Bảo đảm tính hợp Hiến, phù hợp với thực tiễn

- Thứ Hai, 15/08/2022, 06:21 - Chia sẻ

Việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là cần thiết và dự thảo Nghị định được xây dựng đã đáp ứng quan điểm đề ra.

Khi Nghị định được ban hành, cần chú trọng tuyên truyền sâu rộng
Khi Nghị định được ban hành, cần chú trọng tuyên truyền sâu rộng

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 18.11.2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2018. Luật ra đời đã giúp cho việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thuận lợi hơn, bảo đảm đáp ứng và tôn trọng quyền của mọi người trong bày tỏ niềm tin, thực hành nghi lễ, tổ chức hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng của người có tín ngưỡng. Đồng thời Luật cũng giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Bên cạnh những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tuân thủ pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật có liên quan thì cũng còn những hành vi của cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật. Với các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan do tổ chức, cá nhân tôn giáo, người có tín ngưỡng vi phạm thì đều được xử lý theo quy định pháp luật có liên quan như việc xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực văn hóa, trật tự công cộng, đất đai, xây dựng, môi trường… hoặc xử lý hình sự nếu hành vi cấu thành tội phạm theo quy định pháp luật. Nhưng với các hành vi vi phạm trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức, cá nhân chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chưa có quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Vì vậy, việc xử lý vi phạm, chấn chỉnh hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng pháp luật còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý.

Trên cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 64 của Luật và kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Luật, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Từ ngày 1.6.2022 - 1.8.2022, dự thảo Nghị định và Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến nhân dân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự thảo Nghị định có 4 chương, 51 điều, trong đó Chương II gồm 33 Điều (từ Điều 9 đến Điều 41) quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Chương III gồm 08 Điều (từ Điều 42 đến Điều 49) quy định về thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản.

Qua tham khảo Tờ trình và Dự thảo Nghị định đăng lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, ý kiến cá nhân cho rằng việc ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo là cần thiết và dự thảo Nghị định được xây dựng đã đáp ứng quan điểm của Ban soạn thảo đề ra là: Bảo đảm tính hợp Hiến, phù hợp với quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật Xử lý vi phạm hành chính; Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của nội dung dự thảo Nghị định; Bảo đảm phù hợp với thực tiễn thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đề nghị Bộ Nội vụ và các cơ quan chức năng có liên quan tham mưu cho Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định và ban hành trong thời gian tới để xử lý vi phạm, đưa hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời giữ vững nguyên tắc Hiến định là bảo đảm và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Nếu Nghị định được Chính phủ ban hành, việc tổ chức thực hiện cần chú trọng tuyên truyền sâu rộng để mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ sự cần thiết ban hành Nghị định và thực hiện Nghị định một cách thống nhất, không tùy tiện áp dụng xử phạt, nhất là đối với các hành vi quy định tại Điều 9 dự thảo Nghị định về vi phạm Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và việc thực hiện thẩm quyền xử phạt từ Điều 43 đến Điều 49 dự thảo Nghị định.

Nguyễn Khắc Huy