Về với cử tri

- Thứ Tư, 10/03/2021, 05:33 - Chia sẻ
Trong buổi tiếp xúc với cử tri Hải Phòng trước Kỳ họp thứ Mười một mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ, đây là cuộc tiếp xúc cử tri thứ 25 của mình. Và trong chặng đường 5 năm làm đại biểu Quốc hội, Thủ tướng nhớ rất rõ về sự vắng mặt trong một cuộc tiếp xúc như một sự nuối tiếc mà ông đã một lần lỡ hẹn với cử tri.

Nhìn nhận về hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng trong 5 năm qua, Thủ tướng cho rằng: tất cả các đại biểu Quốc hội đều tổ chức tiếp xúc cử tri một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn nhớ về một cuộc tiếp xúc cử tri bị lỡ hẹn. Đó là dù đã xuống Hải Phòng từ tối hôm trước để chuẩn bị cho buổi tiếp xúc cử tri thì xảy ra mưa lũ lớn, có khả năng vỡ đê sông Hoàng Long, Ninh Bình, trước tình hình đó, rạng sáng hôm sau, Thủ tướng phải rời Hải Phòng để về Ninh Bình thị sát tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai.

Đại biểu Quốc hội là những công dân ưu tú, được cử tri tín nhiệm qua lá phiếu bầu. Do đó, các đại biểu chịu trách nhiệm trước cử tri bầu ra mình và trước cử tri cả nước. Trong mỗi lần tiếp xúc, đại biểu có nhiều cơ hội được gần gũi với cử tri, lắng nghe tiếng nói phản ánh từ cơ sở, về những bất cập trong các quy định chính sách, trong thực thi chính sách, về những tiêu cực trong thực thi công vụ, những nhũng nhiễu, tham nhũng chỗ A, chỗ B... Qua lăng kính của đại biểu, những vấn đề cử tri nêu được chắt lọc để phản ánh đến diễn đàn Quốc hội, để các cơ quan quản lý có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, để Quốc hội có quyết đáp kịp thời, hiệu quả.

Muốn cử tri trải lòng, đại biểu phải tạo được sự gần gũi thực sự với cử tri. Mối quan hệ của đại biểu với cử tri đã được Hiến định và quy định trong các văn bản Luật có liên quan. Điều 79, Hiến pháp năm 2013 quy định: đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri... Thể chế hóa tinh thần Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 dành riêng một điều quy định về trách nhiệm của đại biểu với cử tri. Theo đó, điều 27 của Luật này quy định: đại biểu Quốc hội liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thường xuyên tiếp xúc với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật…

Thời gian qua, nhiều đại biểu đã thể hiện được mối quan hệ gắn bó mật thiết với cử tri. Không quản ngại khó khăn, nhiều đại biểu đã đến với bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới để lắng nghe tiếng nói của cử tri về một số chính sách dành cho bà con dân tộc còn trùng lặp, có chính sách đẹp, nhân văn nhưng khó khả thi, có những chính sách đối với người có công còn bất cập... Những tâm tư ấy đã được đại biểu truyền tải đến nghị trường. Nhiều chính sách đã được sửa đổi được cử tri và nhân dân đồng tình cao.

Có rất nhiều phương thức để đại biểu tiếp xúc cử tri. Ngoài tiếp xúc trước và sau kỳ họp, còn có tiếp xúc cử tri nơi cư trú; tiếp xúc nơi làm việc; tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực và gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân cử tri, nhóm cử tri. Tuy nhiên, không phải cuộc tiếp xúc nào cử tri cũng sẵn sàng chia sẻ những vướng mắc xảy ra trên địa phương mình, bởi bên cạnh đó là những vấn đề nhạy cảm, “vướng trên, vướng dưới”. Do đó, tiếp xúc cử tri như thế nào cho hiệu quả hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng, vào sự khéo léo của từng đại biểu. Điều này cũng dễ hiểu vì sao trên diễn đàn Quốc hội, có không ít đại biểu đã để lại ấn tượng tốt đẹp bởi họ đã mang được hơi thở cuộc sống, những điều bức thiết của cuộc sống đến với nghị trường. Và trên cơ sở đó là những quyết đáp của Quốc hội làm hài lòng cử tri.

Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV sắp kết thúc. Trong nhiệm kỳ dân cử của mình, sẽ có những điều đại biểu cảm thấy hài lòng vì đã nói được tiếng nói của cử tri ở diễn đàn Quốc hội. Và có thể cũng có những tiếc nuối khi những kiến nghị của cử tri chưa được quyết đáp kịp thời. Nhưng điều quan trọng là, trong hành trình làm đại biểu dân cử, đại biểu đã thực sự “về với cử tri” vượt ra khỏi khuôn khổ của những cuộc tiếp xúc thông thường, để “nói cho cử tri nghe” và “nghe cử tri nói”. Điều này chỉ có được khi đại biểu Quốc hội không để tên mình khuyết thiếu trong các buổi tiếp xúc cử tri vì những lý do không chính đáng. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “dù cán bộ cấp nào, khi được Nhân dân bầu ra với tư cách là người đại biểu Nhân dân thì phải thực hiện nghiêm túc pháp luật về lắng nghe, tiếp xúc cử tri”.

Hà An