Dừng đỗ trái phép trước cổng bệnh viện

Không đá “quả bóng" trách nhiệm

Việc phương tiện giao thông dừng đỗ trái phép trước cổng các bệnh viện không chỉ gây mất trật tự, mỹ quan đô thị, ùn tắc giao thông mà còn ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh. Tình trạng này đang trở thành vấn đề nan giải của Hà Nội. Do vậy, để bảo đảm an toàn cho người dân, cần sớm có các giải pháp để khắc phục, không thể cứ mãi đá "quả bóng" trách nhiệm giữa các bên liên quan.

“Điểm đen” ùn tắc giao thông

Việc trước cổng một số bệnh viện trên địa bàn TP Hà Nội bị quây kín bởi taxi, xe chạy dịch vụ dừng, đỗ, đón trả khách… không phải mới, mà đã tồn tại từ lâu, bất chấp tại đây có nhân viên bệnh viện dùng loa nhắc nhở, cũng như hệ thống biển cấm, camera phạt nguội. Thực trạng này đã và đang là tác nhân trực tiếp gây ùn ứ giao thông, tiềm ẩn nguy cơ va chạm, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng nghiêm trọng tới những người có nhu cầu tới thăm khám, điều trị, nhất là công tác cấp cứu bệnh nhân.

Ùn tắc giao thông trước cổng Bệnh viện Bạch Mai
Ùn tắc giao thông trước cổng Bệnh viện Bạch Mai

Đề án thí điểm Điểm taxi đón trả khách không quá 2 phút được Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội triển khai từ tháng 10.2017, với 6 điểm dừng, đón, trả khách. Tuy nhiên, ngay từ khi thực hiện đến nay, tình trạng xe cá nhân dừng đỗ lấn chiếm điểm dừng của xe taxi liên tục diễn ra. Ngay cả khi được nhân rộng lên 65 điểm như dự kiến trong năm 2020, vẫn khó có thể đáp ứng được nhu cầu trong bối cảnh Thủ đô hiện có hàng chục nghìn xe taxi hoạt động.

Tuyến đường Giải Phóng trước cổng Bệnh viện Bạch Mai từ trước tới nay luôn là điểm “nóng” giao thông. Từ đầu năm đến nay, cảnh sát giao thông đã phối hợp với lực lượng công an phường, thanh tra giao thông xử phạt hàng trăm trường hợp dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, gây lộn xộn trước cổng bệnh viện. Tuy nhiên, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 4, Công an TP Hà Nội Trần Văn Công cho hay, xuất phát từ thực tế nhu cầu của người dân dẫn đến cổng bệnh viện Bạch Mai có lưu lượng ra vào rất lớn, cùng những bất cập về hạ tầng giao thông tĩnh, bệnh viện lại không bố trí được hết chỗ cho các phương tiện vào đón, trả khách nên tình trạng này vẫn diễn ra.

Tại cổng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - một trong những bệnh viện có lưu lượng bệnh nhân lớn nhất ở thủ đô, tình trạng xe ôm, taxi dừng đỗ bừa bãi trước cổng cũng diễn ra từ lâu. Lòng đường đã chật hẹp lại càng hẹp hơn nên xe vận chuyển bệnh nhân dù có còi và bật đèn ưu tiên cũng không thoát khỏi dòng phương tiện trước sự bất lực của nhân viên bảo vệ. Điều này, tạo áp lực rất lớn cho những người lái xe cấp cứu, bởi sự chậm trễ rất có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Hay tại Khu vực cổng Bệnh viện 108, Tổ trưởng tổ xử lý Đội Cảnh sát giao thông số 1, Công an TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, việc có 2 bến xe bus đối diện nhau ngay trên đoạn đường hẹp sát cổng bệnh viện, cũng như chưa bố trí được điểm dùng đỗ cho xe taxi, xe dịch vụ đón trả khách, dẫn tới cảnh sát giao thông luôn phải căng mình để bảo đảm hoạt động đi lại cho người dân.

Theo đại diện các bệnh viện, dù đã tích cực phối hợp với lực lượng công an, thanh tra giao thông để ổn định trật tự giao thông trước cổng viện. Tuy nhiên, do bệnh viện đã hết quỹ đất để cho xe taxi, xe dịch vụ chở người ra vào đón trả khách nên vẫn diễn ra tình trạng ùn ứ giao thông. Thậm chí, một số phương án tổ chức giao thông cho xe cấp cứu, chở người cao tuổi, người khuyết tật ra vào viện cũng có lúc gặp khó khăn trong giờ cao điểm khi lượng xe vượt quá sức chứa tại khu vực mà các bệnh viện sắp xếp.

Khi chính sách thực hiện nửa vời

Việc ùn tắc giao thông khu vực trước cổng bệnh viện đang trở thành vấn đề nan giải của Hà Nội. Dù rằng, nhiều biện pháp đã được đưa ra, song kết quả thực tế cho thấy tất cả mới chỉ là tạm bợ, bởi người dân thì có nhu cầu, còn tài xế taxi thì sẵn sàng bất chấp biển cấm, camera phạt nguội, thậm chí biên bản xử phạt hành chính để chờ bắt khách. Về vấn đề này, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, việc các bệnh viện không đáp ứng được nhu cầu người dân đi taxi đến khám chữa bệnh là đi ngược với xu thế của thế giới. Mặt khác, lực lượng chức năng thiếu chú trọng đến các điểm đỗ xe cho taxi cũng thể hiện việc thiếu ưu tiên cho nhóm người yếu thế đi phương tiện công cộng.

Chuyên gia đô thị Ngô Doãn Đức cũng cho hay, chính việc quy hoạch di dời các bệnh viện ra khỏi nội đô Hà Nội đang được thực hiện một cách nửa vời cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Cùng đó, việc mở thêm và nâng cao chất lượng bệnh viện cơ sở ngoại ô để “chia lửa” cho các cơ sở bị quá tải cũng chưa mang lại hiệu quả. Do đó, vì lợi ích người dân, cần sớm có giải pháp để khắc phục, không thể cứ mãi “đá quả bóng trách nhiệm” giữa các bên liên quan. Thay vào đó, chỉ cần được quy hoạch, có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà tổ chức giao thông, việc hành khách lên xe taxi chắc chắn sẽ trở nên bớt lộn xộn và trật tự hơn, thay vì sự hỗn loạn như hiện nay.

Để đạt được mục tiêu vì cộng đồng, cùng với việc các nhà quản lý thay đổi tư duy, góc nhìn về taxi - một phương tiện chuyên chở người khối lượng lớn, được người dân sử dụng nhiều vì tính tiện dụng; chính các bệnh viện cũng cần tính đến việc dành một phần diện tích trong dự án cho tổ chức giao thông, để vừa bảo đảm an toàn cho người bệnh, vừa tạo điều kiện phát triển bệnh viện. Mặt khác, cần có nhiều hơn nữa các chính sách ưu tiên sử dụng triệt để quỹ đất trống, dự án treo; hoặc có thể giảm giảm bớt các điểm trông giữ xe dưới lòng đường để nhường chỗ cho các điểm dừng, chờ dành cho phương tiện công cộng.

Giải đáp pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả
Pháp luật

Kịp thời, thống nhất và hiệu quả

Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp số 38/2024/QH15 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27.6.2024, có hiệu lực từ ngày 1.7.2025. Nhằm bảo đảm việc triển khai thi hành Luật kịp thời, thống nhất và hiệu quả; các văn bản hướng dẫn Luật đang được gấp rút xây dựng và hoàn thiện.