Vào bằng “cổng trước”
9 giờ sáng ngày 20.9.1977, Lễ Thượng cờ Việt Nam được chính thức tổ chức tại cửa chính trụ sở LHQ. Chủ tịch Đại Hội đồng, Tổng Thư ký LHQ, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu cùng đại diện Việt kiều và bạn bè Mỹ đã dự buổi lễ. Luật sư Mỹ Peter Weiss từng nhận xét: “Việt Nam đã hy sinh đấu tranh gian khổ để mở đường cho chính mình và trước đó đã tạo điều kiện cho hàng loạt nước khác vào LHQ”. Đúng như dư luận quốc tế thừa nhận, Việt Nam đã vào LHQ bằng “cổng trước”.
Vào thời điểm đó, tuy chưa là thành viên chính thức của LHQ, nhưng Việt Nam vẫn được Đại Hội đồng và cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Đại Hội đồng đã đặc cách mời hai đoàn đại biểu Việt Nam ngồi trong hai bàn đầu của hội trường và thông qua dự thảo Nghị quyết do Chủ tịch Phong trào Không liên kết giới thiệu. Nghị quyết được 123 nước bỏ phiếu thuận, 0 phiếu chống, Mỹ và một số nước bỏ phiếu trắng. Nghị quyết đề nghị Hội đồng Bảo an (HĐBA) “xem xét lại ngay và tạo thuận lợi cho việc Việt Nam tham gia LHQ”. Nhưng sau đó, Mỹ lại dùng quyền phủ quyết ở HĐBA.
![]() Lễ thượng cờ Việt Nam tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 20.9.1977 |
Mặc dù chưa chính thức tham gia các hoạt động của Đại Hội đồng, các đại biểu Việt Nam vẫn tích cực hoạt động tại LHQ và Phong trào Không liên kết. Đoàn Việt Nam cũng được sự giúp đỡ tận tình của bạn bè Mỹ và Việt kiều yêu nước. Những nhân vật nổi tiếng trong phong trào chống chiến tranh Việt Nam đến thăm và tỏ tình đoàn kết với Việt Nam. Tháng 1.1977, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter nhậm chức tỏ thái độ tích cực với Việt Nam, ủng hộ việc Việt Nam gia nhập LHQ, nới lỏng cấm vận. Trong phiên họp Đại Hội đồng LHQ kết nạp Việt Nam, Đại sứ Mỹ sau khi đọc bài phát biểu hoan nghênh Việt Nam vào LHQ đã thẳng thắn bày tỏ thiện chí với Việt Nam trước sự chứng kiến của Đại Hội đồng.
Thành viên tích cực
Ngay sau khi tham gia LHQ, Việt Nam đã tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên để Đại Hội đồng LHQ Khóa 32 thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, tổ chức quốc tế viện trợ giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Mặt khác, Việt Nam cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của LHQ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước không liên kết và đang phát triển để đấu tranh bảo vệ những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ như bình đẳng chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ các nước, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế... đồng thời bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Công cuộc Đổi mới và chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, “sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy” đã giúp Việt Nam nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, chống đối quyết liệt trên diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã có vị thế mà nhiều nước mơ ước: Quan hệ tốt với cả 5 nước Ủy viên Thường trực HĐBA; nòng cốt trong các tổ chức khu vực ASEAN, APEC, ASEM, Francophonie; gắn bó với châu Phi, Mỹ Latin. Môi trường quan hệ quốc tế lý tưởng đó là điều kiện thuân lợi để Việt Nam xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời cùng với các nước khác đóng góp cho công cuộc bảo đảm hòa bình, ổn định trên thế giới.
![]() Huấn luyện cho cán bộ nhân viên bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại phái bộ Nam Sudan |
Ảnh: Mai Thanh Hải |
Mô hình hợp tác với Việt Nam được LHQ đánh giá là ví dụ điển hình về hiệu quả hợp tác giữa LHQ và các nước thành viên trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội và nhân đạo. Hiện Việt Nam và LHQ tích cực phối hợp xây dựng Kế hoạch hợp tác 2017 - 2021, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việt Nam cũng đã có những đóng góp ngày càng thực chất vào nhiều hoạt động của LHQ thông qua việc đảm nhiệm tốt vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2008 - 2009; thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 - 2016, đang nỗ lực hoàn thành vai trò trong Hội đồng Kinh tế - Xã hội nhiệm kỳ 2016 - 2018, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ và sáng kiến cải tổ LHQ.
Phát triển bền vững luôn là mục tiêu chiến lược của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam đã công bố Kế hoạch Hành động quốc gia để thực thi Chương trình Nghị sự phát triển bền vững tháng 5 vừa qua. Việt Nam cũng tiến hành xem xét 232 chỉ số do Ủy ban Thống kê LHQ ấn định để xác định quy mô những chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam, kết quả cho thấy có 129 chỉ số khả thi. Việt Nam đang nỗ lực hết sức để công bố các chỉ số thống kê của riêng mình vào năm 2018, đồng thời cũng đang soạn thảo báo cáo quốc gia tự nguyện để trình bày tại Diễn đàn Chính trị cấp cao LHQ về phát triển bền vững (HLPF) 2018.
Trong suốt 40 năm gia nhập LHQ, với những đóng góp tích cực, Việt Nam đã chứng tỏ luôn là một người bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và thành viên tích cực của LHQ trong tất cả hoạt động chung, trong đó có việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường tham gia ở cấp độ cao hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, nỗ lực thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030, các Mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; ủng hộ các nỗ lực cải tổ LHQ theo hướng nâng cao hiệu quả, minh bạch và dân chủ hóa trong mọi hoạt động. Đặc biệt, Việt Nam sẽ tích cực vận động ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021.