Hoàn thiện hệ thống, nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao

- Thứ Năm, 01/06/2023, 18:29 - Chia sẻ

Trao đổi bên lề Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu): Kinh phí ít, nhân lực thiếu và yếu 

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, nhiều công trình văn hóa đã ra đời từ cấp trung ương đến cấp cơ sở; các thiết chế văn hóa ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.

vlh_5452.jpg -0
ĐBQH Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu). Ảnh: Lâm Hiển

Nội dung hoạt động của các trung tâm văn hóa cấp tỉnh và cấp huyện tương đối đa dạng, phong phú, thường xuyên có sự đổi mới. Nhà văn hóa, khu thể thao thôn, bản tập trung vào tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động văn hóa, thông tin, hội thi, liên hoan, tập luyện, giao lưu văn hóa, thể thao... Đây thực sự là nơi giúp gắn kết cộng đồng, tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Những kết quả trên đạt được là rất đáng ghi nhận, song vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Thứ nhất, ngân sách Nhà nước hằng năm cấp cho các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế. Kinh phí hoạt động ít, cơ sở vật chất, trang thiết bị xuống cấp; nhân lực quản lý, khai thác, vận hành các thiết chế này còn thiếu và yếu về chuyên môn, thiếu chủ động, sáng tạo.

Thứ hai, một số thiết chế văn hóa ở địa phương xây dựng có quy mô lớn, nhưng việc khai thác hiệu quả thấp, ít người biết đến hoặc không quan tâm, dẫn đến nguồn thu hàng năm đạt thấp.

Thứ ba, nhu cầu và thị hiếu của người dân đã và đang thay đổi, trong khi thiết chế văn hóa, thể thao các cấp chưa bắt nhịp kịp để đổi mới phương thức hoạt động, chưa thu hút được sự tham gia tích cực của người dân. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tại các khu đô thị chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao một số nơi chưa được quan tâm quy hoạch.

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông)Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại cơ sở; góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

vlh_5482.jpg -0
ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông). Ảnh: Lâm Hiển

Đắk Nông có nhiều khó khăn của một tỉnh mới thành lập (năm 2004) nhưng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư. Đặc biệt hệ thống thư viện đã “phủ sóng” tất cả các huyện, thư viện nhà trường được tăng cường. Hàng năm, nhiều chuyến xe lưu động đưa sách, mang kiến thức đến với đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 640/713 bon, buôn, bản có nhà văn hóa, khu thể thao. Hoạt động văn hóa được tổ chức thường xuyên, nâng cao đời sống của bà con cũng như tăng cường giao lưu giữa các đồng bào dân tộc với nhau. Nhà văn hóa cộng đồng là nơi diễn ra hội nghị tập huấn, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đưa nghị quyết của địa phương vào đời sống. Nhiều mô hình phát triển kinh tế, câu lạc bộ dân vũ, đàn tính, hát then, truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ… được tổ chức ở nhà văn hóa cộng đồng. 

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao ở Đắk Nông cũng nhiều hạn chế. Hầu hết nhà văn hóa cộng đồng có diện tích nhỏ, không đủ sức chứa lượng cư dân lớn. Với những nhà văn hóa cộng đồng liên thôn, người dân khó khăn trong việc đi lại. Nhà văn hóa cộng đồng xây dựng đã lâu, không được duy tu, bảo dưỡng nên phần lớn bị xuống cấp; một số mới được xây dựng khang trang nhưng không có kinh phí để bảo quản. Việc kêu gọi kinh phí xã hội hóa cho hoạt động văn hóa không được nhiều, kinh phí đầu tư cho văn hóa thấp, cán bộ làm công tác ở cơ sở kiêm nhiệm nhiều công việc, chế độ đãi ngộ thấp. 

Để giải quyết bài toán về thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, Đắk Nông đã ban hành nghị quyết gắn liền với chương trình phát triển văn hóa như: thực hiện các đề án bảo tồn di sản văn hóa truyền thống; ưu tiên địa phương có lễ hội, văn hóa đặc sắc để tập trung đầu tư cho các thiết chế văn hóa; phát triển du lịch gắn với văn hóa cộng đồng; huy động nguồn lực xã hội hóa cho các hoạt động văn hóa tại địa phương; tăng cường tổ chức hội thi, hội diễn, nghệ thuật quần chúng…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở, tăng cường phối hợp giữa các ngành để tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; tăng cường kiểm tra nhằm nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Từ đó, tạo điều kiện cho đời sống văn hóa, thể thao của người dân được nâng lên, tác động trở lại với sự phát triển của thiết chế văn hóa, thể thao.

ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang): Cần có hướng dẫn quy chế quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động

Tuyên Quang hiện có 7 thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý, trong đó 5/7 thiết chế đã được đầu tư xây dựng bảo đảm hoạt động, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân; 2 thiết chế còn lại chưa được đầu tư xây dựng gồm Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh (đang mượn trụ sở cũ để hoạt động) không bảo đảm diện tích, trang thiết bị hoạt động. Ngoài ra còn có Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh do Tỉnh đoàn Thanh niên quản lý và Nhà văn hóa Liên đoàn Lao động do Liên đoàn Lao động tỉnh quản lý.

vlh_5491.jpg -0
ĐBQH Âu Thị Mai (Tuyên Quang). Ảnh: Lâm Hiển

Đối với cấp huyện, toàn tỉnh hiện có 7 Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao. 3/7 huyện đã có Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao nhưng xây dựng lâu năm, hầu hết đã xuống cấp, các phòng chức năng không bảo đảm để hoạt động. 2/7 huyện chưa được đầu tư xây dựng Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao đang việc tại nhà tạm, chưa có trụ sở riêng để hoạt động. Huyện đã quy hoạch quỹ đất, nhưng chưa có kinh phí để xây dựng.

Đối với thiết chế văn hóa cơ sở, toàn tỉnh hiện có 134/138 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hóa, Thể thao; 1.680/1.733 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao. Trong đó, 89 Trung tâm Văn hóa, Thể thao xã, phường, thị trấn; 1.340 nhà văn hóa - khu thể thao thôn, bản đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở đáp ứng được phần nào nhu cầu học tập, trao đổi, sáng tạo và gìn giữ văn hóa truyền thống của các địa phương trong tỉnh; vui chơi giải trí, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và ý thức rèn luyện thể thao. Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chủ động tổ chức các loại hình văn hóa, thể thao phù hợp là thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện để người dân tham gia xây dựng đời sống văn hóa thể thao tại cơ sở, qua đó khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất hiện có.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn nên việc đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn chế. Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của nhân dân, đề nghị Chính phủ cân đối bảo đảm nguồn lực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; hỗ trợ các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành hướng dẫn quy chế quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao để các địa phương tổ chức quản lý hoạt động bảo đảm đồng bộ, thống nhất; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa - thể thao ở cơ sở.

ĐBQH Triệu Thị Huyền (Yên Bái)Ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao ở xã, thôn đặc biệt khó khăn

Yên Bái hiện có 9 Trung tâm Truyền thông và Văn hóa cấp huyện; 146/173 xã, phường, thị trấn với 1.313/1.356 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt 96,8%. Những năm qua, công tác xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức các hoạt động phù hợp với đặc điểm từng dân tộc, vùng miền và các nhóm đối tượng người dân.

348358381_783366206657269_1209074515719388292_n.jpg -0
ĐBQH Triệu Thị Huyền (Yên Bái). Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa quy hoạch được quỹ đất cho xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao xã, thôn, bản. Một số nhà văn hóa được xây dựng trước khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành thông tư hướng dẫn nên quy mô, diện tích chưa bảo đảm. Việc huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao tại một số thôn, bản vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn...

​Để xây dựng, quản lý và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế các chính sách không còn phù hợp, như Thông tư 06/2011/TT-BVHTTDL ngày 8.3.2011 về quy định mẫu tổ chức, hoạt động và tiêu chí của nhà văn hóa - khu thể thao thôn. Hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thực hiện xong Đề án sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố, những quy định tại Điều 6 của Thông tư này không còn phù hợp.

Các địa phương cũng cần dành ưu tiên phân bổ, bố trí nguồn lực đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa thu hút sự đầu tư của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí cho thanh, thiếu nhi.

Kiện toàn bổ sung, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý thiết chế văn hóa để vận hành và khai thác hiệu quả các thiết chế này. Có cơ chế khuyến khích phát huy tính tự chủ trong quản lý, khai thác, sử dụng nhà văn hóa, sân vận động ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, tránh lãng phí.

Ngọc Phương - Thái Minh - Hồng Hà ghi
#