Hiện tượng này đặt ra một câu hỏi đầy nhức nhối: Vì sao trẻ nhỏ lại bị cuốn vào cuộc cạnh tranh khốc liệt đến vậy?

Trong văn hóa giáo dục khắc nghiệt của Hàn Quốc, khái niệm "giáo dục sớm" đã vượt xa ranh giới của sự chuẩn bị hợp lý. Sự ám ảnh của nước này với các trường đại học danh tiếng thường được coi là gốc rễ của cơn sốt giáo dục. Nó đã biến thành một cuộc chạy đua toàn diện – khởi đầu từ nhà trẻ, kéo dài suốt thời niên thiếu, và chỉ kết thúc khi chạm tới những chiếc ghế đại học danh giá như Đại học Quốc gia Seoul, Yonsei hay Đại học Hàn quốc.
Từ mẫu giáo đến... đại học: cuộc đua không hồi kết
Ở Hàn Quốc, việc vào được một trường đại học hàng đầu không chỉ là niềm tự hào, mà còn là thước đo giá trị xã hội. Các ngành học như y khoa, luật và kỹ thuật – đặc biệt là trường y – được xem là đỉnh cao của địa vị và tài chính. Điều này tạo ra sức ép vô hình, buộc nhiều gia đình phải tính toán chiến lược học tập cho con từ khi còn chưa biết viết, với mong muốn cho con khởi đầu thuận lợi ngay từ sớm.
Các trung tâm học thêm, hay còn gọi là hagwon, từ lâu đã phục vụ nhu cầu học tập ngoài giờ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự xuất hiện của các baby hagwon – chuyên đào tạo trẻ mẫu giáo – cho thấy mức độ lan rộng của nỗi lo “tụt hậu” từ tuổi lên 4.
Một phụ huynh họ Kim, có con gái năm tuổi, chia sẻ: “Chúng tôi không thể không cho con học thêm. Những đứa trẻ khác đã học toán logic và từ vựng tiếng Anh chuyên sâu. Nếu mình không làm gì, con sẽ bị tụt lại ngay từ đầu.”
Theo hãng tin địa phương, một bài kiểm tra đầu vào của trung tâm toán tư nhân tại Gangnam dành cho trẻ 7 tuổi đã gây tranh cãi khi nội dung quá khó, đến mức sinh viên của Đại học Quốc gia Seoul cũng phải thấy “rất khó” và thậm chí nghĩ rằng nó chỉ dành cho học sinh trung học khối chuyên.
Thậm chí, có báo cáo cho thấy một số bài thi đầu vào của trung tâm hagwon dành cho trẻ mẫu giáo đã bao gồm các khái niệm toán học cấp hai hoặc cấp ba – như dãy số phức tạp, hình học không gian hoặc tư duy logic phân lớp. Việc đưa ra đề khó một cách cố ý là chiêu thức phổ biến để lọc học viên “xuất sắc”, đồng thời kích thích sự sợ hãi của phụ huynh. Nhiều trung tâm còn cảnh báo rằng: “Một đứa trẻ 4 tuổi không học nâng cao hôm nay sẽ “bị tụt hậu”.
Dưới áp lực xã hội, nhiều cha mẹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lao vào cuộc đua tốn kém này. Theo thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, chi tiêu cho giáo dục tư nhân trong năm 2024 đạt mức cao kỷ lục – hơn 26 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước, dù Chính phủ liên tục cam kết cải cách.
Thêm vào đó là sự bất ổn trong chính sách tuyển sinh đại học: trong hai thập kỷ qua, hệ thống thay đổi liên tục – lúc ưu tiên điểm thi quốc gia, lúc chuyển sang xét học bạ, rồi lại quay về kết hợp phỏng vấn, tiểu luận. Mỗi lần cải cách, thay vì giảm bớt áp lực, lại khiến phụ huynh phải đầu tư nhiều hơn vào học thêm để “đánh phủ đầu mọi kịch bản”.
Nhiều người cho rằng, không phải phụ huynh nào cũng muốn ép con. Nhưng hệ thống liên tục đổi thay khiến họ buộc phải phản ứng như thể đang giao dịch cổ phiếu, không ai dám đứng yên.
Hệ quả không dừng ở chi phí hay mệt mỏi của phụ huynh. Các chuyên gia giáo dục và tâm lý học cảnh báo rằng việc ép trẻ học từ quá sớm có thể cản trở sự phát triển tự nhiên về mặt cảm xúc và sáng tạo.
Một số nghiên cứu tại Hàn Quốc cho thấy trẻ em tiếp xúc với môi trường học tập căng thẳng quá sớm thường gặp khó khăn trong việc điều tiết cảm xúc, kém kỹ năng xã hội và thiếu khả năng thích nghi trong môi trường không cấu trúc như trò chơi sáng tạo hoặc hoạt động tập thể.
Nhiều sinh viên đại học ở Hàn Quốc, dù có nền tảng học vấn vững chắc nhờ được rèn luyện từ khi còn học mẫu giáo, lại thiếu sự linh hoạt trong tư duy. Họ quen với lối học máy móc, ngại sáng tạo và ít dám khám phá những điều mới mẻ ngoài khuôn mẫu. Hệ quả là nhiều sinh viên rơi vào tình trạng kiệt sức, áp lực kéo dài dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Ngay cả những người học giỏi nhất cũng có thể thiếu khả năng phục hồi và thiếu sự tò mò trí tuệ – những phẩm chất thường được nuôi dưỡng từ một tuổi thơ cân bằng, không bị gò ép.
Cần nhiều hơn là chính sách
Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm kiểm soát tình trạng học thêm, như giới hạn giờ hoạt động của hagwon, cấm đề thi “đánh đố” trong kỳ thi đại học. Tuy nhiên, những nỗ lực này đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả rõ rệt.
Vấn đề không chỉ nằm ở chính sách giáo dục, mà còn là biểu hiện của các bất ổn xã hội sâu sắc hơn: tăng trưởng kinh tế chậm, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao và ngày càng ít cơ hội để thăng tiến theo con đường thông thường. Nếu không có cải cách cơ cấu toàn diện, từ thị trường lao động đến hệ thống an sinh, mọi nỗ lực cải tổ giáo dục sẽ chỉ là “dọn tuyết giữa bão”.
Các cải cách thể chế phải làm chậm cuộc đua bằng cách ổn định các chính sách tuyển sinh đại học, mở rộng quyền tiếp cận của công chúng đối với các trường mẫu giáo chất lượng cao và bảo đảm giám sát đáng tin cậy đối với các nhà cung cấp giáo dục mầm non. Tuy nhiên, ngay cả những cải cách có ý định tốt nhất cũng sẽ khó đạt được sức hút nếu các gia đình tiếp tục coi học thêm và nhất là học thêm từ sớm là hàng rào duy nhất chống lại tương lai bất định.
Để thay đổi văn hóa xảy ra, các nhà hoạch định chính sách phải phải trấn an được các gia đình rằng, con cái của họ sẽ không bị bỏ lại phía sau khi chọn một tuổi thơ bình thường, đúng nghĩa, được chơi đùa, khám phá và lớn lên một cách lành mạnh.
Tuổi thơ không phải là kỳ thi tuyển sinh để nhồi nhét, mà là một giai đoạn của cuộc sống để nuôi dưỡng. Cơn sốt hiện tại cho thấy rằng xã hội Hàn Quốc có thể đã quên điều này. Hệ thống giáo dục của đất nước đã nâng cao trình độ biết chữ và các cơ hội trên toàn quốc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội. Tiếp theo, nước này phải phá vỡ chu kỳ cạnh tranh giáo dục cực đoan và tập trung vào những gì thực sự quan trọng trong việc học.
Trong một thế giới đầy bằng cấp, biết dừng lại đúng lúc mới là điều khôn ngoan. Trẻ em xứ Hàn xứng đáng được sống chứ không chỉ… học để sống.