Chủ trương đúng, thực hiện chưa đủ?
Cụ Đào Ngọc Quý là người bán nước chè từ ngày đầu có chợ cho biết: Chợ Thổ Quan là chợ dân sinh truyền thống, được thành lập từ năm 2000, có tổng diện tích 1.222m2, chủ yếu do đất phần trăm của xã viên Hợp tác xã góp, sau đó chia thành 102 ki ốt kinh doanh các mặt hàng phục vụ sinh hoạt thiết yếu hàng ngày.
Năm 2015, các tiểu thương xôn xao về thông tin chợ sắp được đầu tư xây dựng mới tuy không có nhiều thông tin. Đi tìm hiểu thì các tiểu thương được biết, UBND TP Hà Nội mới có Quyết định số 900 ngày 14.2.2015 về việc cho Hợp tác xã đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ quản lý khai thác chợ Đống Đa (Hợp tác xã) thuê khu đất đang là chợ Thổ Quan, phường Thổ Quan, quận Đống Đa để đầu tư xây dựng chợ mới với quy mô 7 tầng nổi, 1 tầng tum, 1 tầng hầm với tổng chiều cao đến mái tum là 29,1 mét, mật độ xây dựng là 60%, diện tích xây dựng là 722,8 mét. Công trình có chức năng dự kiến tầng 1 là chợ cho các tiểu thương, các tầng trên làm trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê.
Phản đối vì thiếu minh bạch
Theo các tiểu thương, việc đầu tư xây dựng chợ là việc cần thiết, các tiểu thương ủng hộ nếu như chủ đầu tư thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi cho tiểu thương. Bà Nguyễn Kim Oanh - một tiểu thương bức xúc: Theo quy định chủ đầu tư phải công khai dự án, họp tiểu thương lấy ý kiến, có phương án bố trí sang chợ tạm, có cam kết phân bổ ki ốt cho tiểu thương sau khi chợ xây dựng xong… Tuy nhiên, Hợp tác xã không làm đúng như vậy, nên chúng tôi chưa đồng ý. Chính vì chưa biết đầy đủ thông tin, chợ tạm mỗi quầy chỉ có 2m2 không thể kinh doanh, tương lai sau khi chợ mới xây dựng xong có được bố trí hay bị đẩy ra ngoài, nên các tiểu thương không chịu bàn giao chợ cũ để sang chợ tạm và liên tục khiếu kiện. Thậm chí, nhiều tiểu thương còn đưa ra phương án xây dựng lại chợ theo phương án xã hội hóa bằng nguồn vốn góp của tất cả các tiểu thương theo như Nghị định 02/2003.
Trong khi đa số các tiểu thương nói chưa được họp, được bàn, thì chủ đầu tư đã xây dựng chợ tạm gần đó buộc các tiểu thương sang chợ tạm, lấy đất khởi công xây dựng, khiến tình hình căng thẳng. Các tiểu thương bức xúc khi mới chỉ có số ít đồng ý sang chợ tạm, đa số tiểu thương không đồng ý vì chưa rõ ràng quyền lợi sau khi chợ mới được xây dựng, thì từ ngày 10.10.2018, Hợp tác xã đã cho đóng 2 cổng chính của chợ, thuê vệ sĩ canh gác. Từ ngày 20.2.2019, Ban quản lý chợ của Hợp tác xã chuyển hết cán bộ, bảo vệ sang chợ tạm hoạt động, chợ cũ không ai quản lý. Từ đây, những hiện tượng như quầy bị cắt mái tôn ban đêm, cho máy ủi để chắn cổng chợ, xích chó cạnh các quầy, “xã hội đen” đe dọa, hàng chục xe thương binh đến chắn cổng, cho quây tôn kín các ki ốt… đã ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, kinh doanh của tiểu thương. Cao điểm ngày 10.4.2019, anh Lê Xuân Sự là tiểu thương đã bị thương phải đi cấp cứu sau khi xô xát với những người tự xưng là “bảo vệ mới của chợ”.
Dù có nhiều sự cản trở, chèn ép, đe dọa… nhưng các tiểu thương vẫn đoàn kết, đấu tranh để bảo đảm quyền lợi của mình sau này được cam kết bằng giấy tờ từ phía Hợp tác xã, hoạt động kinh doanh tại chợ cũ cho đến nay vẫn diễn ra. Ngày 18.7.2019, Hợp tác xã tiếp tục tổ chức cuộc họp đối thoại với các tiểu thương, tuy nhiên sự việc chưa được thống nhất.
Để làm rõ nội dung các tiểu thương bức xúc, phóng viên đã nhiều lần đến UBND phường Thổ Quan, UBND quận Đống Đa liên hệ, đặt lịch làm việc, đề nghị trả lời những thông tin liên quan, nhưng chỉ nhận được sự im lặng. Trao đổi qua điện thoại với ông Phạm Mạnh Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã để đề nghị được gặp làm việc và trả lời những câu hỏi của tiểu thương, nhưng cũng bị từ chối.
Thiết nghĩ, việc đầu tư xây dựng chợ khang trang, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội là chủ trương đúng, cần thiết. Tuy nhiên, các quy trình pháp lý cần được các chủ đầu tư tuân thủ; quyền lợi chính đáng của tiểu thương và người dân trong quá trình triển khai dự án và sau khi đưa vào hoạt động cần được bảo đảm nhằm tạo niềm tin, sự thống nhất, ủng hộ của nhân dân và tiểu thương kinh doanh tại chợ.