Mang ước vọng của nghệ nhân
Theo Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Văn Huy: Ở Việt Nam, đình, chùa là nơi tích tụ giá trị văn hóa sâu đậm nhất của dân tộc. Trong đó, vai trò của linh vật được đặt trong đền, đình, chùa tạo nên sự linh thiêng đối với không gian. Những linh vật như rồng, phượng, nghê… đã được cha ông ta đưa vào trong hệ thống biểu tượng của văn hóa Việt rất phong phú và đa dạng. “Cứ xem hệ thống biểu tượng linh vật trong các chùa, đình, đền, chúng ta sẽ thấy được sức sáng tạo đến tài tình của nghệ thuật trong đó. Cha ông chúng ta xưa và thợ thủ công ngày hôm nay đã gửi gắm những suy tư, tâm hồn của mình vào trong các tác phẩm điêu khắc một cách nghiêm túc. Các tác phẩm nghệ thuật nói lên ước vọng của thợ thủ công, của cộng đồng mong muốn có được sự linh thiêng, là giá trị văn hóa được kế thừa suốt hàng nghìn năm nay, trở thành nét văn hóa hồn cốt của dân tộc”.
Khảo sát, nghiên cứu kiểu thức linh vật ở một số đình, đền, các nhà nghiên cứu bước đầu xác định và đưa ra những giả thuyết mới, về sự chiếu xạ của linh vật với thân phận con người. Theo họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, từ đặc điểm của linh vật, xét về khía cạnh tôn giáo khiến con người ta cảm thấy sự kính trọng, uy nghi; đôi khi linh vật cũng tạo được sự gần gũi, tiếp thêm năng lượng, góp phần vui vẻ. “Nhân vật nghê thấy ngộ nghĩnh, rồng có thể là vương quyền, cung đình… Hiểu một cách khác, có sự chiếu xạ từ linh vật lên thân phận của con người” - họa sĩ Trần Hậu Yên Thế giải thích.
Tuy nhiên, cũng theo họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, sự phong phú về chủng loại cùng với yếu tố thẩm mỹ cao của linh vật Việt còn nhiều điều thú vị mà hiện nay khoa học chưa giải thích nổi. Ví dụ, cuốn Từ điển tiếng Việt phổ thông giải thích con nghê nghĩa là sư tử. “Theo nghiên cứu, trong nhiều trường hợp, nghê không phải là sư tử. Mà sư tử theo cách hiểu của Việt cũng là một con vật rất khác nên nhiều khi ngôn ngữ không giải thích được, mà phải bằng hình ảnh”. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế cho rằng: Văn hóa của người Việt là đa sắc tộc, bản thân mỗi tộc người lại có cách thể hiện linh vật khác nhau. Đôi khi, cùng trong di tích, linh vật ở mỗi không gian lại có ý nghĩa khác nhau, tùy theo công năng của khu vực đó. Tại nhiều di tích, linh vật rồng luôn được kính ngưỡng, tôn trọng, nhưng hiện ở đền vua Đinh, vua Lê có 2 sập đá khắc hình rồng vươn tay ra, với bàn tay mềm mại của người phụ nữ. “Hình ảnh này chưa hề có trên bất kỳ di tích nào, và chúng ta cũng không có cơ hội giải mã. Tôi chỉ có thể đưa ra một vài biện luận: Nghệ nhân - tác giả của sập đá - phản ánh cục diện thời Đinh, Lê, thể hiện quyền lực mềm của nguyên phi, hoàng hậu. Họ là những người nắm giữ quyền lực, chi phối. Vì thế, hình tượng linh vật mang hơi thở nghệ thuật đương đại, chứ không phải hiểu theo dân dã xưa nay”.
Hiểu để yêu di sản
Theo các nhà nghiên cứu, chính vì sự phong phú chủng loại tượng linh vật Việt cùng yếu tố thẩm mỹ cao của nó nên rất cần được chọn lọc, in sách, nhằm giúp công chúng dễ dàng hơn trong việc phân loại và nhận diện. Đại diện nhóm Đình làng Việt, ông Nguyễn Đức Bình cho hay, việc sưu tập linh vật đã được thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng các nhà nghiên cứu rất khó tiếp cận một số di tích. Hơn thế, khâu quảng bá đòi hỏi sự kết hợp tổng thể và có sự bền bỉ lâu dài. “Việc đưa linh vật ngoại lai ra khỏi di tích đã được các cơ quản lý nhà nước thực hiện nhưng không đồng bộ và dở dang. Đơn cử như việc cảnh báo không sử dụng linh vật ngoại lai làm biến dạng di tích, tại đình Hạ Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội), Ban quản lý rất quyết liệt nhưng do mối quan hệ dòng họ và sự nhầm lẫn trong cách hiểu, nên khó thực hiện. Chính vì vậy, cần in sách để truyền bá và có những chú thích hợp lý”.
Thực tế, vấn đề này liên quan mật thiết đến giáo dục. Trước đây, chúng ta mới chú trọng dạy nghề chứ không dạy kỹ năng. Cụ thể, trong lĩnh vực mỹ thuật chúng ta mới chỉ dạy cách vẽ chứ chưa hướng dẫn sinh viên cách thẩm định, thưởng thức. Ông Nguyễn Đức Bình đơn cử, nghệ nhân khi làm linh vật ngoài tay nghề còn phải thẩm thấu được các giá trị nghệ thuật. Đường nét hoa văn trang trí trên tượng linh vật đôi khi tưởng hết sức đơn giản, nhưng đòi hỏi bàn tay của thợ lành nghề. Bởi không chỉ phục dựng thông qua tài liệu, người thợ còn phải thể hiện được tinh thần trên sản phẩm đó. “Mới đây, Đà Nẵng cũng đã tổ chức một cuộc thi sáng tác linh vật nhưng cuộc thi đấy đã bị đổ. Bởi hầu hết thí sinh dự thi chưa hiểu hết về giá trị của linh vật. Ngay các nhà điêu khắc, nghệ nhân ở Hà Nội đến nay cũng chỉ dám phục dựng chứ chưa dám sáng tác. Do đó, chúng ta cần phải có một chiến lược tuyên truyền về linh vật Việt. Bởi công chúng phải hiểu giá trị của linh vật thì mới yêu nó” - ông Nguyễn Đức Bình nói.