Giữ hồn làng qua các đạo sắc phong

Bài 2: Nhức nhối nạn trộm cắp, buôn bán đạo sắc phong

- Thứ Hai, 29/08/2022, 08:27 - Chia sẻ

Thời gian qua rất nhiều đạo sắc phong ở các ngôi đình trên địa bàn TP. Hà Nội bị kẻ xấu lấy cắp, đau lòng hơn là trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, tình trạng này lại có xu hướng gia tăng. Chính vì giá trị về mặt kinh tế lớn nên đạo sắc phong đã trở thành một loại "hàng hóa" béo bở mà các đối tượng lùng sục, chiếm đoạt nhằm đem lại nguồn lợi bất chính.

Đối tượng mờ mắt vì cổ vật giá trị lớn

Nếu gõ trên mạng các từ khóa như "nạn trộm cắp cổ vật", "trộm cắp sắc phong" thì có thể ra hàng trăm vụ án trên địa bàn TP. Hà Nội. Đơn cử như ngày 11.2.2022, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hà Nội cùng Công an huyện Mỹ Đức làm sáng tỏ vụ trộm cổ vật tại đền Vân Mộng, thuộc thôn Giáp Bốn, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức. Các đối tượng đã lấy đi 2 lọ lục bình bằng sứ, 1 hòm tôn bên trong có các sắc phong bằng giấy, 1 hộp gỗ có chiều dài hơn 60 cm, chiều ngang khoảng 17 cm, nắp hộp có hình 2 con rồng, 1 chiếc đỉnh đồng, có hai quai xách, nặng khoảng 60 kg. Quá trình điều tra, các đối tượng cho biết: các cổ vật, trong đó có đạo sắc phong có giá trị kinh tế, bán được giá nên chúng nhắm vào các đình, đền để trộm bán lấy tiền tiêu xài.

Nhức nhối nạn trộm cắp, buôn bán đạo sắc phong -0
Thời gian qua, nhiều vụ việc trộm cắp cổ vật, đạo sắc phong được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, Hà Nội hiện có gần 6.000 di tích, trong đó có có 1 di tích được công nhận là Di sản Thế giới, 18 Di tích Quốc gia đặc biệt, 50 di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, hơn 1.800 đình, 2.007 chùa, 811 đền, 292 miếu… Tuy vậy,  có một thống kê khiến mọi người không khỏi giật mình là từ năm 2009 đến nay, đã có 20 di tích trên địa bàn 7 quận, huyện đã bị mất hàng trăm cổ vật, hiện vật, di vật quý, trong đó có những đạo sắc phong.

Từ số liệu có thể thấy mức độ, hành vi của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo trá, bất chấp sự tôn nghiêm của pháp luật, sự linh thiêng của nơi thờ tự. Từ trước đến nay, việc buôn bán sắc phong dù rất nhức nhối nhưng vẫn âm thầm diễn ra. Theo tiết lộ của một số người am hiểu về lĩnh vực này thì một sắc phong có giá dao động từ chục đến hàng trăm triệu đồng tùy vào niên đại. Vì thế nếu quy ra mức vật chất thông thường, sắc phong khá có sức hấp dẫn đối với những người không coi trọng và hiểu rõ giá trị văn hóa, chỉ muốn tư lợi cho túi tiền của mình. Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp, vì loạn lạc chiến tranh, vì sự trao truyền bị đứt gãy, vì sự yêu thích muốn sưu tầm và cùng nhiều nguyên nhân khác mà một số cá nhân lại có trong tay sắc phong. Tuy nhiên họ chỉ biết đây là một thứ đồ cổ, không rõ giá trị thực như thế nào và lưu giữ cho riêng mình.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng nhóm Nhân sĩ Hà Đông- một trong những nhóm có nhiều hoạt động trả lại sắc phong cho các địa phương, khẳng định có tồn tại việc buôn bán sắc phong, và phần lớn sắc phong được bán sang Trung Quốc.

Còn đâu linh hồn khi làng mất sắc phong?

Nhiều ngôi đền bị mất sắc phong đã được các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, xử lý, nhưng không phải vụ mất cắp nào cũng tìm lại được sắc phong đã mất, điều đó đồng nghĩa với việc nhiều ngôi đền không còn đạo sắc phong. Đó là thiệt thòi lớn cho người dân của làng, là nỗi đau đáu, xót xa cho những người con của làng quê ấy. 

Nhức nhối nạn trộm cắp, buôn bán đạo sắc phong -0
Các cụ cao niên làng Hậu Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bên bản sắc phong quý giá

Trong quá trình tìm hiểu ở một số ngôi đình trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi đã cảm thấy vô cùng áy náy khi thấy những gương mặt thất thần, những nỗi đau âm thầm của những người canh đền đến những người dân trong làng khi sắc phong cứ dần bị mất đi. Có người dân ở một ngôi làng ở huyện Thanh Oai bị mất cắp đạo sắc phong tâm tư: “Ngôi đình này đã có hàng trăm năm. Cứ vào ngày rằm, mồng 1, người dân lại về đây và được sống trong không gian đậm văn hóa, lịch sử. Thế nhưng, gần đây sắc phong bị mất làm cho đình trở nên lạnh lẽo, heo hút vô cùng. Bởi sắc phong chính là linh hồn của đền, của làng, của xã mà mất đi cũng chính là như con người chỉ có phần xác mà không có phần hồn”.

Nhức nhối nạn trộm cắp, buôn bán đạo sắc phong -0
Không ít người thủ từ đau đáu nỗi niềm khi đền bị mất sắc phong

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng từng chia sẻ câu chuyện đầy cảm động mà Nhóm Nhân sĩ Hà Đông của ông luôn lấy làm động lực, quyết tâm để theo đuổi công việc kết nối tím và trả lại sắc phong. Đó là lời phát biểu của một cụ cao niên ở một làng thuộc huyện Ứng Hòa đầy xúc động khi làng nhận lại những đạo sắc phong chia sẻ: “Đình làng chúng tôi có rất nhiều đồ vật quý giá nhưng đình vẫn không có hồn vì các đạo sắc phong của làng được thờ cúng trong đình đã bị lấy trộm, nay chúng tôi đón nhận lại các đạo sắc phong thì hồn mới trở về”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiểu khẳng định: “Nạn “chảy máu” cổ vật ở Việt Nam trong đó có sắc phong vẫn chưa được ngăn chặn một cách triệt để. Nếu cứ thế, đến một ngày chúng ta chẳng còn bằng chứng gì để minh chứng cho một nền văn hóa lâu đời của chúng ta. Lúc đó, chúng ta chỉ còn lại một thành phố, một làng quê ngập tràn hàng hóa và các văn hóa phẩm nước ngoài. Bởi thế, câu chuyện về sắc phong không phải là câu chuyện của quá khứ mà là câu chuyện liên quan đến tương lai của một nền văn hóa dân tộc”.

NGUYỄN THẢO - HOÀI PHƯƠNG - PHƯƠNG NGUYÊN
#