Trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài
Người Kinh Bắc truyền tai nhau rằng xưa kia, sắp tới ngày hội đền Vua Bà Thủy tổ Quan họ (mùng 6 tháng Giêng), liền anh làng Diềm xuống mời liền chị làng Bịu lên dự hội. Liền chị làng Bịu ca câu Ngậm ngùi trong dạ nhớ mong/Ngẫm xem thế sự chạnh lòng cả hai/Nỗi niềm tưởng đến gần xa/Song le còn bận việc nhà chưa xong, rồi xin lỗi liền anh vì không thể dự hội. Sợ liền anh không tin, liền chị làng Bịu dẫn liền anh ra đồng chỉ ruộng nhà vẫn chưa cày bừa.
Hôm sau, khi các liền chị ra đồng thì ruộng đã cày bừa xong; hóa ra, liền anh làng Diềm đã đánh trâu xuống cày ruộng hộ để liền chị không còn cớ từ chối đi hội, đối đáp giao duyên… Câu chuyện ấy đến giờ vẫn được nhắc nhớ về tình người quan họ, về sự coi trọng vốn văn hóa của ông cha.
GS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam nhận định: “Người quan họ đến với nhau không chỉ có ca hát mà là cả một lối chơi văn hóa. Họ trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài, say nhau vì câu ca lời hát. Chính đây là khu biệt của dân ca quan họ Bắc Ninh”. Gọi là lối chơi văn hóa là bởi đối với dân ca quan họ, câu hát chỉ là phương tiện để người thực hành trao gửi nghĩa tình. Người chơi quan họ với nhau xuất phát từ việc kết bạn. Khi kết bạn rồi thì hai bọn quan họ là ngang nhau, không bọn nào là anh, không bọn nào là em. Bởi thế người quan họ luôn tự xưng “em” hoặc “chúng em” và gọi bên kia là “anh” hoặc “chị”.
Theo liền anh Nguyễn Hữu Thoa, xóm Trùng, thôn Lũng Giang, thị trấn Lim, ngoài lời ca, giọng hát cần tập luyện, rèn dũa cho đủ độ vang, rền, nền, nảy, người chơi cũng cần học những hành vi, ứng xử của người quan họ như sự lịch thiệp, tao nhã, tài hoa trong giao tiếp. Từ cái chất của con người mà toát ra cái thần của lời hát, lời đối đáp vừa thật thà dân dã, vừa tinh tế, giàu tri thức… Nhưng chơi quan họ không chỉ nằm ở màn giao duyên, đối đáp mà còn ở cái tình đối đãi giữa những người chơi với nhau, giữa người chơi quan họ với khách xa gần.
Liền anh Nguyễn Hữu Thoa nhớ lại bao năm mở canh hát tại gia vào ngày hội Lim, mời liền anh, liền chị làng bên đến giao lưu, khách quen, khách lạ cũng kéo về chật kín trong nhà, ngoài sân. Chủ nhà chu đáo chuẩn bị từ khay trầu têm cánh phượng, đĩa kẹo lạc nhà làm cùng ấm trà sen, thêm ít rượu cho bầu không khí thêm nồng, lời hát thêm say… Trời càng về khuya, lời hát canh càng da diết, gia chủ lại chong đèn thêm rượu, để tình gắn bó, kỷ niệm khắc sâu.
“Cả năm mới có ngày hội, nhà nhà, ai nấy chờ mong, háo hức được đón khách về với gia đình là niềm vui. Cứ cố gắng để khi quan khách ra về, thấm được cả tâm tình trong câu hát, bằng lòng với cách đối đãi mộc mạc mà sâu nặng nghĩa tình của người quan họ”, liền anh Nguyễn Hữu Thoa bộc bạch.
Nghề chơi quan họ có tinh mới tường
Cũng vì phải lòng cái tình của mảnh đất Kinh Bắc ẩn trong câu hát giao duyên mà bà Nguyễn Thị Chính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tri âm tri kỷ tại Hà Nội đã gắn bó với quan họ. Năm 10 tuổi, bà theo gia đình về sơ tán ở Tiên Du, Bắc Ninh. Những đêm trăng sáng, bà bị thu hút bởi những câu hát dân ca da diết; thế rồi cứ lân la, nghe mãi không biết chán, yêu quan họ lúc nào không hay. Hơn 40 năm qua, bà Chính đã về các ngôi làng ở Bắc Ninh để sưu tầm, học trực tiếp làn điệu quan họ từ các nghệ nhân cao tuổi. “Vì từng được sống trong cái nôi quan họ nên từng câu ca như ngấm vào mình. Theo các cụ, học kỹ thuật hát sao cho hay là một phần nhưng quan trọng hơn là học cái ý nhị, tình cảm đáng quý của người chơi quan họ”, bà Chính chia sẻ.
Lễ hội vùng Lim Xuân Giáp Thìn năm 2024 diễn ra ngày 21 - 22.2, tức 12 - 13 tháng Giêng. Lễ hội được tổ chức tại ba xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim và các xã Nội Duệ, Liên Bão, huyện Tiên Du, trong đó, trung tâm Lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim), thị trấn Lim. Cùng với không gian tổ chức hoạt động phần hội ở khu vực đồi Lim, các canh hát quan họ cũng được bố trí theo lề lối truyền thống tại nhà nghệ nhân quan họ ở các làng thuộc thị trấn Lim, thôn Bái Uyên (xã Liên Bão), Nội Duệ đón du khách thưởng thức.
Tại các điểm hát quan họ, khuyến khích dùng nhạc cụ dân tộc và không hát nhạc mới, hát văn nhảy đồng hoặc các loại nhạc khác không phù hợp. Đặc biệt, nghiêm cấm tất cả hình thức hát quan họ “ngửa nón nhận tiền”.
Chơi quan họ chính là cầu nối để lan tỏa giá trị của dân ca, của tình người Kinh Bắc đến mọi người. Bao lâu nay, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hài lấy đó làm động lực để truyền nối lối chơi quan họ cổ. Nhiều năm ở làng Diềm - làng quan họ gốc của Kinh Bắc, các chị hai, anh hai quan họ mở lớp dạy quan họ cho các bạn trẻ, không cứ ở Bắc Ninh mà còn ở cả Hà Nội, Bắc Giang… Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Hài: “ngày nay Bắc Ninh không chỉ có những làng quan họ gốc, mà dân ca quan họ đã lan tỏa ra nhiều làng xã khác, sang cả các tỉnh lân cận. Bởi vì người quan họ không giữ vốn văn hóa cho riêng mình mà luôn muốn tỏa lan đến mọi người”.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hài tâm niệm, bảo tồn quan họ cũng chính là bảo tồn những canh hát, giữ được nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của vùng Kinh Bắc. Người quan họ thường có câu nói cửa miệng: Yêu nhau cái nết, trọng nhau cái tình và say nhau ở giọng hát câu ca. Quan họ không chỉ để nghe mà có tinh mới tường - tức có chơi mới hiểu được người quan họ. Mỗi câu hát là ý tứ của người, mỗi ánh mắt, nụ cười đâu chỉ để làm duyên, mỗi nhịp bổng, trầm còn ẩn ý bao điều muốn nói: Chuông vàng gác cửa Tam Quan/ Người ơi người ở đừng về/ Hôm nay sum họp trúc mai/ Tình trong một khắc nghĩa dài trăm năm...
Bọn quan họ nam và nữ kết bạn với nhau, thắm thiết như anh em một nhà, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, gửi ý tứ sâu xa trong câu hát nói lên đường ăn nết ở: Nghĩa người em để trong cơi/ Nắp vàng đậy lại để nơi giường nằm/ Một ngày ba bảy lần thăm/ Mở ra đậy lại em thăm nghĩa người…
Chính nhờ mối giao duyên đặc biệt mà các nghệ nhân quan họ có sự gắn bó, giao lưu và sáng tạo trong sinh hoạt văn hóa từ bao đời. Để đến giờ, mối giao duyên ấy được mở rộng theo nhịp thời đại. Quan họ được các liền anh, liền chị nuôi dưỡng, lan tỏa, khiến mạch nguồn văn hóa quan họ chảy khắp, từ làng xã bước ra thế giới, trở thành di sản của nhân loại.
__________
*Lời trong bài hát Ngẫu hứng giao duyên của nhạc sĩ Trần Tiến.