Chính sách trải thảm đỏ
Theo Policy Times, 27 công ty Mỹ sẽ tiến hành di dời nhà máy từ Trung Quốc tới Indonesia thời gian tới. Đây được xem một phần trong nỗ lực rút chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc đang được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy thời gian qua.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Điều phối Đại dương và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan tiếp xúc với các tập đoàn công nghiệp Mỹ theo chỉ đạo của Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Bộ trưởng Luhut Panjaitancho biết, chính phủ nước này đang mời chào các công ty Mỹ vào đầu tư tại các khu công nghiệp đã được dọn sẵn chỗ. Nổi bật trong số đó là khu công nghiệp Kendal ở Trung Java với quỹ đất khoảng 4.000ha, một khu kinh tế đặc biệt gắn với ưu đãi thuế.
Một địa điểm tiềm năng khác là khu công nghiệp Brebes, một trong 89 dự án ưu tiên quốc gia được chính Tổng thống Indonesia Joko Widodo lựa chọn. Theo ông Panjaitan, hiện có khoảng 20 công ty quan tâm đến việc chuyển dây chuyền sản xuất sang quốc gia Đông Nam Á này.
Bản thân Bộ trưởng Panjaitan đã có các cuộc hội đàm với Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ (DFC) - cơ quan độc lập của Chính phủ Mỹ chuyên cung cấp tài chính cho các dự án phát triển tư nhân. Trước đó là cuộc điện đàm giữa Tổng thống Widodo và Tổng thống Donald Trump.
Được biết, ông Widodo và ông Donald Trump cũng đã tiến hành cuộc điện đàm vào ngày 25.4. Khi đó, ông Trump đã thảo luận kế hoạch mua máy thở của Indonesia và khả năng đầu tư vào nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm.
Dưới tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, các công ty Trung Quốc không thể tiếp tục hoạt động, dẫn đến chuỗi sản xuất của các công ty đa quốc gia bị đình trệ. Một số người dự đoán sự bất ổn của Trung Quốc những năm gần đây sẽ đẩy nhanh tình hình di dời các ngành sản xuất trong nước và Đông Nam Á sẽ thay thế nước này trở thành "công xưởng thế giới".
Rào cản hữu hình
Tổng thống Indonesia Widodo đã có nhiều động thái nhằm đạt thành công trong việc giữ chân các công ty đa quốc gia của Mỹ như kế hoạch giải phóng mặt bằng trong 5 năm, tổ chức các cuộc trao đổi trực tiếp với Tổng thống Trump cùng những người đứng đầu các công ty Mỹ… Tuy nhiên, Indonesia đến nay vẫn chưa nhận thấy nhiều lợi ích trong cuộc cạnh tranh giành vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) năm ngoái cho rằng Indonesia đã lỡ cơ hội. Kể từ khi nổ ra thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc đến tháng 10.2019, trong số 33 công ty chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc, không có công ty nào đề cập đến Indonesia. 23 công ty chọn Việt Nam, số còn lại đầu tư vào Malaysia, Thái Lan và Campuchia. “Doanh nghiệp đang rời khỏi Trung Quốc, nhưng không đến Indonesia, bởi các nước láng giềng Indonesia chào đón họ mạnh hơn”, WB cho biết.
Indonesia hiện có thứ hạng cao hơn Việt Nam về Chỉ số cạnh tranh công nghiệp do Liên Hợp Quốc công bố. Theo giải thích của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, điều này có nghĩa thu nhập hàng tháng của công nhân bậc thấp và bậc trung tại Indonesia thấp hơn so với Việt Nam. Tuy nhiên, Indonesia luôn gặp khó khăn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với FDI chỉ chiếm gần 1,8% GDP tính tại thời điểm năm 2018, thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh tại khu vực như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia.
Còn theo các chuyên gia kinh tế của tập đoàn Citigroup, ngay cả khi Covid-19 đẩy nhanh quá trình di dời sản xuất khỏi Trung Quốc, Indonesia nhiều khả năng cũng không đón được có hội. “Số được hưởng lợi từ xu thế đa dạng hóa lý địa lý sản xuất là những nền kinh tế có tỷ lệ xuất khẩu trên tổng GDP ở mức cao - ngang với Trung Quốc và vì thế họ đã có các chuỗi cung đặt tại đó”, báo cáo của Citigroup nhận định, đồng thời chỉ rõ Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan sẽ là những bên được hưởng lợi trong ngắn hạn.
Thực tế, nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Microsoft và Google đang đẩy nhanh việc tái bố trí sản xuất thiết bị mới ở ngoài Trung Quốc, với các điểm đến tiềm năng tại Việt Nam và Thái Lan. Apple trong quý này sẽ lần đầu tiên sản xuất hàng triệu thiết bị Airport ở Việt Nam.
Indonesia bị phần lớn doanh nghiệp phớt lờ dù Tổng thống Widodo đã dành cả nhiệm kỳ đầu tiên để cải thiện hạ tầng, xóa bỏ các rào cản và quy định quan liêu để khiến đất nước trở nên thân thiện hơn với nhà đầu tư cũng như tạo ra việc làm mới.
Theo Washington Post, có một số trở ngại khiến doanh nghiệp nước ngoài bỏ qua Indonesia, đó là quy định thôi việc, thủ tục nhập khẩu, quy định hạn chế sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực như bia, khai thác mỏ, viễn thông và giáo dục. Hơn nữa, thuế doanh nghiệp của Indonesia cao hơn so với Việt Nam và Thái Lan, hiện là 25%. Jakarta có kế hoạch giảm thuế theo từng giai đoạn về 20% nhưng sẽ bắt đầu từ năm 2021.
Chính ông Widodo cũng cho biết thời gian mà một doanh nghiệp nước ngoài được phê duyệt tất cả thủ tục cần thiết để vào Indonesia tính bằng năm trong khi với Việt Nam chỉ là 2 tháng.
Theo Yulius Yulius, Giám đốc điều hành Văn phòng hãng tư vấn Boston Consulting Group, điểm trừ đối với Indonesia trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài có lẽ nằm ở “mức độ bảo đảm” trong các vấn đề liên quan đến sử dụng lao động và quyền sử dụng đất. Ông dẫn chứng, tại Việt Nam, chính phủ có thể cung cấp cho nhà đầu tư quỹ đất và đáp ứng các yêu cầu khác trong thời gian ngắn. Còn ở Indonesia, nhà đầu tư phải chấp nhận phương thức “từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp” nếu muốn tiếp cận quỹ đất, muốn có giấy phép sử dụng lao động. Chính mức độ thiếu chắc chắn này khiến nhà đầu tư ngại bỏ vốn vào Indonesia.
Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Widodo đã đệ trình Quốc hội một loạt thay đổi trong Luật Lao động lỏng lẻo của Indonesia. Nhưng việc thảo luận về luật mới bị đình lại hồi tháng 4, sau khi hàng nghìn người Indonesia mất việc vì đại dịch Covid-19, cùng với đó là các nghiệp đoàn lao động ở nước này đe dọa tổ chức tuần hành quy mô để phản đối các biện pháp giãn cách xã hội.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản công nghiệp Indonesia Sanny Iskandar nhìn nhận, Indonesia là nơi phù hợp để tái đầu tư, do có thị trường tiềm năng với dân số lớn nhất Đông Nam Á. Nhưng theo ông, để thu hút được giới đầu tư nước ngoài, Indonesia phải hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng thống Widodo về nguồn nhân lực, đơn giản hóa thủ tục cấp phép và các quy định khác. Chương trình cải cách kinh tế cả gói mà Chính phủ hứa hẹn đến nay còn chưa rõ ràng và đó là điều gây thất vọng với giới đầu tư, doanh nghiệp.