Tranh chấp hay ngăn cản trái luật?
Mảnh đất có diện tích 482,6m2, trên đất có ngôi nhà 3 tầng và 14 phòng trọ cấp 4 được vợ chồng anh Hồng mua của bà Nguyễn Thị D, trú tại thôn Dền, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Theo bà D trình bày, năm 2005, bà kết hôn với ông Lý Bá Mạnh trú tại thôn Dền, xã Di Trạch và có 2 con trai 11 và 14 tuổi. Năm 2017, gia đình nhà chồng bà D tổ chức họp và ký biên bản phân chia đất đai, vợ chồng bà được chia thửa đất trên. Ngày 8.2.2018, vợ chồng bà D được UBND huyện Hoài Đức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số CM039050. Tháng 2.2019, chồng bà qua đời nên đến tháng 7 bà đã làm thủ tục thay đổi người đứng tên trên sổ đỏ một mình bà D. Theo bà D, khi chồng bà còn sống, anh trai chồng là ông Lý Bá Thắng thường xuyên sang chửi bới, lăng mạ vợ chồng bà vô cớ. Sau khi chồng bà qua đời, ông Thắng còn cầm dao đuổi và dọa đâm chém, khiến mẹ con bà sống trong lo sợ, bất an, nên phải đi thuê nhà nơi xa để được an toàn. Trong thời gian bà đóng cửa nhà để đi thuê chỗ khác, ông Thắng phá cửa vào lấy đồ đạc, bà phải về nhờ công an xã Di Trạch đòi lại ti vi và một số vật dụng.
Ngày 8.8.2019, bà D ký hợp đồng bán cho anh Nguyễn Đình Hồng và vợ là Lý Thị Hương, là người cư trú cùng xã toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất tại Văn phòng công chứng Hà Tây. Ngày 15.8, anh Hồng, chị Hương đã hoàn thành thủ tục sang tên sổ đỏ số CS 777324, sau đó vợ chồng anh Hồng, chị Hương đã tiến hành tháo dỡ nhà để lấy mặt bằng. Tuy nhiên, việc tháo dỡ đã bị 5 anh chị bên chồng bà D là ông Thắng, bà Lan, bà Lịch, bà Tâm và bà Lý ngăn cản với lý do ngôi nhà 3 tầng trên đất là của mẹ chồng và chồng bà D xây dựng. Việc ngăn cản tháo dỡ gây mất an ninh trật tự, nên chính quyền và công an xã Di Trạch yêu cầu tạm dừng đến khi nào hai bên giải quyết xong mới cho tiếp tục.
Căn nhà 3 tầng trên khu đất đang bị ngăn cản phá dỡ |
Ngày 13.9, UBND xã Di Trạch mời các bên đến trụ sở để hòa giải. Theo biên bản: Ông Lý Bá Thắng, bà Lý Thị Tâm và bà Lý Thị Lý là anh, chị chồng bà D cho rằng “mảnh đất là cha ông để lại chia cho vợ chồng bà D chỉ được ở chứ không được bán, ngôi nhà không phải do bà D xây dựng nên không được bán, muốn giữ lại đất nhà cho các cháu con bà D chứ không có ý định chiếm đoạt, yêu cầu mẹ con bà D quay trở lại đó sinh sống và yêu cầu UBND xã ngăn chặn việc bán”. Bên mua là anh Hồng khẳng định việc mua bán hợp pháp, nay nếu gia đình muốn chuộc lại thì trả lại tiền và các chi phí, còn nếu cố tình ngăn cản là trái pháp luật. Bà D thì ý kiến rằng đó là tài sản của mình nên có quyền bán, mẹ con bà đã dùng tiền bán nhà đi mua nhà nơi khác, nên không chuộc lại đất. Đại diện UBND xã ông Phạm Văn Mạnh có ý kiến rằng: “Chị D nên xem xét lại các vấn đề về mặt đạo đức, kinh tế, pháp lý. Gia đình thường xuyên xảy ra những vấn đề nội bộ, để xảy ra tình trạng ngày hôm nay gia đình cũng nên xem xét lại cách sống, cách đối xử với nhau…”.
Sau buổi hòa giải, bà D cho rằng chính quyền xã can thiệp vào việc dân sự của gia đình bà là không cần thiết, ở đây tài sản được thừa kế hợp pháp, không có sự tranh chấp, nên không phải tiến hành hòa giải. Việc sinh sống ở đâu là quyền lựa chọn của công dân đã được pháp luật quy định. Việc ngăn cản anh Hồng thực hiện quyền của người sử dụng tài sản trên đất là trái với quy định của pháp luật. Khoản 16, Điều 3, Luật Đất đai 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.
Các bên nói gi?
Sau sự việc bị ngăn cản thực hiện quyền của người sử dụng đất, thiệt hại do phải chờ đợi hòa giải khiến anh Hồng bức xúc. Ngày 2.10, anh Hồng tiếp tục tiến hành tháo dỡ và lại bị phía gia đình ông Thắng ngăn cản, chính quyền và công an xã Di Trạch, Đồn Công an Di Trạch (thuộc Công an huyện Hoài Đức) có mặt yêu cầu tạm dừng, mời lên xã lập biên bản.
Ngày 9.10, UBND xã Di Trạch tiến hành hòa giải lần 2 về việc ngăn cản thực hiện quyền sử dụng tài sản trên đất đã được pháp luật công nhận cho ông Hồng cuộc hòa giải tiếp tục là cãi vã, ông Hồng và bà D đã bỏ ra về mà không có kết quả.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trưởng công an xã Di Trạch cho rằng, sự việc xảy ra đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự địa phương. Ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di Trạch giải thích là do nhận được đơn của gia đình ông Thắng đề nghị xã can thiệp, vì trong sổ đỏ không ghi có nhà trên đất, nên ông Hồng mua đất chứ không được phá nhà. Xã không ngăn cản việc phá dỡ, đề nghị 2 bên bình tĩnh giải quyết, nhưng nếu xảy ra mất an ninh trật tự thì sẽ can thiệp. Ông Nguyễn Văn Thắng, Đồn Công an Di Trạch (Đồn 30) tại buổi yêu cầu dừng việc phá dỡ lần 2 ngày 2.10 cho rằng ông Hồng có quyền thực hiện tài sản trên đất, việc gia đình ông Thắng ngăn cản phá dỡ đã gây mất an ninh trật tự địa bàn. Tại buổi làm việc, ông Hồng vẫn khẳng định việc mua bán hợp pháp, đó là tài sản của ông, phải đi vay lãi để mua, chỉ mong chính quyền sớm giải quyết để ông được phá dỡ và nhận đất của mình. Trao đổi với ông Lý Bá Thắng về nguyên nhân ngăn cản, ông Thắng cho rằng đó là đất tổ tiên để lại, di chúc chia chỉ để ở, không được bán, chứ không đòi hỏi hay tranh chấp gì. Khi được hỏi có di chúc như vậy không, thì ông Thắng đưa ra tờ giấy photo nét bút viết tay không có dấu, chưa kịp đọc kỹ thì ông Thắng đòi lại.
Trao đổi với Luật sư Nguyễn Hà Luân, Trưởng Văn phòng luật Trần Hưng Đạo (Cầu Giấy, Hà Nội) thì ông Luân cho rằng: “Việc sở hữu đất và tài sản trên đất của ông Hồng mua của bà D là hợp pháp, không ai có quyền ngăn cản. Việc ngăn cản này là phát sinh sau khi giao dịch mua bán được pháp luật công nhận nên ông Hồng có quyền khởi kiện bên ngăn cản đòi bồi thường thiệt hại nếu ông chứng minh được thiệt hại”.
Thiết nghĩ trong sự việc này, bà D được thừa hưởng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất sau khi chồng qua đời là đúng theo quy định của pháp luật. Việc lựa chọn nơi ở khác để được an toàn hơn là nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của bà D. Thực tế khi thỏa thuận mua bán, cụ thể trong hợp đồng mua bán ghi rõ bà D bán đất và tài sản trên đất. Theo quy định của pháp luật thì đây là tài sản hợp pháp của ông Hồng. Do vậy, chính quyền xã Di Trạch một mặt cần tuyên truyền giải thích cho các bên hiểu rõ và nghiêm túc chấp hành theo quy định của pháp luật, mặt khác sớm tiến hành có biện pháp giải quyết và có quan điểm rõ ràng về sự việc, tránh kéo dài, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.