Thiệt hại lớn từ các vụ lừa đảo trên không gian mạng
Thời gian qua, các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sử dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao gần đây có chiều hướng gia tăng, ngày càng đa dạng về cách tiếp cận nạn nhân.
Các thủ đoạn lừa đảo điển hình như: Sử dụng mạng xã hội để kết bạn, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan,… yêu cầu bị hại nộp tiền vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt. Hoặc hình thức lừa đảo phổ biến qua mạng đó là hack nick Zalo và Facebook để nhắn tin vay tiền của người khác rồi lừa chiếm đoạt tài khoản. Sau khi có được tài khoản cá nhân, các đối tượng gửi tin nhắn vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại... Đa số các tin nhắn lừa đảo trên đều có lý do cần tiền gấp và hứa sẽ trả trong thời gian ngắn. Nhiều người tưởng đó là người quen nên đã mắc bẫy kẻ gian và bị mất tiền từ vài trăm nghìn đồng cho đến hàng chục triệu đồng.
Theo Bộ Công an, trên không gian mạng, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đều có sự hiểu biết về công nghệ thông tin, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng này thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, sử dụng các tài khoản ảo thay đổi địa bàn hoạt động gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh. Trong khi, nhận thức và sự am hiểu về công nghệ của người dân còn hạn chế, nhất là tầng lớp người trung và cao tuổi, hưu trí, người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Khi các công nghệ mới xuất hiện, đối tượng tấn công mạng, lừa đảo cũng sẽ tìm cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất đó là con người, áp dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin và dẫn dắt theo kịch bản. Các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư,…nhưng mục tiêu cuối cùng của các đối tượng chính là tiền.
Lợi dụng tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập, một số đối tượng đã thực hiện chiêu trò tuyển lao động để lừa đảo. Anh L.V.M (thành phố Hải Phòng) bị đối tượng lạ gọi điện chào mời tham gia công việc online qua telegram, với nhiệm vụ follow người dùng trên ứng dụng Tiktok. Anh đã làm theo và nhận được thù lao khoảng 100 nghìn đồng. Sau đó, anh chuyển sang nhiệm vụ cao hơn là follow kèm chuyển khoản đến số tài khoản của đối tượng lừa đảo để nhận hoa hồng. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản thì họ nạp tiền vào website cá độ rồi yêu cầu người dùng phải làm theo để nhận lại số tiền gốc và hoa hồng nhưng đã bị lừa với tổng số tiền đã chuyển khoản là 160 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn lợi dụng không gian mạng để tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền mang lại lợi nhuận cao để kêu gọi, lôi kéo đầu tư,… Điển hình như anh V.V.Đ (tỉnh Quảng Trị) được một nhóm đối tượng giới thiệu App KRNH-Assets dùng để giao dịch chứng khoán qua tài khoản ủy thác. Sau một thời gian tìm hiểu, anh Đ đã nạp tiền vào để giao dịch chứng khoán với số tiền hơn 2 tỷ đồng và thực hiện rút ra tài khoản số tiền là 59 triệu đồng. Khi anh Đ thực hiện bán hết cổ phiếu và rút hết tiền ra khỏi tài khoản và nạp phí sử dụng kênh lại nhận được thông báo dòng tiền nạp vào không hợp pháp. Lúc này, anh Đ đã biết mình đã bị lừa và bị chiếm dụng số tiền gần hai tỷ đồng.
Tăng cường các biện pháp xử lý, ngăn chặn lừa đảo trực tuyến
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2022 đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng
Trong thời gian qua, để cảnh giác người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người dân, một số biện pháp đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định.
Đối với các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, hoạt động: phát triển trang thông tin, xử lý tin nhắn SMS rác, lừa đảo (tại địa chỉ chongthurac.vn); phát triển trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn/canhbao.ncsc.gov.vn) để người dân có thể phản ánh các vấn để gặp phải về an toàn thông tin; cung cấp bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kiến thức kỹ năng phòng chống lừa đảo (tại địa chỉ congcu.khonggianmang.vn); công bố danh sách đen các trang vi phạm, tài khoản ngân hàng lừa đảo thông qua Cổng thông tin của hệ sinh thái tín nhiệm mạng (tại địa chỉ tinnhiemmang.vn); kiểm tra, gán nhãn tín nhiệm cho hơn 3252 website chính thống; triển khai các chiến dịch phòng chống mã độc, làm sạch không gian mạng định kỳ hàng năm trên toàn quốc.
Tình trạng tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp qua các vụ án lớn đã được triệt phá. Điển hình như, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá được băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, lập sàn giao dịch tiền ảo trên trang web tradenew.io với tổng số tiền giao dịch trên 1 nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư.
Các giải pháp ngăn chặn lừa đảo qua mạng đã triển khai đều phát huy giá trị tích cực, tuy nhiên chưa được đồng bộ và thống nhất giữa các Bộ, ngành, địa phương. Để giải quyết lừa đảo trực tuyến cũng tương tự như lừa đảo trên đời thực, cần có sự tham gia phối hợp, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Trong đó nòng cốt chính là lực lượng Công an làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Đại diện Cục an toàn thông tin (Bộ Thông tin Truyển thông) cho biết, thiệt hại lừa đảo trực tuyến gây ra khó có thể ước tính được hết, vì các nạn nhân thường có tâm lý bỏ qua “mất rồi thì thôi”, ngại các thủ tục trình báo, pháp lý phức tạp.
Để tránh vướng vào các hình thức lừa đảo trực tuyến hiện nay, người dân tự bảo vệ mình khi tham gia vào các nền tảng trực tuyến. Ngoài ra, hãy tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết lừa đảo và nâng cao kiến thức an toàn thông tin trên http://khonggianmang.vn và https://dauhieuluadao.com.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi bị lừa đảo qua không gian mạng, người bị hại cần làm đơn tố giác gửi đến Cơ quan điều tra nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú).
Hồ sơ tố giác tội phạm bao gồm:
- Đơn trình báo công an;
- CMND/CCCD/Hộ chiếu của bị hại (bản sao công chứng);
- Sổ hộ khẩu của bị hại (bản sao công chứng).
- Chứng cứ liên quan để chứng minh (hình ảnh, ghi âm, video,... có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội).
Theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
- Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
- Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Ngoài việc trình báo trực tiếp với cơ quan có thẩm quyền, người bị hại còn có thể thông tin, trình báo lừa đảo qua đường dây nóng của cơ quan Công an:
- Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053 - Cục Cảnh sát hình sự;
- Địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/ của Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam.