Số hóa mỹ thuật cổ
“Trước đây, tôi từng nghe nhiều người than thở rằng mỹ thuật cổ truyền, đặc biệt là đồ án trang trí, không đẹp như các nước bạn. Ngay cả những người làm thiết kế, cộng đồng sáng tạo Việt Nam cũng thiếu hiểu biết về văn hóa dân tộc, và gặp khó khăn khi tìm kiếm những hoa văn gắn với truyền thống như rồng, phượng... nên nhiều khi lấy tạo hình hoa văn của Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí của phương Tây phục vụ các sáng tạo của mình” - Cù Minh Khôi, nhóm Đại Việt Cổ Phong (chuyên phục dựng văn hóa cổ) chia sẻ. Không “đành lòng” để cộng đồng hiểu nhầm, hiểu sai về tinh hoa của cha ông, các bạn trẻ của nhóm Đại Việt Cổ Phong và Cộng đồng truyện tranh Việt Nam - Comicola đã miệt mài sưu tầm và số hóa các mô típ mỹ thuật cổ Việt Nam, nhằm tạo kho tư liệu hoa văn của người Việt và cho người Việt.
Gần 2 năm trước, nhóm đã gây quỹ để thực hiện dự án và sau 3 tháng, số tiền nhận được vượt 180% dự kiến, cho thấy sự ủng hộ của cộng đồng đối với việc vẽ lại hoa văn tiêu biểu của Việt Nam. Dự án cũng nhận được sự trợ giúp về mặt tư liệu, góp ý của các nhà nghiên cứu. Theo anh Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập Comicola, sau hơn 1 năm bắt tay thực hiện, thành quả của dự án là 250 hoa văn vector truyền thống, được chia sẻ miễn phí nhằm tạo nguồn tư liệu phong phú cho những người làm thiết kế, sáng tạo Việt Nam có thể sử dụng trong các dự án mang tinh thần Việt, như phim lịch sử, dã sử, truyện tranh có yếu tố lịch sử...
Bên cạnh đó, cuốn sách tô màu Hoa văn Đại Việt và các sản phẩm ứng dụng như phong bao lì xì, lịch Tết, áo phông, móc chìa khóa, ốp điện thoại... cũng được ra mắt, nhằm giúp các bạn trẻ tiếp cận kho báu hoa văn này. Tất cả đang được trưng bày tại triển lãm Hoa văn Đại Việt - Ứng dụng trong sản phẩm mỹ thuật đương đại tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội, cùng nhiều hiện vật bằng gốm, gỗ, vải, sử dụng các họa tiết truyền thống.
Sách tô màu Hoa văn Đại Việt giúp các bạn trẻ tiếp cận kho báu của cha ông để lại - Ảnh Ng.Phương |
Tìm về cội nguồn
Dự án Hoa văn Đại Việt khái quát hệ thống hoa văn từ thời Lý đến thời Nguyễn, trải dài gần 1 thiên niên kỷ. Với mỗi dạng đồ án hoa văn, nhóm cố gắng phân tích và làm sáng tỏ chủ đề, đặc trưng tạo hình và ý nghĩa biểu tượng. Ban đầu, nhóm dự tính sẽ chỉ đồ lại hoa văn, trên tinh thần tôn trọng nguyên mẫu. Tức là đồ theo đúng đường nét trên hiện vật, không chỉnh sửa, không bổ sung. Nhưng nếu tiến hành với phương thức như vậy, sẽ không đạt được mục đích tái hiện tinh thần, hồn cốt của hoa văn và mỹ thuật xưa như đã đề ra ban đầu. Thực tế, trong quá trình tìm kiếm tư liệu, nhiều hiện vật hoặc do phong hóa, do bị rạn vỡ, trải qua thời gian dài, hoa văn trên đó đã mất đi nhiều chi tiết so với nguyên bản; hoặc có những hoa văn nhiều đường nét thô, lệch do sự sơ suất của chính nghệ nhân trong quá trình tạo tác.
Vì thế, thay vì chỉ đồ lại hoa văn như ban đầu, dựa trên nghiên cứu đối sánh với hình ảnh các hiện vật có cùng mô típ hoặc so sánh với hoa văn của các thời kỳ khác và của các nước đồng văn, nhóm còn kết hợp khôi phục hoa văn cổ, sao cho gần nhất với ý tưởng của nghệ nhân xưa. Tuy nhiên, hầu hết các họa sĩ tham gia dự án chưa từng có kinh nghiệm vẽ và phục chế hoa văn mỹ thuật cổ. Vì thế, có lúc đồ hoa văn một cách hoàn chỉnh, nhưng các nét vẽ hoàn toàn theo phong cách và thẩm mỹ của hội họa hiện đại, xa với phong cách thể hiện của hội họa phương Đông. Có những hoa văn phải sửa 5 - 7 lần mới thể hiện được phần nào tinh thần, vẻ đẹp mà cha ông tạo tác.
Nhiều năm nghiên cứu mỹ thuật truyền thống, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho rằng: “Với dự án này, các bạn trẻ đã tìm về cội nguồn, thúc đẩy giá trị cha ông trở thành giá trị thời đại. Họ đang đặt viên gạch cho sự tự hào về văn hóa Việt, bảo tồn, phát triển, làm hồi sinh những nét đẹp mỹ thuật truyền thống trong đời sống đương đại”.
Hiện nay, dự án mới chỉ dừng ở phục dựng hoa văn từ thời Lý đến thời Nguyễn bởi thời kỳ này còn có nhiều hiện vật đại diện cho nghìn năm văn hiến, đại diện cho những nét tinh túy, rực rỡ nhất mà dân tộc Việt Nam đã từng tạo dựng, mà đỉnh cao là thời Lý - Trần với sắc thái riêng biệt, đặc trưng. Phan Huy Lê - thành viên nhóm Đại Việt Cổ Phong cho biết, nhóm mong muốn có thể phục dựng hoa văn của các thời kỳ trước đó, nhưng cần có thêm thời gian tích lũy kiến thức và tư liệu.