa án. Chẳng hạn như những quy định về tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn và thẩm quyền bổ nhiệm Thẩm phán, quyền của Hội đồng xét xử sơ thẩm trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, hay điều tra truy tố lại theo thủ tục chung, quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại... Những quy định này dễ bị lợi dụng để trốn tránh trách nhiệm và gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo do vụ việc phải quay qua nhiều vòng tố tụng, kéo dài trong nhiều năm, cá biệt có trường hợp bị can đã qua đời mà chưa bị kết tội hoặc được minh oan.
Một nội dung lớn và rất quan trọng, cấp thiết cần phải quy định trong Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi lần này tuy chỉ liên quan trong một mức độ nhất định đến bài viết của chúng tôi, là thành lập cơ quan bảo hiến. Đây là cơ quan chuyên trách có chức năng bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự là của nhân dân, kiểm soát việc chấp hành Hiến pháp của các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp ngoài việc kiểm soát lẫn nhau của các cơ quan này.
Chúng tôi đề nghị trong những nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 lần này cần có những quy định về cơ quan bảo hiến để tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành luật về cơ quan bảo hiến và cũng là đáp ứng một yêu cầu quan trọng của việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta. Đây là một chủ trương lớn đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội lần thứ X, cụ thể là: “Xây dựng cơ chế giám sát về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”(15) và “xây dựng và hoàn thiện thể chế giám sát, kiểm tra tính hợp hiến và hợp pháp trong hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền” (16).
Trên đây là những đề nghị của chúng tôi về cơ quan tư pháp khi sửa Hiến pháp năm 1992 lần này để góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
____________
9. Tổ chức quyền lực tư pháp bảo đảm công lý cho người dân. Một góc nhìn sửa đổi Hiến pháp Việt Nam. Pgs.Ts Phạm Duy Nghĩa. Kỷ yếu Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực luật Hiến pháp do Hội Luật gia tổ chức tại Huế, tháng 8.2011, trang 2.
10. Xem bài “Việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động xét xử và việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của QH” – Tác giả: Ts Nguyễn Văn Cường, CN. Ngô Văn Nhạc – Viện Khoa học xét xử thuộc TANDTC. Kỷ yếu Hội thảo “Hoạt động giám sát của Ủy ban Tư pháp của QH, Ban Pháp chế HĐND cấp tỉnh đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp do Ủy ban Tư pháp của QH Khóa XII tổ chức tại Hà Tĩnh, ngày 8 – 10.9.2008”.
11. Nghị quyết số 49 – NQ/TW, trang 1.
12. Nguồn: Phụ lục Đề án Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn từ năm 2006 đến 2020. Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Tháng 2.2005.
13. Xem các báo Lao động, Tiền phong, Người Đại biểu nhân dân, Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh số ra ngày 28.11.2006.
14. Xem: Một số ý kiến về sửa đổi Hiến pháp 1992 liên quan tới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Ts. Phạm Hồng Hải. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 9, tháng 10.2001.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. Hà Nội – 2006, trang 127.
16. Sách đã dẫn, trang 45.