Trò chuyện đầu tuần

Cộng hưởng nghệ sĩ - nghệ nhân

Được đánh giá cao về giá trị văn hóa và nghệ thuật, đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục công chúng nếu có sự kết hợp sáng tạo của nghệ sĩ với sự tinh tế từ kỹ thuật của nghệ nhân. Họa sĩ LÊ THIẾT CƯƠNG gợi mở hướng đi trong gìn giữ, phát triển bền vững lĩnh vực này trong công nghiệp văn hóa.

"Công thức" bảo tồn đẹp nhất

- Những năm gần đây, ông và cộng sự tổ chức một số triển lãm giới thiệu nghệ thuật trên gốm như: “Thơ Gốm”, “Kinh Gốm”... và gần đây là “Gốm Hương Canh - Đối thoại giữa truyền thống và hiện đại”. Điều gì khiến ông quan tâm và gắn bó với chất liệu nghệ thuật này?

Cộng hưởng nghệ sĩ - nghệ nhân -0
Họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: cand.vn

- Lịch sử mỹ thuật truyền thống của người Việt chủ yếu nằm trong đồ thủ công mỹ nghệ, trong đó có đồ gốm, đồ gỗ, đồ bạc, đồ mây tre đan... Đồ gốm không phải chỉ Việt Nam có, nhưng rõ ràng là với những hiện vật đã tìm thấy ở các di chỉ như Đồng Đậu, Gò Mun cũng có lịch sử khoảng 4.000 năm. Truyền thống gốm của người Việt được tính từ đấy.

Sau 1.000 năm Bắc thuộc, Việt Nam vẫn là Việt Nam, văn hóa Việt Nam vẫn còn, gốm Việt phát triển đỉnh cao, ngay lập tức là gốm thời Lý, sau đó đến gốm hoa nâu thời Trần nổi tiếng khắp thế giới. Tôi đã đi nhiều bảo tàng lớn tại nhiều quốc gia, từ Bảo tàng Hoàng gia London, Bảo tàng Hoàng gia Bỉ, Bảo tàng Guimet ở Paris… đều trưng bày gốm Lý, gốm Trần.

Tôi mê gốm và tôi tự hào về truyền thống ấy, cho nên mới có đủ năng lượng để làm các triển lãm. Tôi mong muốn sau đây sẽ làm được nhiều triển lãm tôn vinh các làng gốm Việt Nam, ít nhất là gốm của vùng đồng bằng sông Hồng như Hương Canh, Phù Lãng, Bát Tràng...; cũng như triển lãm về các tác giả lớn như Lê Ngọc Hân, Lê Huy Văn…

- Qua nghiên cứu và quan sát sự phát triển của các làng nghề hiện nay, theo ông, đưa nghệ thuật vào gốm sẽ góp phần bảo tồn, phát huy nghề truyền thống ra sao?

- Mấy làng gốm sành truyền thống vùng châu thổ sông Hồng chỉ còn Phù Lãng. Thổ Hà không còn lò gốm nào hoạt động. Hương Canh còn vài ba gia đình giữ nghề - tức là làm gốm vì giữ truyền thống của làng, vì yêu gốm chứ không thể nói là sống bằng gốm được. Cả 3 làng gốm này đều là gốm sành, trong đó riêng Phù Lãng là gốm sành có men; Thổ Hà không men và có cả 2 dòng sản phẩm là đồ gia dụng và đồ thờ (bát hương, linh vật…); Hương Canh chuyên đồ gia dụng như chum, vại, vò, liễn, ang, thạp, chõ, cối…

Qua việc kết nối, đối thoại truyền thống và hiện đại sẽ mang lại kết quả là sản phẩm tự sống được trong đời sống đương đại. Đó là cách bảo tồn bền vững nhất. Không chỉ là với gốm, tôi tin chắc những làng truyền thống như mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái... nếu đi đúng "công thức" ấy sẽ là cách bảo tồn đẹp nhất.

Không xử lý được vấn đề bản quyền thì không có sáng tạo

- Không chỉ với gốm, gần đây, nhiều dự án gìn giữ và phát triển nghề thủ công bằng cách sáng tạo trên chất liệu, sản phẩm truyền thống. Tuy nhiên, dường như kết quả thu được vẫn còn hạn chế. Theo ông, vướng mắc lớn nhất của sự kết nối giữa nghệ nhân làng nghề và lực lượng làm sáng tạo là gì?

- Tôi xin nhấn mạnh là đừng bắt nghệ nhân làm nghệ sĩ và đừng bắt nghệ sĩ làm nghệ nhân. Bởi vì trong thực tế, năm trước đã có một chuyện rất không vui: một nghệ sĩ về làng nghề kết hợp với một nghệ nhân tay nghề cao làm một sản phẩm, sau đó công bố sản phẩm ấy và không ghi tên nghệ nhân. Tôi cho rằng đấy là việc không công bằng. Tức là mình đang nói đến một chuyện còn lớn hơn - đó là vấn đề bản quyền. Các nước trên thế giới phát triển được các lĩnh vực sáng tạo là bởi họ rất tôn trọng vấn đề sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, ý thức bảo vệ bản quyền, sử dụng tác phẩm có bản quyền không cao, xử phạt chưa nghiêm. Nếu không xử lý được vấn đề bản quyền thì không có sáng tạo.

Tôi cũng có một trải nghiệm nữa khi được mời chấm thi các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Trung ương và Hà Nội. Tôi cảm thấy rất buồn vì câu chuyện kết nối nghệ sĩ và nghệ nhân vô cùng yếu. Nhiều nghệ nhân làng nghề gửi sản phẩm tinh xảo, nhưng đáng tiếc lại là sự sao chép truyền thống, không có yếu tố mới phù hợp với đời sống hiện nay.

- Từ nghiên cứu và thực hành của mình, ông có gợi ý gì cho việc gìn giữ và phát triển các làng nghề, để đồ thủ công Việt Nam giữ được bản sắc nhưng có sự độc đáo và được đánh giá cao trên thị trường?

- Tôi cho rằng, Nhà nước phải có chính sách thúc đẩy sự kết nối, sáng tạo trên chất liệu thủ công truyền thống; xây dựng những khoa chuyên thiết kế đồ thủ công mỹ nghệ. Với những khoa như vậy, trước khi sinh viên ra trường, khoảng năm thứ ba, thứ tư cần phải đi vào các chuyên ngành, như chuyên về thiết kế gốm, thiết kế vải, thiết kế đồ sơn mài, đồ bạc, đồ chạm khảm... Mỗi chất liệu có ngôn ngữ riêng, không thể dùng ngôn ngữ mây tre cho gốm, hay lụa... Muốn thiết kế với chất liệu gì, ta phải học chuyên sâu, hiểu rõ về chất liệu ấy.

Bên cạnh đó, cần có những cuộc thi toàn quốc về thiết kế, sáng tạo sản phẩm, có thể tổ chức thường niên hoặc 2 năm/lần. Những cuộc thi như vậy sẽ tạo cơ hội sáng tạo cho sinh viên mới ra trường. Sau đó, có thể có những cuộc thi chuyên về một chất liệu, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các nghề thủ công của Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Văn hóa

Tác phẩm "Gióng" của Nguyễn Tư Nghiêm - Bảo vật quốc gia
Văn hóa - Thể thao

Người nối mạch nguồn cội với đương đại

Thuần thục các thủ pháp tạo hình châu Âu, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã sớm quay về với nguồn cội, lấy cảm hứng sáng tạo từ văn hóa dân gian và khéo léo kết hợp với kỹ thuật hiện đại để tạo nên một phong cách độc đáo. Điều đó khiến ông trở thành một biệt lệ trong các danh họa Việt Nam cùng thời và ảnh hưởng đến nhiều thế hệ họa sĩ.

Chương trình tôn vinh nét đặc sắc của văn hóa cố đô Huế
Văn hóa

Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô

Đêm nhạc Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô , với sự kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng, nhạc điện tử và nhạc truyền thống, sẽ diễn ra vào tối 19 - 20.10, tại Nhà hát Sông Hương, thành phố Huế.

Giữ truyền thống và tạo sức sống mới cho làng nghề
Văn hóa - Thể thao

Đan quyện tinh hoa và sáng tạo

Là “đất trăm nghề”, Hà Nội đang từng bước nâng tầm sản phẩm thủ công, thổi làn gió mới vào giá trị truyền thống; sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa truyền thống và sáng tạo hiện đại không chỉ giúp bảo tồn bản sắc thủ đô, mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị, tìm lại sức sống cho làng nghề.

Đình Đông Thành: Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tâm linh của Thủ đô
Văn hóa

Đình Đông Thành: Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tâm linh của Thủ đô

Đình Đông Thành hay còn gọi là Chân Thiên Quán được khởi dựng vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Xưa thuộc thôn Đông Thành Thị tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay Đình tọa lạc tại số 7 phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Triển lãm nhiếp ảnh 'Hà Nội - Một thời để nhớ': Lật tìm ký ức từ 'nhật ký' ảnh đen trắng
Văn hóa

Triển lãm nhiếp ảnh 'Hà Nội - Một thời để nhớ': Lật tìm ký ức từ 'nhật ký' ảnh đen trắng

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), 86 bức ảnh đen trắng của hai nhiếp ảnh gia Lê Bích và Andy Soloman (Anh) chụp từ năm 1992 - 2012, được trưng bày tại Triển lãm nhiếp ảnh “Hà Nội - Một thời để nhớ”, giúp người xem cảm nhận, hiểu hơn một giai đoạn biến chuyển của Hà Nội.