Khám phá vẻ đẹp và giá trị văn hóa của Hangeul - chữ viết tiếng Hàn

Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam và Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động giúp công chúng Việt Nam khám phá vẻ đẹp và giá trị của Hangeul - chữ viết tiếng Hàn.

Khám phá vẻ đẹp và giá trị của văn hóa Hangeul - chữ viết tiếng Hàn -0
Tác phẩm "Hangeul" của tác giả Lee Hwayoung. Ảnh: BTC

Việt Nam hiện là quốc gia có số lượng Học viện King Sejong (tổ chức do chính phủ Hàn Quốc thành lập nhằm khuyến khích việc học tiếng Hàn) lớn nhất thế giới. Nhằm giúp công chúng khám phá vẻ đẹp nghệ thuật và giá trị văn hóa của Hangeul - chữ viết tiếng Hàn, trong tháng 7 này, Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc, phối hợp với Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam và Thư viện Quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức nhiều chương trình.

Làm nổi bật giá trị của Hangeul

Mở đầu là triển lãm giới thiệu "Dự án thí nghiệm Hangeul - Viện nghiên cứu Hangeul thời cận đại", tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam từ ngày 15.7 - 9.8. Triển lãm nằm trong khuôn khổ “Dự án hợp tác chương trình tham quan Trung tâm Văn hóa tại nước ngoài” do Ban Dự án Văn hóa Quốc tế trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc thực hiện. Đây là triển lãm đầu tiên tại Việt Nam với chủ đề Hangeul - chữ viết tiếng Hàn.

"Dự án thí nghiệm Hangeul - Viện Nghiên cứu Hangeul thời cận đại" của Viện Bảo tàng Hangeul Quốc gia được tổ chức lần thứ 4, với mục đích giúp mọi người có cái nhìn trực quan hơn về giá trị của Hangeul. Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc hợp tác với các nghệ sĩ đang hoạt động tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm làm nổi bật giá trị nghệ thuật của Hangeul, từ đó giới thiệu giá trị của văn hóa Hangeul trên toàn cầu.

Khám phá vẻ đẹp và giá trị của văn hóa Hangeul - chữ viết tiếng Hàn -1
Tác phẩm "Jitae Chilgi Sơn mài trên giấy truyền thống 1" của tác giả Lyu Namgwon. Ảnh: BTC

Cùng với video giới thiệu về nguyên lý và triết lý sáng tạo Hangeul, tổng cộng 11 tác phẩm bao gồm video, sản phẩm thời trang, đồ mỹ nghệ, đồ gia dụng, đồ họa được sản xuất với chủ đề về sự thay đổi của tiếng Hàn trong thời cận đại.

Có thể kể đến tác phẩm Hangeul (Lee Hwa Young) thể hiện một cách tượng trưng việc Hangeul là cửa sổ nhìn ra thế giới thời cận đại; Jitae Chilgi, sơn mài trên giấy truyền thống, Hangeul Series (Lyu Namgwon) nắm bắt đặc điểm của phông chữ Hàn Quốc và thể hiện trên đồ sơn mài...

Sau Việt Nam, triển lãm sẽ tiếp tục diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Philippines bắt đầu từ tháng 9.

Trải nghiệm nghệ thuật viết chữ thư pháp

Nhóm Giáo dục của Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc sẽ tổ chức 6 buổi trải nghiệm nghệ thuật viết chữ thư pháp trong tháng 7 này với chủ đề Vẻ đẹp của chữ thư pháp Hangeul (The Beauty of Hangeul Calligraphy) tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam và Thư viện Quốc gia Việt Nam, dành cho người Việt Nam có nhu cầu trải nghiệm chữ viết tiếng Hàn.

Khám phá vẻ đẹp và giá trị của văn hóa Hangeul - chữ viết tiếng Hàn -2
Tác phẩm "The Beauty of Hangeul Calligraphy" trong chương trình trải nghiệm viết chữ thư pháp Hàn Quốc. Ảnh: BTC

The Beauty of Hangeul Calligraphy ứng dụng kỹ thuật viết thư pháp hiện đại tinh tế trong quá trình chuyển thể chữ Hangeul để người trải nghiệm có thể tạo ra tác phẩm Hangeul của riêng mình, qua đó người nước ngoài có thể cảm nhận được vẻ đẹp của Hangeul như một bức tranh.

Sau chương trình trải nghiệm nghệ thuật viết chữ thư pháp tại Việt Nam, Bảo tàng Hangeul Quốc gia Hàn Quốc có kế hoạch đưa trải nghiệm Hangeul đi muôn nơi, hướng tới phổ biến Hangeul trên toàn thế giới, mở rộng giá trị của Hangeul và văn hóa Hangeul, đồng thời thúc đẩy trao đổi văn hóa chữ viết.

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young-sam cho biết: "Tiếng Hàn được thí điểm là một trong những ngoại ngữ 1 (trong chương trình giáo dục phổ thông) và hơn 60 trường đại học tại Việt Nam đã thành lập khoa tiếng Hàn. Tôi hy vọng triển lãm lần này sẽ là cơ hội tốt để giới thiệu vẻ đẹp và tính khoa học của Hangeul đến với người dân Việt Nam".

Tại Lễ khai mạc triển lãm "Dự án Thí nghiệm Hangeul-Viện Nghiên cứu Hangeul thời cận đại" ngày 15.7, Bảo tàng Hangeul Quốc gia sẽ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Thư viện Quốc gia Việt Nam. Nội dung chính của thỏa thuận là thúc đẩy các chương trình hợp tác và trao đổi lẫn nhau về tài liệu và ấn phẩm học thuật; phối hợp tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, triển lãm quảng bá văn hóa của hai bên (đặc biệt là văn hóa chữ viết và di sản tư liệu...); trao đổi chuyên môn và phát triển các kỹ năng nghiệp vụ (đặc biệt là trong lĩnh vực bảo quản); trao đổi chuyên gia nhằm xúc tiến các hoạt động hợp tác và phát triển năng lực chuyên môn của hai bên và thúc đẩy các dự án hợp tác.

Văn hóa

Poster phim "Đào, phở và piano"
Văn hóa

Bài cuối: Lãng mạn nhưng kiên cường

26 năm sau "Hà Nội mùa đông 46", năm 2023, đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện bộ phim "Đào, phở và piano" từ sự thôi thúc bên trong, từ những câu chuyện kể của thế hệ cha anh đi trước mà ông được lắng nghe, và từ chính những ký ức tuổi thơ của đạo diễn về Hà Nội.