"Mở xưởng: Đêm trắng” của họa sĩ Trịnh Cẩm Nhi

"Mở xưởng: Đêm trắng" trưng bày các tác phẩm mới nhất của Trịnh Cẩm Nhi sau hai tháng lưu trú sáng tác tại VAC Hà Nội. Đây là trưng bày cá nhân thứ hai của họa sĩ trẻ này tại Việt Nam.

Là nghệ sĩ đầu tiên tham gia chương trình lưu trú của tổ chức nghệ thuật Vietnam Art Collection, Trịnh Cẩm Nhi được xem là một trong những gương mặt trẻ triển vọng của hội họa đương đại Việt Nam. Cô sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, tốt nghiệp chuyên ngành Hội họa tại Accademia di Belle arti Roma, Italy, có triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Vườn địa đàng (2020) tại Trung tâm Văn hóa Italy.

Tác phẩm của Trịnh Cẩm Nhi để lại dấu ấn trong lòng khán giả với hình tượng cơ thể người và hoa, giao thoa và biến đổi như những sinh vật có ý thức. Họa sĩ tìm cách đưa ra cái nhìn mới về lối nhìn tuyến tính, tái khám phá những chủ đề về hình ảnh người phụ nữ, thể hiện sự đồng cảm qua việc miêu tả tính nữ và sự thân mật, dịch chuyển cái nhìn.

Tác phẩm "Từ trong đêm" của Trịnh Cẩm Nhi
Tác phẩm "Từ trong đêm" của Trịnh Cẩm Nhi

Từ năm 2021, Trịnh Cẩm Nhi bắt đầu khám phá phương pháp mới trong nghệ thuật, sử dụng bố cục bàn cờ làm nền móng cho mỗi bức tranh. Bố cục này trở thành phương tiện để nghệ sĩ thử nghiệm với ảo ảnh thị giác, khám phá hình thức và biểu tượng. 

Trong thời gian lưu trú tại VAC Hà Nội, Cẩm Nhi tiếp tục thực hành bố cục bàn cờ, nhưng thay vì sử dụng sơn dầu trên toan như trước, cô thử nghiệm với các chất liệu mới gồm màu nước, mực và acrylic trên giấy dó. 

Trong không gian của Mở xưởng: Đêm Trắng, Cẩm Nhi sử dụng các mô típ lặp lại như quả trứng, rèm cửa, vòng xoáy nước - những biểu tượng bắt nguồn từ ký ức tuổi thơ và tâm thức của họa sĩ. Bố cục bàn cờ có trật tự dần được thay thế bằng tiết tấu được tạo ra từ hình quả trứng, hình tròn và hình hoa. Bên ngoài và bên trong được thể hiện qua hình ảnh rèm cửa, những vệt màu ngẫu nhiên đan xen với những hình tròn có chủ đích…

Họa sĩ chia sẻ, sáng tác không hẳn nằm ở việc vẽ gì, mà là học cách sống với sự mơ hồ, học cách tin tưởng, phó thác, chờ đợi và không giải thích. Mỗi bức tranh là một chuyển động trong chuỗi hồi tưởng đan xen mà khuếch đại, không những biểu lộ quan điểm "người quan sát cũng chính là thứ được quan sát", mà còn phản ánh bản chất phức tạp của ký ức cùng tiềm thức con người. Mở xưởng: Đêm trắng không nằm ngoài cảm hứng đó. 

Sự kiện Mở xưởng: Đêm trắng khai mạc sáng 6.7, kéo dài đến hết 31.7, tại VCA Hà Nội, số 6/44/11 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ.

Đặc biệt, sự kiện lần này còn giới thiệu các tác phẩm của khách mời, nghệ sĩ Hà Ninh Phạm. Trước đó, hai nghệ sĩ đã hợp tác trong một dự án thử nghiệm, khám phá mối quan hệ giữa ngôn từ và hình ảnh thông qua "cuộc đối thoại không lời". Suốt tháng 6, hàng ngày họ gửi cho nhau một bức tranh, đồng thời ghi lại cảm xúc và suy nghĩ cá nhân vào nhật ký. Tác phẩm có tựa đề "Hà Nội, 06.24", được trưng bày tại không gian nghệ thuật VAC Hà Nội. Qua đó, hai nghệ sĩ khám phá khoảng cách giữa ngôn từ và hình ảnh, đi sâu vào thế giới của ký hiệu và biểu tượng.

Văn hóa

Poster phim "Đào, phở và piano"
Văn hóa

Bài cuối: Lãng mạn nhưng kiên cường

26 năm sau "Hà Nội mùa đông 46", năm 2023, đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện bộ phim "Đào, phở và piano" từ sự thôi thúc bên trong, từ những câu chuyện kể của thế hệ cha anh đi trước mà ông được lắng nghe, và từ chính những ký ức tuổi thơ của đạo diễn về Hà Nội.